Kyrgyzstan: Di tích Phật giáo cổ đại được mở cửa cho công chúng
Các tàn tích được khai quật của một ngôi chùa Phật giáo ở Kyrgyzstan đã được mở cửa cho công chúng vào giữa tháng 9 vừa qua. Ngôi chùa lịch sử này là một phần trong di sản thế giới Krasnaya Rechka đã được Tổ chức UNESCO công nhận.
Được xây dựng cách đây hơn 1.000 năm, đây là ngôi tự viện Phật giáo cổ thứ hai được phát hiện Krasnaya Rechka (thành phố Nevaket) vào năm 2010.
Theo Valery Kolchenko, một nhà khảo cổ học địa phương, ngôi chùa này là cơ sở duy nhất còn tồn tại và được xây dựng hoàn toàn bằng đất sét. Một bức tượng Phật nhập Niết-bàn trong tư thế nằm nghiêng bên phải cao 11 mét cũng được an vị tại đây; tuy nhiên, sau khi được khai quật, một phần của tôn tượng đã được bảo quản và trưng bày tại bảo tàng di sản của Nga tại thành phố St.Petersburg.
“Tất cả những địa điểm khảo cổ thuộc thời Trung cổ của chúng tôi đều được xây dựng bằng đất sét. Chúng hoàn toàn không có viên đá nào; và với vài trường hợp ngoại lệ hiếm hoi, chúng có vài viên gạch. Nhưng hầu như tất cả đều được làm bằng đất sét”, Kolchenko cho biết.
Kolchenko chia sẻ thêm rằng tôn tượng Đức Phật nhập Niết-bàn được làm bằng gạch, và “phủ một lớp đất sét bên ngoài để tạo thành hình dạng của y áo, bàn tay và phần đầu của Ngài”. Và hiện nay, chúng ta không thể chiêm ngưỡng tôn tượng trong hình dạng ban đầu.
“Một Phật tử thậm chí không thể nhìn thấy toàn bộ kim thân của Ngài vì những bức tường chắn có thể ngăn cản tầm mắt của họ. Họ chỉ có thể chiêm ngưỡng một phần thân Ngài như mặt, tay và chân. Tuy nhiên, về mặt tâm linh thì khi chạm vào một bộ phận thôi cũng có thể cảm nhận được sự thiêng liêng từ tôn tượng”, Kolchenko giải thích.
Được xây dựng dọc theo mạng đường Trường An và hành lang Thiên Sơn của Con đường Tơ lụa, ngôi chùa cổ đã được khôi phục lại thông qua dự án hợp tác giữa UNESCO và Liên minh Châu Âu.
Hành lang này trải dài khoảng 5.000km từ Trường An của Trung Quốc đến vùng Zhetysu của Kazakhstan; đặc biệt, đây là một ví dụ tuyệt vời về một không gian vật lý này đã trở thành một biểu tượng văn hóa. Có đến 33 địa điểm cổ được công nhận là di sản dọc theo hành lang này - 22 địa điểm ở Trung Quốc, 8 ở Kazakhstan và 3 ở Kyrgyzstan.
Trong đó, 3 địa điểm cổ đại ở Kyrgyzstan là thành phố Suyab - nơi có khu định cư cổ đại Ak-Beshim, thành phố Balasagun - nơi có ngôi tháp cổ Burana và thành phố Nevaket - nơi có di sản thế giới Krasnaya Rechka. Những thành phố này nằm trong thung lũng Chui và được xem là một trong những cảnh quan đẹp nhất ở Kyrgyzstan.
Trong thung lũng Chui, các thị trấn và các tòa nhà hoành tráng từ thế kỷ thứ V-XII đã được các nhà khảo cổ học phát hiện từ năm 1940 đến năm 2000. Những địa điểm này phản ánh truyền thống văn hóa và nghệ thuật của nhiều quốc gia và các dân tộc khác nhau, từ Byzantium (phía Tây) đến Ấn Độ (phía Nam) và Trung Quốc (phía Đông).
Năm 1953-1954, nhà khảo cổ học L.R. Kizlasov đã khai quật được một số cơ sở và tàn tích ở Suyab. Hai trong số các công trình được tìm thấy là những ngôi chùa Phật giáo.
Krasnaya Rechka từ lâu đã được công nhận là một trong những khu định cư đô thị quan trọng nhất ở thung lũng Chui và vùng Thiên Sơn. Cùng với sự phát triển đó, niềm tin tôn giáo và các hình thức tâm linh cũng được truyền bá rộng rãi. Một bàn thờ lửa và nghĩa trang của người Zoroastrian ở ngoại ô phía Tây, đá vàng mã của Cơ Đốc giáo Nestorian trong thành và hai ngôi đền Phật giáo ở phía Nam tường thành đều đã được khai quật trong các cuộc tìm kiếm bên trong thành phố.
Một sự kết hợp độc đáo về sự tương tác giữa các nền văn hóa ở đây cũng có thể được nhìn thấy trong các vật liệu và kiến trúc tôn giáo, vốn là sự kết hợp của văn hóa Trung Quốc, Ấn Độ, Sogdian và Tukic.