Kỳ vọng tạo đột phá cho đất Chín Rồng
Hôm nay, 21.6, Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng đồng bằng sông Cửu Long diễn ra tại Cần Thơ với kỳ vọng sẽ đưa đất Chín Rồng cất cánh.
“Hội đủ điều kiện để tạo đột phá”
Ba ngày trước khi hội nghị diễn ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Nghị quyết số 78/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết số 13-NQ/TW đặt ra tầm nhìn, mục tiêu, quan điểm lớn, định hướng trở thành vùng phát triển hiện đại, nhanh và bền vững, toàn diện, sinh thái, văn minh, đậm đà bản sắc văn hóa sông nước.
Chương trình hành động của Chính phủ xác định những mục tiêu cụ thể như đến năm 2030, tăng trưởng bình quân đạt khoảng 6,5 - 7%/năm; quy mô nền kinh tế gấp 2 - 2,5 lần so với năm 2021; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 146 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ đô thị hóa đạt 42 - 48%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%... Chính phủ cũng đặt ra một loạt giải pháp chủ yếu, trong đó tập trung, thực hiện tốt công tác hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng…
Trước đó, ngày 28.2.2022, quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 287/QĐ-TTg. Đây là bản quy hoạch vùng đầu tiên được tổ chức lập theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành trên cơ sở Luật Quy hoạch, nhằm cụ thể hóa tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu tại Nghị quyết 13/NQ-TW cũng như theo tinh thần Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Quy hoạch mở ra các tầm nhìn mới, tư duy mới, cơ hội mới và giá trị mới, hướng tới từ chỗ phát triển vùng dưới tiềm năng trở thành nơi đáng sống, năng động, thịnh vượng, là điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch và nhà đầu tư.
Từ những căn cứ này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tin rằng “chúng ta đã hội tụ đủ các điều kiện để tạo nên những đột phá cho vùng”.
Không có doanh nghiệp, không thể phát triển
Theo dự kiến, hội nghị sẽ công bố Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; định hướng triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW; thống nhất triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch. Bên cạnh đó, hội nghị sẽ công bố cam kết tài trợ của nhóm 6 ngân hàng phát triển thống nhất danh mục dự án phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2025 với tổng vốn hơn 2 tỷ USD, gồm nguồn vốn ODA và vay ưu đãi. Đây là nguồn vốn mồi để thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân và nước ngoài.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để triển khai Quy hoạch, trong giai đoạn 2021 - 2025, tổng số vốn ngân sách nhà nước đầu tư dự kiến khoảng 388.000 tỷ đồng. Với nguồn lực này sẽ có điều kiện để hoàn thành một số công trình trọng điểm như thông các tuyến cao tốc, nâng cấp, cải tạo kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng, kết nối và hoàn thiện các hệ thống thủy lợi, các công trình trữ nước, chống xâm nhập mặn... Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ Ba vừa qua, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Cùng với đó, một loạt dự án khác như cao tốc An Hữu - Cao Lãnh, nối toàn bộ cao tốc từ TP. Hồ Chí Minh đến Cần Thơ và Cà Mau… sẽ giúp nâng cao sức cạnh tranh về hạ tầng cho toàn vùng.
Những tín hiệu tích cực trên đang mở ra cơ hội phát triển rất lớn cho đồng bằng sông Cửu Long. Dù vậy, rủi ro, thách thức vẫn rất nhiều, đặc biệt liên quan đến đầu tư hạ tầng do địa hình bị chia cắt, nền đất yếu khiến suất đầu tư hạ tầng giao thông thường rất lớn, cao hơn 1,3 - 1,5 lần so với vùng khác. Mặt khác, nguồn nhân lực trong vùng còn hạn chế, thiếu hụt nhân lực chất lượng cao. Tình trạng di cư khỏi vùng hiện lên tới 1,8 triệu người rất đáng báo động… Rõ ràng, còn rất nhiều việc phải làm cho 13 tỉnh, thành trong vùng!
Theo các chuyên gia, vấn đề cốt lõi của vùng là định vị vùng, bố trí không gian và huy động nguồn lực phát triển. Theo đó, cần ưu tiên cơ chế, chính sách bảo đảm liên kết vùng; hoàn thiện thể chế điều phối vùng, tăng cường vai trò của các địa phương trong Hội đồng điều phối vùng. Song song với đó, cần tổ chức huy động nguồn lực đầu tư phát triển, ưu tiên bố trí vốn đầu tư công, thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách, nhất là trong khối tư nhân.
Về phát triển nhân lực, đổi mới sáng tạo, khoa học, công nghệ cần được coi là chìa khóa của thành công. Cần rà soát lại hệ thống đào tạo nghề; liên kết trong đào tạo nghề; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực theo hướng phục vụ các ngành lợi thế của vùng.
Hội nghị hôm nay là bước đi đầu tiên trong việc thực hiện Quy hoạch đồng bằng sông Cửu Long. Liệu vùng có thể trở thành nơi đáng sống, thịnh vượng, là điểm đến hấp dẫn đối với du lịch và nhà đầu tư nằm ở chính sự nỗ lực, quyết tâm của các địa phương cùng sự “chia lửa” của các bộ, ngành với việc kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt cho vùng.
Nói như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, vốn của Nhà nước chỉ là “vốn mồi” làm hạ tầng. Nhà nước đã lo xong phần này và phần còn lại là của các địa phương. Do vậy, các địa phương cần nêu cao tính chủ động, tập trung ngân sách có trọng tâm, trọng điểm vào những dự án có hiệu quả cao, sức lan tỏa lớn. Đồng thời, các địa phương cần làm cho các nhà đầu tư thấy được tiềm năng, cơ hội của tỉnh mình để thu hút đầu tư. Bởi nếu không có doanh nghiệp, không có nhà đầu tư, vùng sẽ không thể phát triển!
Những điểm đột phá của Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đột phá đầu tiên và lớn nhất của Quy hoạch là phát triển hài hòa, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu dựa trên 3 trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường. Tiếp đến là phát triển theo hướng thuận thiên, thích ứng, tôn trọng và không can thiệp quá sâu vào quy luật tự nhiên, phát triển bền vững theo phương châm sống chung với lũ, mặn, khô hạn, thiếu nước, phù hợp với điều kiện thực tế.
Bên cạnh đó, Quy hoạch lấy con người làm trung tâm, mục tiêu, động lực; lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi để phát triển; chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, hệ sinh thái tự nhiên. Biến thách thức thành cơ hội khi coi nước lợ cũng là tài nguyên. Quy hoạch đặt ra yêu cầu về việc nông nghiệp, công nghiệp, đô thị đều phải tập trung lại thay vì phân tán, nhỏ lẻ như trước…