Kỳ vọng về tuyến cao tốc Bắc - Nam hoàn thiện qua việc tự lái xe gần 2.000 km về quê đón Tết
Qua 4 lần xuyên Việt từ Vũng Tàu ra tới Cao Bằng, chúng tôi cảm nhận được rõ nét sự thay đổi cũng như những điểm còn hạn chế, kỳ vọng về một tuyến cao tốc Bắc - Nam hoàn thiện, đạt chuẩn và sạch đẹp vào một ngày không xa.
Tết Giáp Thìn năm 2024, gia đình tôi tiếp tục chọn tự lái xe ô tô về quê ở Cao Bằng đón Tết. Chúng tôi khởi hành từ Vũng Tàu về Cao Bằng (quãng đường gần 2.000 km) và quay trở lại đến Vũng Tàu vào tối Mùng 8 (17-2-2024). Đây là lần thứ 4 kể từ năm 2017, chúng tôi tự lái xe về quê dịp Tết.
Việc đi bằng phương tiện gì về quê là sự lựa chọn và tùy vào điều kiện, thời gian của mỗi gia đình. Với chúng tôi thì chọn tự lái xe do muốn chủ động trong di chuyển và đây cũng là dịp để cả gia đình có thời gian trải nghiệm, biết thêm không khí đón Tết của người dân các tỉnh, thành. Đồng thời biết thêm về sự thay đổi của hạ tầng giao thông đường bộ dọc chiều dài đất nước, đặc biệt là tuyến cao tốc Bắc- Nam qua mỗi năm.
Quê nhà gần hơn nhờ đường thông nhiều tuyến
Nói về những cái được, điểm cộng lớn nhất mà chúng tôi cảm nhận suốt hành trình là hạ tầng giao thông đường bộ dọc tuyến đường bộ cao tốc Bắc- Nam phía đông đã ngày càng thay đổi, dần hoàn thiện. Năm sau khác năm trước, thuận lợi hơn. Đặc biệt có sự thay đổi lớn trong năm 2023.
Cụ thể, 8 giờ sáng từ quê ở Cao Bằng chúng tôi theo quốc lộ 4 xuống đến TP Lạng Sơn dù chưa có cao tốc nhưng đường được nâng cấp, mở rộng nhiều đoạn nên di chuyển nhanh.
Từ Chi Lăng (Lạng Sơn), chúng tôi có thể bắt đầu đi cao tốc một dải đến Hà Nội. Từ đây, chúng tôi đi qua các tỉnh, thành vùng đồng bằng Bắc Bộ để đến điểm cuối cao tốc hiện đang cho xe ô tô lưu thông là huyện Diễn Châu (Nghệ An) rất nhanh chóng.
Và tiếp đó, từ đầu huyện Cam Lộ (Quảng Trị) chúng tôi có thể di chuyển tiếp các đoạn cao tốc qua Thừa Thiên Huế vào Đà Nẵng, Quảng Nam và đến Quảng Ngãi. Sau đó, chúng tôi đi vào cao tốc Cam Lâm- Nha Trang và vào trong nữa là cao tốc Vĩnh Hảo- Phan Thiết; Phan Thiết- Dầu Giây để về đến khúc giao Quốc lộ 56 (huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) rẽ về Bà Rịa- Vũng Tàu.
Qua bạn bè và thông tin báo chí, chúng tôi biết năm nay đường đi các tỉnh miền Tây cũng đã thuận lợi, rút ngắn thời gian di chuyển hơn rất nhiều nhờ các tuyến cao tốc...
Di chuyển có thể nói gần như dọc chiều dài đất nước, chúng tôi cảm nhận rõ sự thay đổi ở nhiều địa phương; cũng thấy các công trường dự án thành phần đường cao tốc Bắc- Nam phía đông khác qua các tỉnh, thành phố hiện còn đang thi công, chờ hoàn thiện.
Gia đình tôi đều thống nhất rằng, trong năm 2024 đường sẽ còn dễ đi hơn nữa, nếu không có việc đột xuất, hè cả nhà sẽ ra các vùng biển miền Trung để du lịch, Tết sẽ lại tự lái xe về quê...
Những “điểm trừ” cần sớm hoàn thiện
Điểm được thì như vậy, còn điểm hạn chế, chưa được thì cũng còn. Qua mạng xã hội, báo chí, bạn bè và chính bản thân trải nghiệm, chúng tôi đồng tình và kỳ vọng những điểm trừ này sớm được khắc phục để hành trình xuyên Việt an toàn, tiết kiệm và sạch, đẹp hơn.
Thứ nhất là việc thiếu trạm dừng chân để giải quyết các nhu cầu tạm nghỉ và vệ sinh cá nhân ở một số đoạn tuyến như Vĩnh Hảo- Phan Thiết; Phan Thiết- Dầu Giây; đoạn Đà Nẵng- Quảng Ngãi. Tuyến từ La Sơn đến Túy Loan (Hòa Liên) các xe cũng phải dừng lại bên đường để giải quyết nhu cầu vệ sinh dù khu vực này khá rộng rãi, thoáng đãng nhất là đoạn qua Vườn quốc gia Bạch Mã.
