Kỹ xảo phim Việt vươn ra thế giới
Ngày càng nhiều cái tên Việt có trong danh sách thực hiện hậu kỳ, kỹ xảo cho các phim điện ảnh và truyền hình từ châu Á đến Hollywood
Tập 14 của bộ phim "Glory" 2 (Vinh quang trong thù hận 2) chiếu trên Netflix toàn cầu, thu hút chú ý khi có nhiều cái tên Việt xuất hiện ở khâu kỹ xảo của tập phim. Người Việt xuất hiện trong khâu kỹ xảo hậu trường các phim quốc tế không phải chuyện mới lạ nhưng đây vẫn là tín hiệu vui cho thấy các hãng kỹ xảo Việt dần được nhà sản xuất quốc tế tin tưởng.
Giàu tiềm năng
Kỹ xảo điện ảnh (Visual Effect, viết tắt là VFX - là quá trình tạo ra hoặc thay đổi các hiệu ứng hình ảnh để nâng cao chất lượng hình ảnh đã quay) là công việc hậu kỳ, giúp tác phẩm hoàn thiện hơn, truyền tải đúng những gì nhà làm phim mong muốn đến khán giả thông qua hình ảnh.
Tập 14 của phim "Glory" 2 có sự tham gia làm VFX từ các thành viên Việt Nam thuộc Synapse Studio VN. Đây là công ty hoạt động từ năm 2022, có xuất xứ từ Hàn Quốc nên không ngạc nhiên khi nắm trong tay nhiều dự án làm kỹ xảo cho các phim điện ảnh, truyền hình Hàn Quốc phát sóng trên các nền tảng trực tuyến: Netflix, APPLE TV, Disney…
Ngoài "Glory" 2, Synapse Studio VN còn tham gia thực hiện một số phần kỹ xảo cho phim "Crash Course in Romance" phát sóng trên Netflix vào đầu năm 2023; một số phân đoạn trong phim "Strangers Again" và đặc biệt là phim "Money Heist: Korea - Joint Economic Area" (Phi vụ triệu đô: Hàn Quốc - Khu vực kinh tế chung) được chiếu Netflix vào năm 2022. Đây là tác phẩm được đầu tư lớn, kỹ xảo hình ảnh của các cảnh bắn tỉa, nổ bom, rượt đuổi…
Hiện nay, các hãng VFX tại Việt Nam gồm: Sparx* - A Virtuos Studio, Bad Clay Studio, BlueR Studio, Colory Animation, CYCLO, HETA, LuciDigital, Planion Animation, Rainstorm Film, SPARTA Visual Ef ects Studio, VEGA Animation Studio, Vinamation... Trong đó, Sparx* được thành lập năm 1995 và gia nhập Tập đoàn Virtuos - một trong những công ty sản xuất nội dung kỹ thuật số lớn của thế giới.
Liên tục từ năm 2015 đến nay, đội ngũ nhân sự Việt của Sparx* - A Virtuos Studio góp tên tham gia phần hậu kỳ trong hàng loạt phim lớn của điện ảnh thế giới: "Jurassic World", "Avenger: Infinity War", "Transformers: The Last Knight", "Aquaman", "Captain Marvel", "Star Wars: The rise of Skywalker", "The Mandalorian", "Alien Worlds Season 1", "Loki", "Black Panther 2: Wakanda Forever"… Ngoài ra, một loạt các phim dài tập từng được yêu thích trên Netflix: "Sweet Home", "Extraordinary Attorney Woo", "Glitch", "Squid Game", "All of us are dead"… cũng có sự tham gia của đội ngũ thực hiện hậu kỳ, VFX Việt.
