Kỳ vọng về bước phát triển mới về văn học, nghệ thuật của người Việt Nam ở nước ngoài
Hơn 150 nhà khoa học, văn nghệ sĩ là người Việt Nam đang sống, làm việc ở trong và ngoài nước, các học giả quốc tế đã tham dự cuộc hội thảo quốc tế với chủ đề văn học, nghệ thuật của người Việt Nam ở nước ngoài.
Chiều nay 28/4, Hội đồng Lý luận Trung ương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chứcHội thảo quốc tế “Văn học, nghệ thuật của người Việt Nam ở nước ngoài sau 50 năm đất nước thống nhất, đổi mới, phát triển (1975-2025)” tại Hà Nội.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Lê An)
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; TS Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì Hội thảo.
Tham dự sự kiện có ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; TS. Hoàng Trung Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; PGS.TS Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa, Thế thao và Du lịch cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo Hội đồng Lý luận Trung ương; lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Được tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến, Hội thảo đã nhận được gần 60 bài tham luận của các nhà khoa học, văn nghệ sĩ ở trong và ngoài nước.
Trong phát biểu mang tính định hướng, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định chủ trương, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam về hòa hợp dân tộc, thống nhất đất nước, về đại đoàn kết toàn dân tộc; coi người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) là một bộ phận không tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; coi văn học nghệ thuật của NVNONN là một bộ phận không thể tách rời của nền văn học, nghệ thuật nước nhà.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng phân tích, nhấn mạnh những nội dung quan trọng trong các nghị quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với đồng bào ở nước ngoài như Nghị quyết 08-NQ/TW, ngày 29/11/1993 của Bộ Chính trị, khẳng định “người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam”. Nghị quyết 36-NQ/TW, ngày 26/3/2024 của Bộ Chính trị nhấn mạnh “xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai”.
Ông Nguyễn Xuân Thắng mong rằng qua Hội thảo, văn học, nghệ thuật của đất nước, trong đó có văn học, nghệ thuật của NVNONN sẽ có bước phát triển mạnh mẽ, vững chắc hơn trên tinh thần dân tộc, khoa học, dân chủ, nhân văn; đổi mới mạnh mẽ chủ đề, nội dung, phương pháp sáng tác; hoạt động lý luận, phê bình, dịch thuật; phát huy ưu điểm, kết quả, khắc phục hạn chế, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh.

Hội thảo đã nhận được gần 60 bài tham luận của các nhà khoa học, văn nghệ sĩ ở trong và ngoài nước. (Ảnh: Lê An)
Báo cáo đề dẫn tại đây, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chỉ rõ, từ năm 1945 trở về trước, số người Việt Nam sống và làm việc ở nước ngoài không nhiều, trong đó, số người Việt, gốc Việt tham gia sáng tạo văn chương, nghệ thuật ở nước ngoài còn ít.
Có thể kể đến kiến trúc sư Nguyễn An, còn gọi là A Lưu, đầu thế kỷ XV là Tổng công trình sư xây dựng 9 tòa tháp tại 9 cổng của Tử Cấm Thành, Bắc Kinh, Trung Quốc; là các nhà ngoại giao viết thơ, viết văn như Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Phan Huy, Trịnh Hoài Đức, Đặng Huy Trứ, Nguyễn Quang Bích...
Đến thời cận - hiện đại là sáng tác mỹ thuật của vua Hàm Nghi bị lưu đày xa xứ; là các nhà cách mạng, nhà văn hóa tiêu biểu như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Ái Quốc, Lê Văn Miến, Lê Thành Khôi, Phạm Văn Ký, Trần Văn Khê, Trương Trọng Thi, Lê Bá Đảng…
Từ sau 1945-1954, số trí thức, văn nghệ sĩ người Việt Nam sinh sống và hoạt động văn học, nghệ thuật ở nước ngoài dần tăng; từ thập niên 1960 trở đi tăng đáng kể, tập trung chủ yếu ở Liên Xô (trước đây) và các nước Đông Âu.