Và cũng bởi do ý thức của một bộ phận người đi xe chưa tốt nên ở nhiều điểm dừng khẩn cấp trên các tuyến cao tốc rác thải vứt lại hai bên đường rất nhiều. Từ đồ ăn, vỏ chai lọ đến các loại giấy gây ô nhiễm và mất mỹ quan.
Ngày 16-2, khi trở vào Nam qua đoạn tuyến La Sơn- Túy Loan, tôi thấy nhiều nhân viên của đơn vị quản lý đường đi nhặt rác ở hai bên đường bỏ vào các bao tải. Nhưng tôi nghĩ đây cũng chỉ là việc làm khẩn cấp, không phải căn cơ để tuyến cao tốc đảm bảo nhanh, an toàn nhưng sạch, đẹp.
Quan trọng là cần bố trí trạm dừng hợp lý, đúng chuẩn ở đều các tuyến. Đồng thời mỗi cá nhân, gia đình nếu có dừng chân để đi vệ sinh hay ăn uống ở các điểm dừng thì cần có phương án để thu gom rác của chính mình.
Đặc biệt một điểm trừ nữa mà nhiều người và chúng tôi đi rồi cũng thấy bất an, lo sợ, mong cơ quan chức năng sớm xem xét lại và có phương án tối ưu. Đó là việc tuyến cao tốc Cam Lộ- La Sơn, và ngay cả đoạn La Sơn- Túy Loan (qua Vườn quốc gia Bạch Mã) nhiều đoạn thiếu dải phân cách cứng, có đoạn quy mô 1 làn xe mỗi bên, đường có chỗ qua khúc cua cao, đồi núi, tốc độ cho phép không ổn định, cao nhất là 80km/giờ...
Một số đoạn lưu thông 2 chiều nhưng không có dải phân cách cứng nên nhiều tài xế, nhất là các xe khách đường dài vì thiếu kiên nhẫn đã tăng tốc vượt ẩu ở những đoạn cấm hoặc khó vượt gây nguy cơ tai nạn. Và thực tế đã xảy ra những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng như vụ tai nạn ngày 18-2 tại cao tốc Cam Lộ- La Sơn đoạn qua huyện Phong Điền (Thừa Thiên- Huế) khiến 3 người trong một gia đình tử vong thương tâm.
Trước đó, ngày 16-2, cũng trên tuyến cao tốc này, đoạn qua Thừa Thiên- Huế chiều vào Nam, gia đình tôi cũng xém trở thành nạn nhân của một pha vượt ẩu bất ngờ ở đoạn đường cấm vượt của xe khách lưu thông ngược chiều. Nếu xe tôi chạy đúng tốc độ cao tốc cho phép là 80km/giờ và không kịp đánh lái, hoặc đánh lái mà có xe phía sau chạy tới có lẽ đã xảy ra va chạm rất nghiêm trọng.
Thứ 3 nữa là do các dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam thi công chưa hoàn thiện đồng bộ nên xe không thể chạy liền một dải mà buộc phải di chuyển qua các tuyến khác. Chủ yếu là Quốc lộ 1A hoặc đường ven biển qua một số tỉnh, thành; đường Hồ Chí Minh phía Đông với đoạn đi qua các tỉnh Bắc miền Trung.
Kỳ vọng năm 2024 đột phá
Trên đường vào Nam sau Tết, tôi đọc thông tin Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Chỉ thị giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện sau kỳ nghỉ Tết. Trong đó tập trung thúc đẩy tiến độ thi công các công trình hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia.
Cụ thể, tập trung thi công các dự án thành phần thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc- Nam phía đông và các tuyến khác như: Đường cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng), Hữu Nghị - Chi Lăng (Lạng Sơn), Hòa Bình - Mộc Châu (Sơn La), Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng, dự án vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, vành đai 3 TP.HCM, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Tuyên Quang - Hà Giang...
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu tăng cường kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu tập trung nguồn lực, tổ chức thi công "3 ca, 4 kíp" bảo đảm hoàn thành hai dự án thành phần đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo theo đúng tiến độ. Đôn đốc các nhà thầu triển khai thi công các dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc- Nam giai đoạn 2021-2025, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và Biên Hòa - Vũng Tàu đúng kế hoạch. Đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, sớm khởi công các dự án trọng điểm, có tính liên vùng khác.
Những thông tin này được người dân như chúng tôi rất trông đợi, kỳ vọng. Mong rằng năm 2024 và theo đúng tiến độ đặt ra, hạ tầng giao thông đường bộ cả nước sẽ có thêm nhiều dự án mới hoàn thành.
Bởi "đường thông, kinh tế mở", hạ tầng giao thông tốt, thông suốt sẽ tạo ra động lực rất lớn góp phần thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế- xã hội cả nước, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, tạo không gian phát triển mới cho các địa phương, vùng miền và cả nước; giúp vận tải hàng hóa, hành khách, di chuyển của người dân, doanh nghiệp ngày càng thuận lợi, nhanh chóng.