Là căn bệnh 'đô thị', đâu là khó khăn trong phòng chống sốt xuất huyết?
Bệnh sốt xuất huyết được dự báo sẽ ngày càng tăng bởi theo các chuyên gia, sốt xuất huyết là bệnh 'đô thị'. Đô thị càng phát triển thì sốt xuất huyết càng mở rộng.
Sốt xuất huyết là bệnh đô thị và ca mắc sẽ ngày càng tăng
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính có thể bùng phát thành dịch do virus Dengue gây ra. Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay (25/4), cả nước ghi nhận hơn 16.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 1 trường hợp tử vong.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, toàn thành phố ghi nhận gần 600 ca mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2023). Các quận, huyện có nhiều ca mắc là Đống Đa (89 ca), Hà Đông (67 ca), Hoàng Mai (46 ca), Hai Bà Trưng (39 ca), Chương Mỹ (33 ca), Bắc Từ Liêm (32 ca)…
TS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết, hằng năm, dịch sốt xuất huyết tại Việt Nam thường cao điểm trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 11. Tuy nhiên, vào những khoảng thời gian còn lại trong năm, trên toàn quốc vẫn ghi nhận các ca mắc sốt xuất huyết mới, trong đó có ca bệnh nặng, nguy kịch.
Phân bố theo thời gian trong năm cho thấy, trường hợp mắc sốt xuất huyết thường tăng cao từ tuần 26 đến tuần 47 (từ tháng 7 đến tháng 11).
Dự báo số ca mắc năm nay, TS. Dũng khẳng định “bệnh sốt xuất huyết sẽ khó mà giảm hơn so với năm 2023. Bởi bản thân tôi nhận thấy thời tiết năm nay mưa nắng thất thường, nhiều hình thái thời tiết cực đoan xuất hiện. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, khả năng trên 90% là hiện tượng El Nino sẽ kéo dài đến tháng 3/2024; sau đó giảm dần về cường độ nhưng vẫn có khả năng duy trì tới tháng 6/2024. Điều này gây nên tình trạng nắng nóng và khô hạn gay gắt hơn trung bình nhiều năm. Qua theo dõi các năm nhận thấy, những năm có hiện tượng ElNino thì đều là những năm có ca mắc sốt xuất huyết cao. Cho đến thời điểm hiện tại, số ca mắc sốt xuất huyết còn cao hơn cả năm ngoái”.
TS Dũng khuyên người dân nên bỏ suy nghĩ rằng sốt xuất huyết diễn biến theo chu kỳ bởi nó không còn phù hợp với tình hình hiện nay nữa. Nếu cứ giữ nguyên nếp nghĩ dịch sốt xuất huyết diễn ra theo chu kỳ 3-4 năm thì sẽ rất chủ quan trong công tác phòng chống dịch. Điển hình là năm 2022 và 2023 đều là những năm có tỷ lệ mắc sốt xuất huyết cao trong lịch sử ở Hà Nội.
Cũng theo TS. Nguyễn Văn Dũng, bệnh sốt xuất huyết sẽ ngày càng tăng và không thể giảm như bệnh sốt rét khi bệnh này phụ thuộc vào muỗi trong rừng. Bệnh sốt xuất huyết là bệnh đô thị, đô thị càng phát triển thì sốt xuất huyết càng mở rộng, vì muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết dengue là muỗi Aedes (thường gọi là muỗi vằn) - đây là loài muỗi đô thị, chủ yếu sống ở các khu dân cư đông đúc. TS Dũng hy vọng rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ lưu ý đến vấn đề này.
Khó khăn trong phòng chống sốt xuất huyết
Theo TS Nguyễn Văn Dũng, trong giai đoạn sốt xuất huyết được đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia, Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết, đẩy mạnh công tác giáo dục và truyền thông cho người dân về phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên khi chương trình này kết thúc, tất cả các tỉnh thành tự chủ động nguồn kinh phí (nguồn kinh phí sự nghiệp), tự đưa ra kế hoạch phòng chống dịch bệnh trong địa bàn mình. Đây cũng là vấn đề gây khó khăn rất nhiều trong việc chỉ đạo từ Bộ Y tế đến các địa phương.
“Bởi các địa phương sẽ có chính sách phòng dịch riêng, có địa phương còn khá khó khăn trong việc bố trí kinh phí phòng chống dịch, bởi lẽ nhiều lúc phải công bố dịch mới đủ điều kiện bố trí kinh phí được, do đó bệnh có khả năng lây lan rộng. Hy vọng sắp tới được Chính phủ quan tâm, có gói chương trình mục tiêu quốc gia trong công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết để địa bàn nào cũng nâng cao ý thức phòng bệnh”, TS Dũng bày tỏ.
Ngoài nguồn kinh phí, chưa có hướng dẫn mới cũng là một bất cập khi Thông tư 26/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính Quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020 không còn áp dụng gây khó khăn cho việc triển khai phòng chống dịch.
Cũng theo TS Nguyễn Văn Dũng, có những địa phương khi đã mua được hóa chất phun, nhưng lại khó triển khai phun, vì quy định công phun quá thấp, không thể thuê nhân công phun được.
“Bởi cán bộ y tế có hạn, cán bộ không mang bình, mang máy trực tiếp đi phun mà phải thuê. Giá thuê dao động từ 180.000-200.000/ngày công. Các năm trước đều như vậy. Hiện giờ hướng dẫn mới chưa có. Do đó việc mua hóa chất xong rồi nhưng việc phun gần như bất khả thi cũng là vì các hướng dẫn của chúng ta chưa thay đổi kịp, chưa có hướng dẫn cụ thể”, TS Dũng nói.
"Hiện nay Bộ Y tế đang chỉ đạo xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật. Chúng tôi đang hoàn thiện, khi nào hoàn thiện được xong thì chúng tôi mới hướng dẫn cho các địa phương dựa vào định mức để phun, khi đó mới có cơ sở can thiệp được các ổ muỗi tập trung.
Mấy năm vừa rồi dường như chúng ta thả lỏng, người dân tự có biện pháp bảo hộ cá nhân, về chính quyền và hay cơ quan chức năng không có nhiều biện pháp để can thiệp muỗi. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến sốt xuất huyết tăng đều như vậy”, TS Dũng cho biết.
Cũng theo TS Dũng, để phòng chống sốt xuất huyết, trong bất cứ hoàn cảnh nào thì vẫn dựa vào dân là chủ yếu. Bởi muỗi và các ổ lăng quăng, bọ gậy sống trong và xung quanh nhà… nên không thể có lực lượng nào có thể làm thay được mà phải dựa vào dân, đơn giản như việc thay bình nước cho lọ hoa mỗi ngày. Đó là lí do vì sao người ta thường nhấn mạnh rằng phòng chống sốt xuất huyết là phải dựa vào dân, người dân vẫn là số 1. Ngoài ra, để phòng chống sốt xuất huyết ngoài biện pháp xử lý loăng quăng, bọ gậy thì sẽ không có biện pháp nào tốt và bền vững hơn.