Kỳ vọng từ những cú 'hích' trong cải tạo chung cư cũ
Sau nhiều năm chờ đợi, người dân sống tại các chung cư cũ ở Thủ đô đang rất kỳ vọng vào kế hoạch và quyết tâm của các Sở, ngành Hà Nội, để ước mơ có một mái ấm khang trang, an toàn không còn là… trên giấy.
Tuyên truyền về Nghị định 69/2021/NĐ-CP
Vấn đề cải tạo chung cư cũ ở khu vực nội đô Hà Nội đã vướng mắc trong thời gian dài với nhiều nguyên nhân. Để giải quyết vấn đề này, tới đây, Hà Nội sẽ xây dựng đề án tổng thể về cải tạo chung cư cũ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để có cơ chế chính sách đặc thù cho Thủ đô.
Đáng chú ý, với thông tin quy hoạch phân khu 4 quận nội đô lịch sử (gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng) vừa được phê duyệt và công bố vào ngày 22/3 đã thể hiện tư duy quy hoạch đổi mới, tạo điều kiện để Hà Nội đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ và là công cụ tháo gỡ các “điểm nghẽn” phát triển đô thị tại các quận nội thành cũ.
Tại các quy hoạch này, Hà Nội đã thống nhất quan điểm cải tạo, xây dựng lại các khu tập thể cũ theo hướng cao tầng, mật độ thấp; bổ sung hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và các tiện ích công cộng, không gia tăng quy mô dân số trong khu vực.
Trên thực tế, tại Hà Nội mới chỉ thực hiện được 1% việc xây dựng, cải tạo lại chung cư cũ. Do vậy, từ nhiều năm nay, hàng nghìn hộ dân sống tại các chung cư cũ đều mong muốn được ở nhà mới hơn, tốt hơn, phù hợp với nhu cầu cuộc sống hiện nay.
Bà Nguyễn Thị Vinh (Khu tập thể Trung Tự, Đống Đa) cho biết, hiện nay rất nhiều hộ gia đình đang sinh sống trong những khu tập thể 5 tầng cũ, được xây dựng từ những năm 70 và đã xuống cấp. Khi có Nghị định mới về cải tạo chung cữ cũ người dân rất mừng. Đặc biệt, khi được các cấp chính quyền, chuyên gia mời tham dự các Hội nghị tuyên truyền, bà Vinh cũng như nhiều hộ dân khác hiểu rõ hơn về chủ trương, Nghị định và có niềm tin hơn trong việc cải tạo chung cư cũ. Cũng theo bà Vinh, chủ trương mới này có rất nhiều điểm rất mới, thuận tiện hơn cho việc đồng thuận của người dân.
Những chính sách mới gỡ được nút thắt cũ
Mới đây, tại quận Đống Đa, công tác tuyên truyền về Nghị định 69/2021/NĐ-CP đã được các cấp chính quyền quan tâm, chú trọng. Theo đó, quận cũng đã tổ chức tuyên truyền tại phường Trung Tự, Kim Liên và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người dân. Phó Chủ tịch UBND phường Trung Tự cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định 69/2021/NĐ-CP về cải tạo xây dựng lại nhà chung cư, có hiệu lực từ 1/9/2021, với nhiều quy định mới trong cải tạo chung cư cũ.
Điển hình như: Nghị định phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho UBND cấp tỉnh, TP từ trách nhiệm chỉ đạo đến bố trí ngân sách, quản lý đất, cưỡng chế thu hồi đất, cưỡng chế di dời và được quyền ban hành các cơ chế, chính sách cụ thể phù hợp với địa phương. Căn cứ vào điều kiện cụ thể của dự án, quyết định hệ số bồi thường tái định cư tại chỗ từ một đến hai lần diện tích sử dụng căn hộ cũ ghi trong Giấy chứng nhận hoặc diện tích đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận. Chủ đầu tư thực hiện dự án được lựa chọn khi có ít nhất 70% số chủ sở hữu căn hộ tham gia biểu quyết và tối thiểu 75% số các chủ sở hữu căn hộ tham gia đồng ý…
Tại các quận trên địa bàn, việc triển khai tuyên truyền, khảo sát, kiểm định các chung cư cũ cũng được chú trọng quan tâm. Tại quận Đống Đa, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Hà Anh Tuấn cho biết, trên địa bàn quận có 14 khu tập thể lớn với 461 nhà, đơn nguyên; tổng diện tích đất tự nhiên của các nhà chung cư là 215ha với dân số khoảng 108,594 người. Đa phần, các nhà chung cư, tập thể cũ trên địa bàn quận được xây dựng từ những năm 1960-1980 của thế kỉ trước. Đến nay, cơ bản đã hết niên hạn sử dụng và xuống cấp.
Hay tại quận Thanh Xuân cũng đã bắt đầu triển khai Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ và lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ trên địa bàn. Từ đầu tháng 2/2022, UBND quận Thanh Xuân yêu cầu các lực lượng chức năng quận tổ chức rà soát, đề xuất danh mục, phạm vi ranh giới dự án cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ/nhóm chung cư cũ/tập hợp các chung cư cũ độc lập, đơn lẻ cần nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết, tổng mặt bằng, đề án quy gom trên địa bàn quản lý…
TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên GĐ Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đánh giá, Nghị định 69/2021 của Chính phủ là "bước dột phá", gỡ nhiều nút thắt về chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Ông Nghiêm cho hay, thời gian tới TP thí điểm cải tạo một số khu chung cư cũ theo hướng tăng tiện ích đô thị, nâng giá trị của người dân, đáp ứng yêu cầu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trên cơ sở của định hướng quy hoạch chung và quy hoạch phân khu.
Định hướng quy hoạch chung của TP là đảm bảo khống chế về mặt dân số bên cạnh việc nâng tầng cao, nhưng phải giảm mật độ xây dựng và tăng các tiện ích để người dân có cuộc sống tốt hơn.
Trước đó, ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội thống nhất cao khi tiến hành thảo luận về Chương trình công tác số 03-CTr/TU của Thành ủy về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 – 2025″ tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP diễn ra vào ngày 11/3.