Kỳ vọng vào sự ra đời của mô hình Quỹ hỗ trợ văn hoáSự đầu tư cần thiết
Từ thực tế hoạt động văn hóa sinh động của mình, các nhà quản lý, văn nghệ sĩ đã chia sẻ mong muốn và kinh nghiệm thiết thực quanh nội dung thành lập Quỹ Bảo tồn di sản và phát triển văn hóa Thủ đô trong Dự thảo Luật Thủ đô đang được góp ý. Đây cũng là nội dung khiến những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa của Hà Nội cũng như cả nước trăn trở lâu nay.
GS.TS Trần Thanh Hiệp (Chủ tịch Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện - Hội đồng duyệt phim Quốc gia, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội):
Công khai, minh bạch trong mọi hoạt động của Quỹ
Sự hình thành Quỹ Bảo tồn di sản và phát triển văn hóa Thủ đô, theo tôi, là một điều tuyệt vời. Thủ đô ngàn năm văn hiến rất cần mô hình quỹ hỗ trợ văn hóa. Các tác phẩm điện ảnh cũng là di sản văn hóa vô giá, rất cần được quan tâm giữ gìn, bảo vệ. Điện ảnh là tấm gương phản chiếu những biến động, sự đổi thay, những vẻ đẹp tiềm ẩn của con người. Bởi thế, cần làm sao đó để điện ảnh Hà Nội có nhiều phim hay, có giá trị nhân văn sâu sắc, đó cũng là sự đầu tư cần thiết cho phát triển văn hóa.
Có Quỹ bảo tồn di sản và phát triển văn hóa Thủ đô cũng có nghĩa chúng ta có thêm điều kiện để làm tốt phần việc này. Di sản văn hóa được giữ gìn, bảo vệ, được quảng bá sẽ góp phần to lớn làm lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam, làm giàu có đời sống tinh thần của con người Việt Nam.
Về cách thức tổ chức và vận hành Quỹ, tôi thấy dự thảo đã xác định mục đích, nhiệm vụ của Quỹ. Vấn đề còn lại làm thế nào để Quỹ hoạt động hiệu quả. Muốn thế thì cơ chế hoạt động cần được xây dựng một cách khoa học, trong đó cần chú trọng bảo đảm công khai, minh bạch. Không chỉ cơ chế hoạt động cần công khai, minh bạch mà cả tiêu chí lựa chọn sự tài trợ, hỗ trợ, sự đầu tư cho các chương trình, dự án, hoạt động giáo dục, quảng bá và sáng tạo cũng cần được công khai minh bạch như vậy.
Tiến sĩ Nguyễn Anh Thư (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội):
Nguồn lực Quỹ có thể “cứu” di sản trong trường hợp khẩn cấp
Việc thành lập Quỹ Bảo tồn di sản và phát triển văn hóa Thủ đô mang ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với công cuộc bảo tồn di sản văn hóa ở Hà Nội hiện nay. Hơn 6.000 di tích lịch sử, văn hóa phân bố đậm đặc trên địa bàn thành phố, hằng năm cần nguồn lực đầu tư rất lớn để trùng tu, tu bổ, bảo tồn và phát huy giá trị, trong khi nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng được một phần nhỏ so với nhu cầu thực tiễn.
Quỹ Bảo tồn di sản và phát triển văn hóa Thủ đô ra đời sẽ giúp huy động được các nguồn lực xã hội hóa từ cộng đồng tham gia vào việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, kịp thời hỗ trợ công tác tu bổ, phục hồi những di tích trên địa bàn thành phố đã và đang bị xuống cấp mà chưa được ngân sách nhà nước bố trí kinh phí hoặc bố trí kinh phí chưa đủ.
Quỹ sẽ đóng vai trò quan trọng trong những trường hợp đặc biệt, khi cần có phương án “cứu” di sản thoát khỏi trình trạng khẩn cấp, như hồi hương cổ vật, ngăn chặn tình trạng thất thoát, “chảy máu” cổ vật, khai quật “chữa cháy” di tích khảo cổ học...
