Kỳ vọng về một ACRN rộng mở hơn
Ngày 19/9/2019, Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) tổ chức Hội nghị lần thứ 3 của Mạng lưới các cơ quan Thông tin tín dụng (TTTD) châu Á - ACRN3.
Tham dự Hội nghị có Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Kim Anh; TS. Hyunjoon Shin - Chủ tịch Mạng lưới báo cáo tín dụng châu Á, Chủ tịch Dịch vụ TTTD Hàn Quốc; đại diện cấp cao của một số ngân hàng trung ương các quốc gia, vùng lãnh thổ thành viên ACRN; các tổ chức TTTD thành viên trong khu vực châu Á; các chuyên gia, diễn giả đến từ các tổ chức quốc tế; đại diện lãnh đạo một số TCTD lớn tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc ACRN3, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh: “Chúng ta đang sống và làm việc trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng, việc tự do hóa thương mại và đầu tư đã mở ra cơ hội phát triển kinh tế và tạo động lực thúc đẩy các nhu cầu xã hội. Tuy nhiên, để đảm bảo công bằng, minh bạch trong phát triển kinh tế, hợp tác đầu tư, giảm thiểu tối đa những rủi ro do thông tin bất cân xứng mang lại, việc phát triển hệ thống TTTD và nhu cầu kết nối mạng lưới thông tin giữa các hệ thống TTTD tại các nền kinh tế trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết”.
Phó thống đốc cũng cho rằng Hội nghị ACRN3 là cơ hội để thảo luận, chia sẻ các kinh nghiệm và bài học quý báu về quản lý, vận hành cơ quan TTTD công lập, thúc đẩy hoạt động trao đổi TTTD xuyên biên giới và cập nhật xu hướng mới về ứng dụng CNTT trong hoạt động để đáp ứng được yêu cầu của các dịch vụ ngân hàng mới trong bối cảnh công nghệ số đang phát triển rất nhanh như hiện nay.
Tại Hội nghị ACRN3 lần này các đại biểu và các diễn giả tập trung thảo luận về 3 nội dung chính là: Vai trò của Trung tâm TTTD Công lập; Trao đổi thông tin xuyên biên giới – TTTD hỗ trợ xuất khẩu lao động và thương mại đầu tư; Xu hướng TTTD mới nhất.
Tại Việt Nam, NHNN luôn luôn xác định vai trò quan trọng của cơ quan TTTD công lập. Đây là công cụ hữu hiệu giúp cho NHNN trong công tác chỉ đạo, điều hành, hoạch định chính sách và thanh tra giám sát ngân hàng. Bên cạnh đó, cơ quan TTTD công lập còn có vai trò quan trọng hỗ trợ các TCTD trong hoạt động kinh doanh, công tác quản trị rủi ro, đảm bảo tuân thủ các quy định của NHTW về bảo đảm an toàn hoạt động tín dụng nói chung.
Đối với Việt Nam, cơ quan TTTD công lập không chỉ có vai trò quan trọng trong ngành Ngân hàng mà còn là trụ cột quan trọng của cơ sở hạ tầng tài chính quốc gia, đóng góp tích cực vào việc nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Bên cạnh đó, Hội nghị ACRN3 lần này tiếp tục chia sẻ quan điểm: Để thúc đẩy trao đổi TTTD xuyên biên giới là phù hợp với xu hướng phát triển thương mại, đầu tư, dịch chuyển lao động của Việt Nam và các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Chủ đề này cũng là một trong năm nguyên tắc cơ bản trong bộ những nguyên tắc chung về TTTD do Ngân hàng Thế giới đã đúc kết qua thực tiễn hoạt động TTTD toàn cầu.
Theo Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh thì những xu hướng mới trong hoạt động TTTD đều là những xu hướng phát triển tất yếu trong kỷ nguyên số, khi nền kinh tế số trở nên ngày càng rõ nét như hiện nay. Trong xu thế đó, các ngân hàng đang chuyển dần từ mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình kinh doanh số, cung ứng sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số.
Vì vậy, việc nhận biết khách hàng điện tử EKYC ngày càng đóng vai trò quan trọng, là dịch vụ nền tảng thiết yếu cho việc phát triển mô hình ngân hàng số không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Việc áp dụng EKYC giúp các ngân hàng, tổ chức tài chính tiết kiệm được thời gian, tiền bạc và nhân lực, giúp khách hàng có trải nghiệm tốt hơn đối với dịch vụ ngân hàng.
Đồng thời, giúp tăng cường phổ cập tài chính quốc gia nhanh chóng hơn. Việc thực hiện EKYC không chỉ đòi hỏi yếu tố công nghệ mà còn liên quan đến khía cạnh pháp lý, trong đó vấn đề kết nối, chia sẻ, bảo mật dữ liệu giữa các cơ quan cũng là những vấn đề rất quan trọng, cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng.
Cùng với đó, mô hình đánh giá, phê duyệt và quản trị rủi ro tín dụng bán lẻ nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng và nâng cao năng lực phòng ngừa rủi ro cho các TCTD là vấn đề cấp thiết đối với các TCTD. Để đạt được mục tiêu này, một trong những vấn đề đặt ra đó là phải tăng cường hoạt động thu thập thông tin và chấm điểm tín dụng khách hàng cá nhân, đặc biệt là nhóm khách hàng chưa từng có lịch sử tín dụng (nhóm đối tượng chiếm tỉ lệ cao ở các nước đang phát triển như Việt Nam).
Tuy nhiên, hoạt động thu thập thông tin khách hàng cá nhân lại có nhiều khác biệt so với khách hàng doanh nghiệp. Thông tin về khách hàng cá nhân thường ít đầy đủ và khó kiểm chứng, thông tin nằm rải rác ở các nguồn khác nhau và không có định dạng chung. Sự khác biệt đó đòi hỏi các Trung tâm TTTD cũng như các TCTD phải có cách thức thu thập và sử dụng thông tin riêng biệt so với các nguồn thông tin truyền thống từ các TCTD.
Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh cũng kỳ vọng, ACRN sẽ ngày càng lớn mạnh, mở rộng thêm các thành viên từ các quốc gia khác, tạo bước đột phá để thúc đẩy phát triển hoạt động TTTD trong khu vực. Các thành viên ACRN sẽ cùng nhau thảo luận, tìm ra những giải pháp, đề xuất với các nhà lập pháp ở mỗi nền kinh tế để khắc phục những khó khăn, khác biệt về khuôn khổ pháp lý, bảo mật dữ liệu, chuẩn hóa dữ liệu hay bảo vệ người vay khi thực hiện trao đổi TTTD xuyên biên giới.
Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/ky-vong-ve-mot-acrn-rong-mo-hon-92419.html