Kỳ vọng vụ Mùa bội thu
Vụ Mùa năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu duy trì diện tích gieo trồng đạt 32 nghìn ha. Để có một vụ Mùa thắng lợi, ngành nông nghiệp và môi trường phối hợp với các địa phương tập trung triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ giống, kỹ thuật theo Nghị quyết số 20 của HĐND tỉnh về tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng mở rộng diện tích cây hàng hóa tập trung, có chất lượng, giá trị kinh tế cao và thị trường tiêu thụ.

Nông dân xã Tân Phú (Vĩnh Tường) sử dụng máy bay không người lái trong sản xuất nông nghiệp giúp tiết kiệm chi phí nhân công, tăng năng suất cây trồng. Ảnh: Thế Hùng
Do ảnh hưởng bởi thiên tai, đặc biệt là bão số 3 (Yagi), diện tích gieo trồng vụ Mùa trên địa bàn tỉnh năm 2024 bị thiệt hại tương đối lớn, dẫn đến tổng sản lượng lương thực có hạt giảm 15% so với năm trước.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, vụ Mùa năm 2025 tiếp tục diễn ra trong điều kiện thời tiết thất thường, dự báo số lượng bão và áp thấp nhiệt đới từ tháng 5 đến tháng10 xuất hiện từ 8 - 10 cơn, trong đó có 2 - 3 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, từ tháng 5 đến tháng 9 có khả năng xuất hiện từ 4 đến 6 đợt nắng nóng gay gắt, ảnh hưởng đến kế hoạch gieo trồng, sản xuất của nông dân.
Để có một vụ Mùa thắng lợi, tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp và môi trường phối hợp với các địa phương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng mở rộng diện tích cây hàng hóa tập trung, có chất lượng, giá trị kinh tế cao và thị trường tiêu thụ; triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Tập trung tuyên truyền, nhân rộng các mô hình áp dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất như mở rộng diện tích sử dụng giống lúa năng suất, chất lượng; triển khai hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI), quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý cây trồng tổng hợp (IPHM), cấy lúa hiệu ứng hàng biên; thực hành sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ...
Chủ động phương án tưới, tiêu phục vụ sản xuất, đảm bảo nguồn nước và tiêu úng, sẵn sàng ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và biến đổi khí hậu.
Đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuê ruộng, gom ruộng để sản xuất tập trung, tạo điều kiện thuận lợi đưa cơ giới hóa vào sản xuất, đăng ký cấp mã số vùng trồng nhằm tạo khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao.
Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, HTX đầu tư sản xuất từ sơ chế đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, từng bước xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.
Triển khai Nghị quyết số 20 của HĐND tỉnh về hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, vụ Mùa và vụ Đông năm 2024, ngành nông nghiệp đã hỗ trợ nông dân 906 tấn lúa giống chất lượng cao, cho giá trị sản xuất trung bình tăng 3 - 4 triệu đồng/ha; hỗ trợ sản xuất nông sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với hơn 1.500ha; hỗ trợ sản xuất 210ha rau ăn lá, 100ha lúa, 12ha cây ăn quả theo hướng hữu cơ...
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường tích cực phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp chuyển giao KHKT, trình diễn nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, thân thiện với môi trường để nhân rộng.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nguyễn Anh Tuấn (Sở Nông nghiệp và Môi trường) cho biết: “Để vụ Mùa, vụ Đông đất không bị bỏ phí thì việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống cây chất lượng và ứng dụng KHKT vào sản xuất để tăng giá trị canh tác là giải pháp then chốt. Việc thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức của người dân trong sản xuất nông nghiệp được ngành nông nghiệp thường xuyên quan tâm, triển khai thông qua công tác tuyên truyền, hỗ trợ người dân về vật tư, kiến thức nông nghiệp.
Tính riêng trong vụ Mùa và vụ Đông năm 2024, ngành nông nghiệp và môi trường đã triển khai 187 lớp tập huấn chuyển giao và ứng dụng KHKT trong sản xuất nông nghiệp cho hơn 14.300 lượt người tham gia.
Thông qua các mô hình chuyển giao KHKT như sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ trên cây lúa với quy mô 5.000 ha; mô hình chuyển giao các giống lúa chất lượng cao vào sản xuất trên diện tích 33ha tại 5 huyện, thành phố… góp phần nâng cao năng suất lúa được xử lý rơm rạ cao hơn từ 3 - 6 tạ/ha so với bình quân mọi năm, năng suất lúa trung bình tăng lên từ 56 lên 61 tạ/ha. Việc ứng dụng KHKT vào sản xuất không chỉ giúp tăng giá trị canh tác mà còn tác động tích cực đến vệ sinh môi trường, cải tạo đất, nâng cao tinh thần, quyết tâm sản xuất của người dân”.
Vụ Mùa năm 2025, tỉnh tiếp tục duy trì mục tiêu gieo trồng so với trung bình mọi năm là 32.000 ha, trong đó, diện tích trồng lúa đạt 23.000 ha. Phấn đấu diện tích gieo cấy lúa chất lượng đạt 76%, sản lượng lương thực có hạt đạt hơn 161 nghìn tấn, tăng 35% so với năm 2024.