Quỹ Bảo tồn di sản và phát triển văn hóa Thủ đô được thành lập cũng có tác động đẩy nhanh quá trình xây dựng thương hiệu Thành phố sáng tạo của Hà Nội. Sau 4 năm gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (năm 2019), Hà Nội đã đạt được thành công bước đầu trong việc hình thành, phát triển các không gian sáng tạo, tiêu biểu như không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, không gian bích họa Phùng Hưng, phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây), Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội...
Để Quỹ Bảo tồn di sản và phát triển văn hóa Thủ đô hoạt động có hiệu quả thì cần có sự hướng dẫn cụ thể của cơ quan quản lý về nguyên tắc hỗ trợ, cách thức hỗ trợ, tiếp nhận hỗ trợ và thanh quyết toán các khoản hỗ trợ cho Quỹ từ các nguồn vốn khác nhau (vốn ngân sách, tiền tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các nguồn thu hợp pháp khác...), đây là cơ sở để khi ra đời, đi vào hoạt động, Quỹ sẽ tiếp nhận được các nguồn hỗ trợ và triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ bảo tồn di sản văn hóa, phát huy truyền thống và khả năng sáng tạo của Thủ đô trong xu thế hội nhập và phát triển.
Đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải:
Việc tạo nguồn kinh phí cho Quỹ là rất quan trọng
Tôi cho rằng, việc thành phố Hà Nội quan tâm thành lập Quỹ Bảo tồn di sản và phát triển văn hóa Thủ đô là một tín hiệu đáng mừng. Nếu đi đúng hướng và có được sự điều hành hiệu quả, Quỹ có thể tạo lực đẩy rất lớn cho phát triển văn hóa ở Thủ đô Hà Nội - trung tâm văn hóa lớn của cả nước.
Trong một thời gian dài vừa qua, sự quan tâm và đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng với vai trò rất quan trọng của văn hóa như Đảng, Nhà nước ta đã đặt ra. Một trong những biểu hiện rõ ràng và khó hiểu nhất là việc xử lý 300 bộ phim nhựa điện ảnh bị hỏng tại Hãng phim truyện Việt Nam, trong đó có những bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam từng giành được nhiều giải thưởng lớn ở các liên hoan phim trong và ngoài nước.
Có thể coi những bộ phim đó là thành tựu rất lớn trong việc phát triển điện ảnh Việt Nam cũng như văn hóa Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, từ khi được phát hiện là bị hỏng cũng như xác định rõ giá trị là 1 trong 2 bản gốc positive còn sót lại, thì kho phim vẫn bị bỏ mặc, không hề có hồi âm cách giải quyết thỏa đáng. Đó là một điều rất đáng lo ngại.
Sự hiện diện của Quỹ Bảo tồn di sản và phát triển văn hóa Thủ đô có thể mở ra một hướng mới cho bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa với điều kiện Quỹ được điều hành một cách hiệu quả, thông minh.
Trước hết, việc tạo nguồn kinh phí cho Quỹ là rất quan trọng. Như Quỹ hỗ trợ và phát triển điện ảnh được luật hóa nhưng nguồn ngân sách lấy từ đâu thì lại chưa được làm rõ, nên đến nay Quỹ vẫn không vận hành được. Theo tôi, mặc dù vẫn cần có quy định cụ thể hơn, nhưng dự thảo về Quỹ Bảo tồn di sản và phát triển văn hóa Thủ đô đã đi đúng hướng khi xác định được nguồn tài chính ngoài ngân sách từ nguồn thu khai thác các di sản văn hóa, ngoài ra còn có nguồn hỗ trợ từ Thành phố, nguồn tài trợ, đóng góp của tư nhân...
Việc huy động kinh phí từ nguồn thu khai thác các di sản văn hóa là hợp lý, hướng đi này tương đồng với một số quỹ ở nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực điện ảnh. Các quỹ điện ảnh mang tầm quốc gia như CNC (Pháp), KOFIC (Hàn Quốc) đều không phụ thuộc vào nguồn ngân sách nhà nước mà huy động một phần lợi tức từ hoạt động kinh doanh điện ảnh, bao gồm tỷ lệ phần trăm số thu từ rạp chiếu phim, từ lợi nhuận phát sóng trên truyền hình và các nền tảng trực tuyến...