Kỳ vọng vẫn có thể đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024
Học hỏi kinh nghiệm từ triển khai dự án đường dây 500 kV mạch 3 mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo, Bộ Kế hoạch và Đầu kiến nghị phát động phong trào trong cả nước 120 ngày đêm phấn đấu thực hiện giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95 % theo mục tiêu đã đề ra.
Theo đánh giá sơ bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 9 tháng của năm 2024, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt hơn 47%, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 do nhiều nguyên nhân khác nhau. Xung quanh vấn đề này, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn để hoàn thành mục tiêu giải ngân đạt tối thiểu 95% kế hoạch vốn như Chính phủ đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5/1/2024.
Thưa ông, tỷ lệ vốn giải ngân đầu tư công từ đầu năm đến nay thấp hơn so với cùng kỳ, xin ông cho biết đâu là những nguyên nhân chủ yếu của việc chậm giải ngân này?
Sơ bộ chúng tôi tổng hợp lại cho thấy tốc độ giải ngân của 9 tháng đạt khoảng 47,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. So với cùng kỳ năm ngoái đạt 51,3%, thì thấp hơn khoảng bốn điểm phần trăm.
Tuy nhiên, năm 2023 là năm đặc biệt có số vốn nhiều nhất từ trước đến nay do song hành với kế hoạch hàng năm bình thường và có thêm vốn của Chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội “về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”. Do vậy năm 2023 có kết quả giải ngân vốn đầu tư công xuất sắc, với tốc độ giải ngân rất cao, với số lượng vốn rất lớn. Các năm khác khi so sánh với năm 2023 thì đều có mức độ thấp hơn.
Qua đánh giá sơ bộ 9 tháng qua, ngoài các nguyên nhân đã được tổng hợp, báo cáo với Chính phủ và cũng có giải pháp giải quyết như: Vấn đề về thể chế, đất đai, vật liệu xây dựng thông thường, công tác chỉ đạo điều hành.
Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng của năm 2024 thấp hơn cùng kỳ năm 2023 còn do một số nguyên nhân khách quan. Trước hết, nguồn thu của các địa phương từ đất năm 2024 rất yếu do thị trường bất động sản chìm lắng, vì vậy thiếu các nguồn lực để giải ngân cho các dự án, dẫn tới tỉ lệ giải ngân chung của cả nước là thấp một chút so với năm ngoái. Cùng đó, nhiều dự án giao thông bị thiếu cát, đất đắp nền. Mặc dù, Bộ Giao thông Vận tải đã cho phép thử nghiệm sử dụng cát biển thay thế, nỗ lực tìm thêm mỏ đất đắp nhưng các giải pháp này vẫn chưa thể đáp ứng được tiến độ xây dựng của các công trình.
Đặc biệt, do ảnh hưởng của bão, lũ, nhất là cơn bão số 3 tác động vào các tỉnh phía Bắc, khiến nhiều công trình sử dụng vốn ngân sách phải tạm dừng để khắc phục hậu quả mưa lũ rồi mới tiến hành trở lại. Ngoài ra, công tác chỉ đạo điều hành ở cấp cơ sở, cấp tổ chức thực hiện từ đầu năm đến nay cũng chưa quyết liệt như năm ngoái.
Thưa ông, nhiều nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công năm nay đều đã được nhận diện từ những năm trước nhưng vẫn chưa thể giải quyết được như kỳ vọng. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Đúng là có những nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công đã được nhận diện nhưng chưa thể xử lý một sớm một chiều bởi đây là những nguyên nhân mang tính đặc trưng, đặc thù của vấn đề đầu tư công. Thêm vào đó, đầu tư công ở các công trình lớn với yêu cầu tiến độ nhanh, chất lượng cao cũng tạo sức ép lớn cho giải ngân vốn đầu tư công.
Một ví dụ rõ nhất là, thể chế cho đầu tư công đã được sửa đổi hoặc được áp dụng đặc thù nhưng vẫn chưa đủ. Vì vậy, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang được giao nhiệm vụ sửa Luật Đầu tư công một cách toàn diện để khắc phục căn bản những nguyên nhân về thể chế đã được nhận diện trong thời gian vừa qua. Ngoài ra, vẫn còn các luật phải sửa tiếp như Luật Ngân sách Nhà nước hay vướng mắc của vấn đề mỏ vật liệu xây dựng thông thường, hay là những vấn đề về đất đai. Đặc biệt, Luật Đất đai mới đã có hiệu lực nhưng việc làm quen với những quy định mới để triển khai cho các dự án đầu tư công cũng không thể quen được ngay. Đây chính là các nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân đầu tư công chậm nhưng chưa khắc phục triệt để được.
