Kỳ vọng vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021
Sáng 11/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Bên lề Quốc hội, phóng viên báo Tin tức đã ghi nhận ý kiến của đại biểu Quốc hội về kỳ vọng với sự phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, Nguyễn Mai Bộ: Kỳ vọng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 sẽ đạt kết quả tốt.
"Tôi đánh giá cao phần điều hành của Chủ tịch Quốc hội trong 3 ngày chất vấn và trả lời chất vấn, đa số các đại biểu Quốc hội các tỉnh đều được phát biểu chất vấn và tranh luận lại với Bộ trưởng, trưởng ngành", đại biểu Nguyễn Mai Bộ nói.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Mai Bộ, ông đánh giá cao phần trả lời của các Bộ trưởng, trưởng ngành đã trả lời đi vào thực chất vấn đề. Tuy nhiên với thời gian 3 phút thì hơi ngắn để giãi bày một vấn đề. Nhưng dù sao, kết quả chất vấn chính là những góp ý của đại biểu Quốc hội để Chính phủ hoạch định chính sách, thực hiện chức năng quản lý nhà nước tốt hơn.
Theo luật giám sát của Quốc hội, trong nhiệm kỳ này có 2 lần là kỳ họp thứ 6 và kỳ họp thứ 10 Quốc hội chất vấn mở rộng. Đặc biệt thông qua chất vấn sẽ giúp cho Đảng, Nhà nước nhìn nhận khách quan về nhân sự cấp cao của khóa tiếp theo. Rõ ràng sự thể hiện trên hội trường của các Bộ trưởng, trưởng ngành chính là đánh giá hiệu quả công tác của các tư lệnh ngành trong nhiệm kỳ vừa qua.
"Cùng với chất lượng trả lời của các Bộ trưởng, trưởng ngành, tôi cũng đánh giá bản lĩnh của đại biểu Quốc hội ngày càng được nâng lên, thể hiện chính kiến, không vòng vo mà vào thẳng câu hỏi chất vấn", đại biểu Mai Bộ nói.
"Trong sáng 11/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, tôi cũng có nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên, phải nói rằng trong kinh tế - xã hội năm 2021 vẫn tiềm ẩn nguy cơ về câu chuyện dịch COVID-19 chưa biết bao giờ chấm dứt", đại biểu Nguyễn Mai Bộ cho biết thêm.
Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Hoàng Văn Cường: Nông nghiệp là bệ đỡ, ổn định cho nền kinh tế
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, mục tiêu đặt ra về kinh tế năm 2021 cũng như cả giai đoạn 2021-2025 phải tiếp tục có đà tăng trưởng cao như giai đoạn 2016-2019 từ 6,5%-7%. Riêng năm 2021 là 6%. Với tốc độ tăng trưởng này thì đây là thử thách lớn, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn còn ảnh hưởng lớn trên thế giới.
"Tôi thấy mục tiêu đó không phải là mục tiêu quá xa vời, nếu chúng ta quyết tâm đổi mới như giai đoạn vừa qua, tạo ra động lực phát triển mới, đặc biệt là tái cấu trúc nền kinh tế, thay đổi quy trình công nghệ, giữ vững thị trường trong nước và vươn ra thị trường thế giới. Từ đó chúng ta sẽ tận dụng được các cơ hội, là tiền đề để đạt được mục tiêu của cả giai đoạn 2021-2025 đặt ra", đại biểu Hoàng Văn Cường nói.
Dịch COVID-19 chưa lường trước được diễn biến như thế nào, nhất là việc sản xuất vắc xin chống COVID-19 vẫn đang trong quá trình thử nghiệm. Tuy vậy, chúng ta vẫn nhìn thấy những thế mạnh của nền kinh tế trong nước, đó là giai đoạn vừa qua gần như thế giới đóng cửa thì nền kinh tế Việt Nam vẫn giữ được nhịp độ ổn định.
Chúng ta cũng nhìn thấy tiềm năng nông nghiệp là bệ đỡ, ổn định cho nền kinh tế. Dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã được thế giới chấp nhận và đang có tiềm năng lớn. Nếu ta đổi mới về quy trình công nghệ, kiểm soát tốt về chất lượng và an toàn thực phẩm, quy mô sản xuất chặt chẽ, tiếp cận thị trường thế giới thì nông nghiệp không chỉ giúp ổn định trong nước mà còn là thế mạnh xuất khẩu ra bên ngoài.