Kỳ vọng vaccine ung thư sẽ 'thay đổi cuộc chơi'

Giới chức y tế Anh mới đây đã thử nghiệm vaccine điều trị ung thư cho bệnh nhân, mở ra hy vọng hàng nghìn người mắc ung thư có thể được chữa khỏi.

 Những tiến triển tại Anh mở ra cơ hội điều trị ung thư bằng vaccine. Ảnh: ET Healthworld.

Những tiến triển tại Anh mở ra cơ hội điều trị ung thư bằng vaccine. Ảnh: ET Healthworld.

Khác với vaccine cho các bệnh truyền nhiễm như cúm hay Covid-19, vốn dùng để phòng bệnh, vaccine ung thư được điều chế với mục đích chữa bệnh. Vaccine trị ung thư được thiết kế để hỗ trợ hệ miễn dịch xác định và chống lại tế bào khối u, giảm nguy cơ ung thư quay trở lại.

Các cơ quan y tế trên khắp nước Anh sẽ phối hợp phát triển vaccine, ban đầu tập trung vào bệnh nhân ung thư đại trực tràng, tuyến tụy, da, phổi, bàng quang và thận.

Mới đây, Cơ quan Y tế Vương quốc Anh (NHS) ngày 31/5 thông báo lần đầu tiên thử nghiệm vaccine ung thư trên bệnh nhân - là ông Elliot Pfebve, người trước đó đã phẫu thuật cắt khối u ung thư đại trực tràng.

Chương trình thử nghiệm vaccine sẽ hoàn tất vào năm 2027, do đó mất vài năm nữa để vaccine ung thư có thể được tiếp cận rộng rãi. Song, đây là tin vui với những bệnh nhân kỳ vọng một phương pháp có thể giúp họ thoát khỏi căn bệnh nguy hiểm, theo Newsweek.

Vaccine ung thư sử dụng công nghệ mRNA để làm kích thích hệ thống miễn dịch của con người, từ đó phát hiện và tiêu diệt ung thư ở giai đoạn sớm nhất. Nếu thành công, vaccine này sẽ là nhân tố thay đổi cuộc chơi trong việc ngăn ngừa sự khởi phát hoặc ngăn ung thư ruột tái phát.

Với việc chế tạo vaccine, các bác sĩ sẽ phân tích tình trạng ung thư hoặc khối u của bệnh nhân, sau đó tạo ra vaccine cá nhân hóa, có chứa các dấu hiệu liên quan đến tế bào ung thư của bệnh nhân. Tương tự vaccine bệnh truyền nhiễm, hệ thống miễn dịch sau đó hình thành kháng nguyên để tiêu diệt tế bào ung thư.

"Vaccine được điều chỉnh phù hợp với các phân tử được biểu hiện bởi tế bào ung thư của từng bệnh nhân nên được gọi là vaccine cá nhân hóa. Những loại vaccine này sẽ dạy hệ miễn dịch nhận biết và tiêu diệt các tế bào ung thư", Francesco Crea, Giáo sư dược học ung thư tại Đại học Mở (Anh), cho biết.

Giới khoa học kỳ vọng vaccine sẽ được sử dụng song song với phẫu thuật, hóa trị và xạ trị để ngăn ngừa ung thư quay trở lại và có thể mang ít tác dụng phụ hơn các phương pháp điều trị khác.

 Ông Elliot Pfebve (trái) là bệnh nhân đầu tiên tiếp nhận vaccine trị ung thư cá nhân hóa theo chương trình của NHS. Ảnh: NHS England/Independent.

Ông Elliot Pfebve (trái) là bệnh nhân đầu tiên tiếp nhận vaccine trị ung thư cá nhân hóa theo chương trình của NHS. Ảnh: NHS England/Independent.

Giáo sư Crea cho biết vaccine mRNA đã chứng minh hiệu quả khi điều trị Covid-19, do đó ông lạc quan về tiến trình thử nghiệm vaccine trị ung thư.

"Tuy nhiên, ung thư là căn bệnh phức tạp và khó hiểu rõ. Một số loại ung thư có thể hiệu quả khi chỉ dùng vaccine, số khác lại cần kết hợp với những liệu pháp khác. Đáng buồn là vaccine có thể không hiệu quả với một số loại ung thư, do đó cần mở rộng giải pháp điều trị", ông nói.

Trước đó, ngày 31/5, ông Elliot Pfebve là bệnh nhân đầu tiên tại Anh được thử nghiệm vaccine tại Bệnh viện Đại học Birmingham (Anh) theo chương trình của NHS. Trước đó, người đàn ông 55 tuổi mắc ung thư đại trực tràng và đã phẫu thuật để cắt bỏ khối u cùng 30 cm ruột già.

"Nếu thử nghiệm thành công, nó có thể giúp ích cho hàng nghìn, nếu không muốn nói là hàng triệu người, để họ có thể có hy vọng và có thể không phải trải qua tất cả điều giống tôi", ông Pfebve nói.

Hoàng Anh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/ky-vong-vaccine-ung-thu-se-thay-doi-cuoc-choi-post1478580.html