Kỳ vọng về một bảo tàng xứng tầm

HNN - Hơn 11.000 cổ vật Triều Nguyễn đang được gìn giữ, bảo quản bởi Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế là kho tàng di sản quý giá đang khát khao một thiết chế bảo tàng hiện đại, xứng tầm.

 Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới thuộc UNESCO Lazare Eluondo đến thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế dịp cuối tháng 5/2025

Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới thuộc UNESCO Lazare Eluondo đến thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế dịp cuối tháng 5/2025

Gìn giữ trong điều kiện còn nhiều giới hạn

Bảo tàng Cổ vật Cung đình (CVCĐ) Huế đang lưu giữ hơn 11.000 hiện vật Triều Nguyễn, trong đó có 38 bảo vật quốc gia. Đó là những ngai vua, triều phục, ấn tín, đồ ngự dụng…, chứng tích sống động gắn với chiều dài lịch sử Triều Nguyễn trải dài trên 3 thế kỷ. Ngoài ra còn có khoảng 9.000 hiện vật đang được lưu trữ theo danh mục quản lý của Bảo tàng và trên 2.700 hiện vật khác nằm rải rác tại hơn 10 điểm di tích, như lăng các vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Cung An Định, điện Huệ Nam và nhiều công trình thuộc Đại Nội.

“Chúng tôi muốn mỗi di tích không chỉ là một điểm đến tham quan, mà là một không gian kể chuyện - nơi hiện vật lên tiếng, để du khách hiểu sâu hơn về lịch sử”, ông Ngô Văn Minh, Giám đốc Bảo tàng CVCĐ Huế chia sẻ về không gian trưng bày hiện vật.

Tuy nhiên, hành trình gìn giữ những cổ vật quý giá ấy không hề dễ dàng, đặc biệt trong điều kiện khí hậu nhiệt đới khắc nghiệt của Huế, cộng với cơ sở vật chất còn hạn chế. Các hiện vật phải được phân loại theo chất liệu: từ gỗ, đồng, sứ, vải… và áp dụng chế độ bảo quản riêng. Kho bảo tàng được duy trì điều hòa nhiệt độ và độ ẩm 24/24. Với đồ dệt, do đặc tính dễ tổn thương, hiện vật gốc gần như không được trưng bày mà chỉ có bản phục chế.

Bảo vệ hiện vật cũng là một công việc đòi hỏi sự cẩn trọng cao độ. Ngoài lực lượng công an trực bảo vệ mục tiêu, kho cổ vật được kiểm soát nghiêm ngặt bằng hệ thống camera giám sát, cửa hai lớp, và quy trình mở kho buộc phải có sự tham gia đồng thời của bảo vệ và cán bộ quản lý. “Dù đã có những cải tiến, nhưng so với các bảo tàng quốc tế - nơi họ có thể xây hẳn các kho ngầm chống động đất và trang bị công nghệ bảo vệ tối tân, thì điều kiện của chúng ta vẫn còn khiêm tốn”, ông Minh nói.

Song song với bảo tồn vật lý, Bảo tàng CVCĐ Huế cũng đang chuyển mình theo hướng số hóa hiện vật. Hiện đã có 10 hiện vật được trưng bày ảo, và đang triển khai thí điểm số hóa thêm gần 100 hiện vật khác, trải rộng ở nhiều chủ đề như: ẩm thực cung đình, cửu đỉnh, y phục, nghi lễ…

Một điểm nghẽn lớn khác là không gian trưng bày hiện tại. Điện Long An tuy có giá trị kiến trúc và lịch sử, nhưng lại quá chật hẹp và không phù hợp với chức năng bảo tàng hiện đại. “Nếu muốn Bảo tàng thực sự phát huy giá trị, cần một không gian mới, quy mô và đồng bộ hơn”, ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế nhấn mạnh.

