Kỳ vọng vào Đề án 1 triệu ha lúa

Đầu tháng 7-2024, mô hình đầu tiên canh tác theo Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 sẽ được thu hoạch tại TP Cần Thơ

Phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt phụ trách phía Nam - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam (VIETRISA) - người tham gia Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" (gọi tắt là Đề án 1 triệu ha lúa), xung quanh đề án này.

. Phóng viên: Thưa ông, đến nay, việc triển khai đề án đã được thực hiện đến đâu?

Ông LÊ THANH TÙNG

Ông LÊ THANH TÙNG

- Ông LÊ THANH TÙNG: Chúng tôi đang bám sát lộ trình thực hiện đã nêu trong đề án. Theo đó, hiện tại, các địa phương đã đăng ký diện tích triển khai khoảng 200.000 ha đến năm 2025 và 1 triệu ha đến năm 2030 - tương ứng với khoảng 200.000 hộ và 1 triệu hộ nông dân tham gia. Các vùng trồng lúa tham gia đề án đã được các địa phương định vị rõ trên bản đồ.

Đến nay, đề án đang thực hiện giai đoạn đầu với 7 mô hình thí điểm triển khai theo các tiêu chí mà đề án đề ra tại 5 tỉnh, thành tiêu biểu cho các vùng sinh thái của khu vực, gồm: Kiên Giang, Đồng Tháp (vùng thượng nguồn ĐBSCL), TP Cần Thơ (vùng giữa ĐBSCL), Sóc Trăng và Trà Vinh (vùng ven biển). Dự kiến, đầu tháng 7 tới, mô hình đầu tiên tại TP Cần Thơ sẽ thu hoạch. Đến tháng 8, toàn bộ các mô hình thí điểm sẽ được thu hoạch và chúng tôi dự kiến tổ chức sơ kết giai đoạn thí điểm để đánh giá mặt được và chưa để kịp thời điều chỉnh trước khi nhân rộng ra toàn vùng.

. Đề án yêu cầu 100% diện tích sản xuất có liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp. Đây là vấn đề rất khó khi tình trạng "bẻ kèo" thường xuyên xảy ra?

- Không chỉ trong ngành lúa gạo mà việc liên kết tiêu thụ ở những ngành hàng nông nghiệp khác như: cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái, thủy sản… đều là vấn đề rất khó. Tuy nhiên, để xây dựng ngành lúa gạo hay những ngành nông sản khác bền vững thì chỉ có con đường liên kết, thực tế từ các quốc gia khác trên thế giới cũng như vậy.

Bộ NN-PTNT đã có đề án nâng cao năng lực cho các HTX để họ phát huy được vai trò và là đối tác tương thích với DN. Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT còn có đề án hỗ trợ HTX thích ứng với biến đổi khí hậu. Những đề án này được kỳ vọng sẽ nâng chất lượng và số lượng các HTX nông nghiệp hiện nay, đóng góp vai trò quan trọng trong việc tổ chức lại hệ thống sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị.

Khởi động Đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp tại tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: HOÀNG VŨ

Khởi động Đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp tại tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: HOÀNG VŨ

. Là người tham gia đề án từ khi còn là dự thảo, ông thường nhấn mạnh lợi ích của nông dân là ưu tiên hàng đầu. Vậy thì họ sẽ được những gì?

- Quy trình sản xuất lúa chất lượng cao, giảm phát thải giúp nông dân có lợi nhuận kép từ việc giảm chi phí đầu vào (giảm giống, giảm phân, giảm thuốc, giảm thất thoát sau thu hoạch…), có thể tăng giá bán ra nhờ lúa chất lượng cao và bán tín chỉ giảm phát thải. Theo tính toán của chúng tôi, nông dân có thể gia tăng lợi nhuận thêm 40%-50% so với canh tác hiện nay.

ĐBSCL đã có lịch sử trồng lúa 100 năm và tương lai sẽ còn tiếp tục nhiều năm nữa. Lối canh tác cũ đã làm ô nhiễm môi trường, đất đai kiệt quệ. Nếu ngay từ bây giờ, người dân chuyển đổi canh tác theo mô hình "chất lượng cao, phát thải thấp" thì đất đai sẽ hồi phục, con cháu đời sau đỡ khổ.

. Đầu ra cho hạt gạo chất lượng cao và chứng chỉ giảm phát thải dự kiến ra sao?

- Hạt gạo sản xuất theo quy trình của Đề án 1 triệu ha lúa đương nhiên sẽ đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm cao hơn so với canh tác thông thường, có sự ổn định về chất lượng để DN yên tâm thu mua và bán ra. Với các mô hình triển khai thí điểm như tôi nói ở trên, đã có DN đồng hành trong việc tiêu thụ.

Còn ở các địa phương, trong giai đoạn đăng ký triển khai thì cũng có DN tham gia. Trong quá trình triển khai dự án, chúng tôi ghi nhận sự sự hưởng ứng mạnh mẽ của các DN và cả thương lái, người trực tiếp thu mua lúa gạo cho nông dân. Điều này cho thấy hướng đi của đề án là phù hợp với thực tế. Vấn đề còn lại là các giải pháp, chính sách để thúc đẩy nhận thức của nông dân, thương lái cũng như tạo sự liên kết để hiện thực hóa các mục tiêu trong đề án.

Nhiều địa phương hưởng ứng

Theo Bộ NN-PTNT, tổng nhu cầu đầu tư vốn của Đề án 1 triệu ha lúa là hơn 470 triệu USD (khoảng 11.800 tỉ đồng). Trong đó, vay World Bank (Ngân hàng Thế giới) khoảng 360 triệu USD, vốn đối ứng trong nước hơn 112 triệu USD.

Đề án 1 triệu ha lúa được Bộ NN-PTNT phát động tại Hậu Giang ngày 12-12-2023 nhân sự kiện Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang năm 2023. Tháng 2-2024, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức hội nghị triển khai thực hiện đề án này trên địa bàn tỉnh. Ngày 5-4, đề án đã chính thức khởi động thực hiện mô hình điểm tại TP Cần Thơ và tiếp đó là An Giang. Ngày 29-5, đề án được triển khai tại tỉnh Long An và mới đây, ngày 12-6 triển khai ở Đồng Tháp…

T.Tâm

NGỌC ÁNH (thực hiện)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ky-vong-vao-de-an-1-trieu-ha-lua-19624061622072393.htm