'Lá chắn' Mỹ rạn vỡ, Ukraine cầu viện châu Âu giữa bão hỏa lực của Nga
Quyết định của Mỹ tạm dừng cung cấp một số loại vũ khí quan trọng cho Ukraine được đưa ra vào thời điểm khó khăn đối với Kiev. Trong bối cảnh Nga tăng cường tấn công, Ukraine vừa phải thúc đẩy việc chế tạo vũ khí, lại vừa tìm kiếm sự hỗ trợ từ châu Âu.
Quân đội Nga đang tiến hành cuộc tấn công phối hợp vào một số khu vực của tiền tuyến dài khoảng 1.000 km và tăng cường các cuộc tập kích bằng máy bay không người lái, tên lửa tầm xa vào nhiều thành phố của Ukraine.

Nga tăng cường tấn công Ukraine trên mọi mặt trận. Ảnh: TASS
Mỹ là nước hậu thuẫn quân sự lớn nhất của Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2/2022. Nhưng chính quyền Tổng thống Trump đang có ý định từ bỏ nỗ lực làm trung gian hòa giải sau nhiều vòng đàm phán hòa bình không đạt được kết quả như kỳ vọng, trong khi giao tranh vẫn diễn ra ác liệt trên khắp các mặt trận. Hiện Ukraine có rất ít lựa chọn sau quyết định mà Mỹ đưa ra.
Thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng
Trong bối cảnh lo ngại gia tăng về sự sụt giảm viện trợ của phương Tây, Ukraine đã chạy đua với thời gian để thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng trong nước.
Sản lượng vũ khí của quốc gia này đã tăng dần và Kiev đang xem xét mở rộng quy mô sản xuất. Đáng chú ý, Ukraine đã chế tạo rất nhiều thiết bị không người lái ngày càng tinh vi, hiện đại hơn. Tuy vậy, một số loại vũ khí công nghệ cao Mỹ cung cấp cho nước này vẫn không thể thay thế, trong đó có tên lửa phòng không Patriot vốn cần thiết để chống lại các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Nga. Nhưng mỗi quả tên lửa Patriot có giá 4 triệu USD. Việc Mỹ tạm dừng cung cấp loại tên lửa này sẽ khiến nhiều thành phố của Ukraine dễ bị tấn công hơn.
Một quan chức cấp cao của Ukraine ngày 3/7 cho biết, các hệ thống Patriot "cực kỳ cần thiết" đối với Ukraine: “Những quốc gia đang sở hữu hệ thống Patriot chỉ có thể chuyển giao chúng khi được sự chấp thuận của Mỹ. Câu hỏi đặt ra hiện nay là Washington sẽ sẵn sàng đi xa đến mức nào trong việc giảm hỗ trợ cho Kiev”.
Tên lửa dẫn đường chính xác của hệ thống HIMARS do Mỹ sản xuất cũng nằm trong số những loại vũ khí mà Washington tạm dừng chuyển giao. Tuy vậy việc tạm dừng cung cấp loại tên lửa này không gây tác động lớn vì các quốc gia khác cũng sản xuất vũ khí tương tự.
Theo quan chức này, Ukraine đã mở rộng quy mô sản xuất các loại đạn pháo 155mm mà trước đây rất thiếu hụt. "Bên cạnh đó, nguồn cung từ nước ngoài cũng trở nên sẵn có hơn trước", ông cho biết.
Ở tuyến đầu, binh lính Ukraine gần đây không phàn nàn về tình trạng thiếu đạn dược nhưng họ phải đối mặt với vấn đề khác, đó là thiếu nhân lực trầm trọng. Các đơn vị Ukraine phải chuyển sang sử dụng máy bay không người lái để bù đắp cho tình trạng thiếu hụt nhân lực. Trong khi đó, các quan chức Ukraine nhấn mạnh đến việc xây dựng những tuyến tiếp tế ổn định, đáng tin cậy.
“Trong một cuộc xung đột, việc giữ nguồn cung ổn định luôn là yếu tố quan trọng", một quan chức nước này cho biết.
Cầu viện châu Âu
Thất vọng trước quyết định của chính quyền Tổng thống Trump cắt giảm nhiều loại vũ khí quan trọng, Tổng thống Zelensky đã kêu gọi sự giúp đỡ lớn hơn từ châu Âu cho các kế hoạch sản xuất vũ khí của Ukraine.
Các nước châu Âu không có dây chuyền sản xuất, kho dự trữ quân sự hoặc công nghệ để bù lấp khoảng trống về vũ khí do Mỹ để lại, nhưng ông Zelensky đang hối thúc họ tham gia vào các dự án đầu tư chung đầy tham vọng.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov cho biết, Kiev đang xem xét dự thảo luật giúp các nhà sản xuất quốc phòng Ukraine mở rộng quy mô và hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, trong đó có việc xây dựng các cơ sở mới trong và ngoài nước. Dự luật sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại Quốc hội Ukraine vào cuối tháng 7/2025.
Tháng 6 vừa qua, Tổng thống Zelensky cho biết các khoản đầu tư lớn sẽ dành cho sản xuất máy bay không người lái và đạn pháo. Theo ông, năm nay, Kiev đã nhận được sự hỗ trợ lớn nhất từ các đối tác kể từ khi xung đột nổ ra. Lần đầu tiên kể từ tháng 6/2022, các nước châu Âu đã vượt qua Mỹ về tổng viện trợ quân sự dành cho Ukraine, với số tiền lên tới 72 tỷ euro (85 tỷ USD). Trong khi số tiền Mỹ viện trợ cho Kiev vào khoảng 65 tỷ euro (77 tỷ USD), Viện Kiel của Đức cho biết vào tháng 6/2025.
Dưới thời Tổng thống Trump, Mỹ không đưa ra bất cứ thông báo mới nào về viện trợ quân sự hoặc vũ khí cho Ukraine. Theo Viện Kiel của Đức, từ tháng 3 đến tháng 4/2025, Mỹ cũng không phân bổ bất kỳ khoản viện trợ mới nào.