Định hướng về một bảo tàng trong lòng di sản

Từ những bất cập hiện hữu, Trung tâm BTDTCĐ Huế đang triển khai quy hoạch xây dựng Bảo tàng CVCĐ Huế mới - một bảo tàng hiện đại, tích hợp giữa bảo tồn, giáo dục và trải nghiệm. Theo đó, bảo tàng mới không chỉ là nơi “trưng bày cổ vật” mà còn là nơi “kể chuyện lịch sử sống động”. Những bảo vật như áo tế giao, ấn Triều Nguyễn, ngai vua Duy Tân hay phù điêu thời Minh Mạng… sẽ không chỉ hiện diện trong tủ kính mà sẽ được diễn giải bằng công nghệ, ánh sáng, hình ảnh và cả cảm xúc. “Chúng tôi muốn tạo ra một không gian học tập và khám phá cho thế hệ trẻ, để di sản không chỉ nằm trong sách giáo khoa mà sống động giữa đời thường”, ông Trung nói.

Dự kiến, bảo tàng mới sẽ được quy hoạch tại khu vực kết nối giữa điện Long An, nhà Tế Tửu, Quốc Tử Giám và khu trưng bày cổ vật Chàm. Kết cấu sẽ bao gồm: Khu trưng bày thường xuyên, khu chuyên đề, khu ngoài trời, khu phục chế - bảo quản, không gian giáo dục và sáng tạo, cùng hệ thống dịch vụ văn hóa, thư giãn cho công chúng.

Định hướng này phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 137/TB-VPCP, không gian trưng bày phải phản ánh nét đặc sắc của đời sống cung đình Triều Nguyễn thông qua các bộ sưu tập hiện vật, công nghệ trình chiếu, tương tác, trang thiết bị đồng bộ, hiện đại đến thiết kế không gian khám phá, trải nghiệm hấp dẫn.

Từ đó, Huế kỳ vọng sẽ có một bảo tàng “mềm” - nơi không chỉ trưng bày vật thể, mà còn là nơi lan tỏa tri thức, cảm hứng và lòng tự hào dân tộc. TS. Reigh Young Bum, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kiến trúc và Đô thị Hàn Quốc, từng đề xuất Khu phức hợp bảo tàng lịch sử Huế tương lai cần tích hợp nhiều giá trị xã hội và giáo dục, không dừng lại ở trưng bày đơn thuần.

Hiện thành phố cũng chuẩn bị triển khai dự án trùng tu di tích Quốc Tử Giám - nơi từng là “trường đại học” đầu tiên của Triều Nguyễn. Sau khi hoàn thành, nơi đây sẽ trở thành trung tâm trưng bày chuyên đề về giáo dục khoa cử và văn hóa học thuật Triều Nguyễn. Đây sẽ là một trong những điểm nối quan trọng trong hệ sinh thái bảo tàng di sản Huế tương lai.

Tại Bảo tàng CVCĐ Huế, chúng tôi gặp ông Nguyễn Tuấn Dũng, một du khách từ TP. Hồ Chí Minh, đang tỉ mỉ xem từng hiện vật trong điện Long An. Ông bày tỏ: “Tôi từng đến một số bảo tàng ở châu Âu, họ kể chuyện rất hay. Nhìn một cái áo, một cây gươm là biết ngay giai đoạn, nhân vật, ý nghĩa. Ở đây, cổ vật rất quý nhưng cách trưng bày chưa thật sự thu hút. Tôi mong Huế có một bảo tàng hiện đại hơn, vẫn giữ hồn cốt xưa mà dễ tiếp cận hơn cho người trẻ”.

Mong trong tương lai gần, Huế sẽ có một bảo tàng xứng tầm, không chỉ là nơi lưu giữ ký ức triều đại mà còn là trung tâm văn hóa hiện đại, sống động giữa lòng di sản, tiếp tục lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Liên Minh

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/ky-vong-ve-mot-bao-tang-xung-tam-156028.html