Sau năm 1975 địa bàn chủ yếu là là Hoa Kỳ, Pháp, Canada, Australia, Campuchia, Lào, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, một số nước Đông Nam Á...
Ở chiều ngược lại, một số nhà khoa học, văn nghệ sĩ người Việt Nam hay gốc Việt cũng về nước làm việc, tham dự hội thảo, giao lưu nghệ thuật, sinh sống lâu dài ở quê hương. Không ít văn nghệ rất nổi tiếng ở nước ngoài, sau bao nhiêu năm xa quê, đã mong ước về lại quê hương như GS Trần Văn Khê, nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị…
Ông Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh: “Dẫu sống xa Tổ quốc, dẫu là thế hệ thứ hai, thứ ba, thứ tư, nhưng phần đông đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc, trong đó có giới trí thức, văn nghệ sĩ đều mang trong mình dòng máu Việt, văn hóa Việt, hồn cốt Việt, luôn hướng về quê hương. Công chúng của họ cũng không bó hẹp trong cộng đồng người Việt mà mở rộng ra thế giới”.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về thực trạng văn học, nghệ thuật của NVNONN với diễn trình phát triển văn học, nghệ thuật từ năm 1975 đến nay; nhận diện đội ngũ các văn nghệ sĩ; đi sâu vào từng loại hình văn học, nghệ thuật; các khu vực sinh sống, hoạt động văn nghệ; chủ đề, nội dung, phương pháp sáng tác; hoạt động lý luận, phê bình, dịch thuật; chỉ ra ưu điểm, kết quả và hạn chế, bất cập, lý do của hạn chế, bất cập.
Một số tham luận đáng chú ý như TS. Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam chia sẻ về phim của các đạo diễn NVNONN; PGS.TS Phùng Ngọc Kiên, giảng viên Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) phân tích về những lựa chọn “quê hương” trong các nhà văn nữ Pháp gốc Việt; PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm (Đại học Sài Gòn) trình bày về sáng tác khí nhạc phương Tây của NVNONN…
Các tham luận cũng nêu những đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam và lãnh đạo của nước sở tại nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho việc phát triển văn học, nghệ thuật của NVNONN; giải quyết một số khó khăn, vướng mắc để tạo ra bước phát triển tốt hơn trong những năm tới.
Đặc biệt, nhiều đại biểu nước ngoài đã mang đến nhiều góc nhìn mới mẻ: GS Trần Ích Nguyên, Khoa Văn học Trung Quốc, Trường Đại học Thành Công (Đài Loan, Trung Quốc) trao đổi sâu về tình hình nghiên cứu và quảng bá văn học của du học sinh Việt Nam; đạo diễn Olena Ivanchenko đến từ thành phố Kiev, Ukraine đánh giá về văn học nghệ thuật Việt Nam 50 năm qua; GS Shimizu Masaaki đến từ Đại học Osaka, Nhật Bản chia sẻ về lịch sử giao lưu văn học, nghệ thuật Việt Nam và Nhật Bản qua các tư liệu Hán Nôm…

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Lê An)
Tổng kết Hội thảo, GS.TS Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, bày tỏ cảm ơn các lãnh đạo, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ trong và ngoài nước và các học giả quốc tế đã mang đến Hội thảo không khí học thuật sôi nổi, tình cảm gắn bó, hợp tác, đặc biệt là có nhiều tham luận, trao đổi thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm, nhân văn.
Những ý kiến, kiến nghị của các nhà khoa học, văn nghệ sĩ sẽ được Hội đồng Lý luận Trung ương tiếp thu, tư vấn cho Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan trong xây dựng và thực thi đường lối, chính sách phát triển văn học, nghệ thuật; có thêm những quyết sách đúng đắn, kịp thời để phát triển nền văn hóa, văn nghệ nước nhà và của đồng bào ta sống xa Tổ quốc ngày càng phong phú, đặc sắc hơn.