Ở khía cạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, đây là công việc mang tính chất thường xuyên, liên tục, không thể giật cục, phập phù như Thủ tướng nói “không thể lúc này nóng lên nhưng lúc khác lại nguội đi” khiến cho tiến trình giải ngân vốn đầu tư công gặp những trở ngại nhất định.Theo đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành phải thường xuyên, liên tục và luôn đặt ở mức cao thì công tác giải ngân vốn đầu tư công sẽ được cải thiện hơn. Ngoài ra, muốn giải ngân tốt thì công tác chuẩn bị phải tốt: Dự án phải được phê duyệt, phải được đấu thầu, phải được thi công.
Thực tế là cùng điều kiện kinh tế vĩ mô, cùng điều kiện về môi trường pháp lý nhưng có tỉnh như Lào Cai giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng qua cao hơn nhiều so với tỷ lệ bình quân của cả nước, trong khi Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành khác lại thấp hơn tỷ lệ chung cả nước. Vậy ông lý giải như nào về vấn đề đấy?
Đây là vấn đề đã được nhận diện nhưng trên thực tế vẫn có nhiều trở ngại khiến việc giải ngân vốn đầu tư công ở các tỉnh thành phố lớn bị chậm tiến độ. Trước hết, chậm giải ngân vốn đầu tư công liên quan đến nguyên nhân chủ quan như tính chịu trách nhiệm, sự đùn đẩy, sự thận trọng quá mức của một bộ phận cán bộ, nhất là ở các dự án lớn.
Về yếu tố khách quan, các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh có số lượng dự án rất nhiều, quy mô từng dự án rất lớn trong khi số lượng cán bộ quản lý chỉ tương đồng với các tỉnh, thành phố ít dự án hoặc quy mô dự án nhỏ hơn nên công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, do lượng vốn kế hoạch của các dự án này rất nhiều nên nếu triển khai không nhanh thì vốn ứ đọng sẽ nhiều hơn và tỷ lệ sẽ thấp hơn bình quân chung của cả nước.
Chính vì vậy, trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Thủ tướng và Chính phủ hướng tới những các hộ kế hoạch có lượng vốn tiêu thụ lớn ở Trung ương như: Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, Chính phủ chỉ đạo phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công để nâng tỷ lệ giải ngân chung của cả nước. Bởi nếu các địa phương lớn mà tỷ lệ giải ngân thấp thì dù các địa phương nhỏ giải ngân tốt đến mấy cũng không bù đắp được các mức thấp do các địa phương lớn để lại.
Thực hiện Chỉ thị 26 ngày 8/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm. Vậy Bộ Kế hoạch Đầu tư đã có những giải pháp gì để có thể thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là trong việc bố trí vốn?
Để ban hành Chỉ thị 26 của Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ ngành liên quan, tham mưu một hệ thống rất nhiều chính sách phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng.
Theo đó, học hỏi kinh nghiệm từ triển khai dự án đường dây 500 kV mạch 3 mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo, Bộ Kế hoạch và Đầu kiến nghị phát động phong trào trong cả nước 120 ngày đêm phấn đấu thực hiện giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95 % theo mục tiêu đã đề ra.
Phong trào này chứa đựng rất nhiều nội hàm về công tác chỉ đạo của Thủ tướng cần phải vận dụng vào thực tế như “vượt nắng, thắng mưa” hay “làm xuyên ngày nghỉ, xuyên ngày lễ” hoặc “làm ngày không đủ, làm bù ban đêm”. Tất cả những chỉ đạo này của Thủ tướng cần phải cụ thể hóa trong từng dự án, cần được vận dụng các bài học kinh nghiệm tốt từ các dự án tốt mà Thủ tướng đã chỉ đạo để phổ quát, áp dụng rộng rãi trong cả nước.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tham mưu Thủ tướng để chỉ đạo những nội dung mới công tác giải ngân vốn đầu tư công, gắn với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo tốc độ tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô như là “năm quyết tâm, năm đảm bảo”.
Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục báo cáo Thủ tướng về việc kiện toàn các tổ công tác trước đây Thủ tướng đã thành lập như là 5 tổ công tác của các Phó Thủ tướng, 26 tổ công tác của các Bộ trưởng trên tinh thần kiện toàn các tổ công tác để có sự chỉ đạo mới, với phong cách mới để đem lại sự quyết liệt hơn trong giải ngân vốn đầu tư công.