Người trong giới cho biết số lượng phim thế giới mỗi năm rất nhiều, những phim khai thác đề tài khoa học viễn tưởng, siêu anh hùng cần phải có kỹ xảo chân thật, đẹp mắt; những phim thiên về hành động, kinh dị, kỳ ảo… cần có kỹ xảo hiện thực hóa tưởng tượng của ê-kíp làm phim bằng hình ảnh. Các hãng phim lớn của thế giới hoặc thị trường phim lớn của châu Á như Hàn Quốc sẽ chia nhỏ các phần việc và thuê nhân lực như Việt Nam, Thái Lan gia công hậu kỳ, kỹ xảo cho các tác phẩm của họ. "Việc nhiều cái tên Việt xuất hiện ở hậu kỳ của nhiều phim dài tập, điện ảnh lớn là tín hiệu vui cho thị trường chung" - biên kịch Đông Hoa bày tỏ.
Chưa đột phá nội địa
Nếu nhiều năm trước, phim Việt thường phải sang các nước lân cận như Thái Lan để làm hậu kỳ, kỹ xảo thì những năm gần đây, nhiều nhà sản xuất tin tưởng, chọn những hãng làm hậu kỳ, kỹ xảo có sẵn trong nước. Trong đó, các phim: "Tấm Cám chuyện chưa kể", "Hai Phượng", "Mắt biếc", "Trạng Tí phiêu lưu ký", "Chuyện ma gần nhà", "Thanh Sói: Cúc dại trong đêm"… đều có sự đầu tư về VFX và được đánh giá ổn.
Tuy nhiên, cũng vì kinh phí không cho phép, ở một số phim, phần VFX còn cũ kỹ, lạc hậu, khiến những người xem quen thưởng thức "bom tấn" kỹ xảo của Hollywood thất vọng. Mặc dù tiềm năng của VFX Việt là có nhưng lại chưa phải là thế mạnh ở chính sân nhà. Những phim đặc biệt ấn tượng về kỹ xảo của điện ảnh Việt đến nay chỉ có "Trạng Tí phiêu lưu ký" do công ty của Ngô Thanh Vân sản xuất, Phan Gia Nhật Linh đạo diễn, với hơn 1.000 shots VFX/ full CGI xuyên suốt bộ phim.
Theo biên kịch Trần Khánh Hoàng, kinh phí làm phim Việt không cao, nhiều phim đầu tư khoảng 30 tỉ đồng là đã thấp thỏm lo ngại doanh thu. Trong khi "Trạng Tí phiêu lưu ký" chi phí đầu tư cho phần VFX lên đến 49 tỉ đồng. Doanh thu của phim Việt ngoài những kỷ lục của "Bố già" với 427 tỉ đồng và "Nhà bà Nữ" hơn 458 tỉ đồng, còn lại rất khó để kiếm con số 100-200 tỉ đồng. Đến khi nào điện ảnh Việt có khả năng đầu tư cho một phim khoảng 200-300 tỉ đồng, khi đó nhà sản xuất mới dám đầu tư kinh phí lớn cho kỹ xảo.
Trong giai đoạn chờ thị trường điện ảnh Việt phát triển, ngành VFX Việt đã chủ động kết nối với thị trường điện ảnh thế giới. Theo những người trong cuộc, nếu so với Thái Lan, Hàn Quốc… thì ngành VFX Việt vẫn chưa thể sánh ngang về lực lượng lành nghề. Ông Thierry Nguyễn, đồng sáng lập Bad Clay Studio, chia sẻ trong một hội thảo rằng VFX Việt có nhân lực trẻ, giỏi, dễ thích ứng và làm quen công nghệ mới nhưng khâu đào tạo chưa mạnh.
"Ngành VFX chưa có nhiều sự kiện, hoạt động để nhiều người biết đến, chọn học, nuôi dưỡng nguồn nhân lực. Mỗi hãng VFX cũng cần có sự liên kết với nhau để tạo sức mạnh tổng lực, kết nối tốt hơn và cũng có thể tìm kiếm thêm sự hỗ trợ từ phía nhà nước" - ông Thierry Nguyễn đề xuất.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/van-nghe/ky-xao-phim-viet-vuon-ra-the-gioi-20230324211708444.htm