Hiện có một số ý kiến cho rằng công tác bố trí vốn cũng tác động không nhỏ đến vấn đề giải ngân vốn đầu tư công. Vậy ông nhìn nhận như thế nào về các ý kiến này?
So với trước, việc bố trí vốn đã được đổi mới và cải cách mạnh mẽ, quyết liệt. Đến nay, việc bố trí vốn cụ thể và chi tiết cho từng dự án là trách nhiệm và thẩm quyền của các bộ, ngành và địa phương, trong khuôn khổ dự toán và mức kế hoạch được giao.
Hiện nay, nhu cầu về đầu tư công rất lớn và các bộ, ngành địa phương thường xuyên có những đề xuất bổ sung vốn cho những dự án mới hoặc những dự án có nhu cầu vốn lớn. Để giải quyết vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo với Thủ tướng một số các giải pháp.
Giải pháp đầu tiên là hài hòa, điều chuyển vốn từ những dự án không thực hiện được hoặc thực hiện chậm, để chuyển sang những dự án có nhu cầu và có tốc độ giải ngân tốt hơn, để tận dụng và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trình Thủ tướng để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh kế hoạch năm 2024 theo hướng đó, những dự án mà chậm tiến độ thì sẽ điều chuyển sang dự án tốt hơn và trọng tâm, trọng điểm là những dự án liên vùng, những dự án có tác động lan tỏa.
Giải pháp thứ hai là bổ sung các nguồn lực cho các dự án. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và Chính phủ để bổ sung từ những nguồn tăng thu, tiết kiệm chi hàng năm như năm 2021, 2022 và 2023 để cho những dự án có nhu cầu. Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn nên tiêu chí đề ra phải ưu tiên trước cho các dự án trọng tâm, trọng điểm và có tác động lan tỏa đến tăng trưởng kinh tế. Khi có điều kiện, có thể sẽ bổ sung cho những dự án khác sau.
Ngoài ra cũng có các giải pháp khác nhưng phụ thuộc rất nhiều vào cơ chế chính sách và những quy định hiện hành. Hiện các địa phương đang kiến nghị dùng nguồn vốn còn dư để đầu tư cho các dự án khác như sử dụng nguồn vốn từ cải cách tiền lương còn dư để phục vụ cho đầu tư. Tuy nhiên, đây là chủ trương lớn cần phải trình cấp có thẩm quyền bởi vượt qua khả năng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Một số địa phương muốn nguồn tăng thu để lại nhiều hơn nhằm phục vụ đầu tư. Đây là nhu cầu chính đáng của các địa phương nhưng để xử lý phải đảm bảo đúng quy định pháp luật và phải trình cấp có thẩm quyền, không thể cứ gửi xin đăng ký nhu cầu với Thủ tướng Chính phủ là đồng nghĩa với việc đã đăng ký mà không được bố trí vốn. Thực tế là Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nỗ lực hết sức nhưng có rất nhiều cấp có thẩm quyền giải quyết mới có thể điều chỉnh được.
Với những khó khăn đã được nhận diện cũng như là với các giải pháp đang tiến hành, ông nhận định như thế nào về triển vọng giải ngân vốn đầu tư công năm 2024?
Trước khi bão số 3 và tình hình lũ lụt diễn ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Chính phủ để phấn đấu đạt kết quả tăng trưởng năm 2024 từ 6,8 - 7%, nếu có điều kiện thì phấn đấu cao hơn. Tuy nhiên, bão số 3 và tình hình lũ lụt hiện nay có thể tác động phần nào đến tốc độ tăng trưởng này. Tuy nhiên, công tác về đầu tư công vẫn là một công tác trọng tâm, trọng điểm trong chỉ đạo của Thủ tướng và Chính phủ bởi lẽ rà soát các động lực tăng trưởng của nền kinh tế thì đầu tư (bao gồm đầu tư tư nhân, đầu tư công và đầu tư nước ngoài) vẫn là động lực hết sức quan trọng của nền kinh tế. Do vậy, ngoài Chỉ thị 26 thì trong các nghị quyết phiên họp thường kỳ hàng tháng, Thủ tướng tiếp tục đôn đốc, nhắc nhở về đầu tư công. Đặc biệt, có những hội nghị để các địa phương học tập những bài học kinh nghiệm tốt trong chỉ đạo triển khai thực hiện dự án, như là dự án 500 kV mạch 3, để áp vào các dự án hiện hành của các bộ, ngành, địa phương để thực hiện. Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kỳ vọng vẫn có thể đạt được mục tiêu hơn 95% giải ngân vốn đầu tư công của năm nay.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!