Lá chắn nghĩa tình giữ chắc vùng biên

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, TP. Hà Tiên (Kiên Giang) 24/24 giờ trực bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia; phòng chống buôn lậu, xuất nhập cảnh trái phép… Công việc của các anh nhiều gian khó, không ít chuyện hiểm nguy.

Theo chân cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, chúng tôi đến gia đình bà Chao Thị Sỉu (59 tuổi), ngụ khu phố Thạch Động, phường Mỹ Đức, TP. Hà Tiên. Khu vực này có đông đồng bào Khmer sinh sống, nhà cửa phân bố ven tuyến đường dân sinh, cách biên giới Campuchia vài chục bước chân.

-Bà khỏe không?

-Khỏe chứ. Các anh đến có việc chi?

-Khỏe là mừng rồi. Chúng tôi đến thăm bà.

Trung tá Nguyễn Tấn Dương - Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên chào hỏi bà Sỉu bằng mấy câu tiếng Khmer. Hơn 20 năm công tác tại đây, vị trung tá cho biết vốn tiếng dân tộc của mình ở mức khá, có thể trao đổi với bà con mà không gặp khó khăn nào.

Trung tá Nguyễn Tấn Dương đến thăm gia đình bà Chao Thị Sỉu.

Trung tá Nguyễn Tấn Dương đến thăm gia đình bà Chao Thị Sỉu.

Bà Sỉu cười nói rằng Trung tá Dương là người quen “nhẵn mặt” với cư dân biên giới. Theo trí nhớ của bà, khi vị trung tá đến địa bàn này nhận công tác, con trai thứ ba của bà mới 10 tuổi, bây giờ đã 34.

Bà Sỉu là người gốc Campuchia, lấy chồng Việt, về sinh sống tại đây đã 40 năm. Nhà ven biên giới, gia đình bà thường xuyên có bộ đội ghé thăm, hoặc giúp đỡ khi cần. Hàng ngày, bà Sỉu làm ruộng, nuôi trâu, cuộc sống nhiều khi thiếu thốn nhưng không đến mức túng quẩn.

Bà Chao Thị Sỉu và cháu nội.

Bà Chao Thị Sỉu và cháu nội.

Bà Sỉu lạc quan, hay cười, nói rằng ở xứ sở này nếu chăm làm thì không đến mức đói kém. Bà hiện bằng lòng với cuộc sống hiện tại.

Gặp bà Thị Sãi (71 tuổi), cách nhà bà Sỉu vài trăm mét. Chiều muộn, bà cùng con gái, các cháu ngồi lặt rau dền, để sáng hôm sau đem rau ra chợ bán. Chị Siu Vinh (25 tuổi), cháu ngoại bà Sãi, cho biết gia đình bà ngoại, các dì sống quây quần tại đây hàng chục năm.

Bà Thị Sãi.

Bà Thị Sãi.

Mọi người trồng rau, nuôi trâu, làm ruộng sinh sống. “Chúng tôi mỗi người chỉ có trên dưới 2 công đất làm ruộng kết hợp làm vườn. Năng suất thấp vì nông dân ít khi bón phân hoặc phun thuốc, có bao nhiêu thu hoạch bấy nhiêu”, chị Vinh nói.

Theo Trung tá Dương, điều kiện gia đình bà Sỉu, bà Sãi khá giống với hàng chục hộ gia đình khác sống dọc tuyến đường biên giới. Dù cuộc sống có khó khăn nhưng mọi người vẫn lạc quan, chăm chỉ làm nông nghiệp, ý thức tuân thủ pháp luật khá tốt. Tình trạng buôn lậu hàng hóa hiếm khi xãy ra, hoặc nếu có vụ việc thì người dân địa phương ít khi vi phạm, hoặc vi phạm nhẹ.

“Chúng tôi quan tâm đến đời sống bà con, thường xuyên thăm hỏi, động viên, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Để mỗi người dân là một thành phần vững mạnh trong đời sống cộng đồng”, Trung tá Nguyễn Tấn Dương chia sẻ.

Cuối ngày trên tuyến đường biên giới, loạt xe cơ giới thảm nhựa đường đã ngừng hoạt động. Đường không có xe cộ, những người làm nông ra về đi bộ hàng đôi, hàng ba. Lớp khói bụi phát ra từ việc duy tu đường vẫn đủ làm mờ mắt trẻ con. Nhìn xa phía biên giới, một vài người dân đang dẫn trâu về chuồng trong ráng chiều, phía sau là những hàng cây thốt nốt xòe rộng tán lá.

Trung tá Dương nói vui rằng nếu tình cờ có thêm một tiếng chuông ngân, hoặc một điệu hò, câu ca nào đấy, thì có thể khung cảnh thanh bình này chắc hẳn sẽ không kém chất thơ, chất nhạc của bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào.

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, đội tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc trên tuyến biên giới TP Hà Tiên duy trì, chủ động thực hiện nhiệm vụ được giao.

-Tập hợp đội hình, chỉnh đốn hàng ngũ.

- Chào cột mốc!

Thiếu tá Nguyễn Văn Quang - Đội trưởng vũ trang, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên hô to hiệu lệnh, sau đó cùng các chiến sĩ khẩn trương thực hiện việc cảnh giới và kiểm tra cột mốc 314. Vị trí cột mốc này thuộc phường Mỹ Đức, phía bên kia là xã Xây Sọc Tây, huyện Kampong Trach, tỉnh Kampot (Campuchia).

Thiếu tá Nguyễn Văn Quang và binh nhất Đoàn Minh Sang - chiến sĩ Đội vũ trang tỉ mỉ quan sát, dùng hai bàn tay cẩn thận sờ kiểm tra từ trên chớp đỉnh cột mốc dần xuống thân mốc, kiểm tra Quốc huy, kiểm tra các góc cạnh, các phiến đá, các chữ…

Sau buổi kiểm tra, Thiếu tá Nguyễn Văn Quang thông qua biên bản kiểm tra cột mốc đảm bảo an toàn. “Với người lính, cột mốc chủ quyền là thiêng liêng, bất khả xâm phạm”, vị thiếu tá khẳng định.

Cột mốc 314 cao khoảng 2m, nằm trong khuôn viên có diện tích gần 400m². Cột mốc có hai mặt, thể hiện rõ chủ quyền hai nước bằng chữ Việt phía bên này và chữ Khmer phía bên kia.

“Tôi nghe kể trước đây, nơi này là rừng ngập mặn. Các lực lượng làm nhiệm vụ phân giới cắm mốc đã rất khó khăn, nỗ lực để xây dựng hoàn thành cột mốc 314 khang trang như bây giờ”, Thiếu tá Nguyễn Văn Quang nói.

12 năm trước, nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia (ngày 24-6-2012), cột mốc 314 được khánh thành long trọng, với sự chứng kiến, tham dự của lãnh đạo hai nước. Đây là biểu tượng của chủ quyền biên giới, của tình hữu nghị truyền thống lâu đời của nước ta với nước bạn láng giềng.

Cột mốc 314 có vị trí khá đặc biệt khi nó là điểm cơ sở xuất phát trong việc chuyển vẽ biên giới đường biển hai nước Việt Nam - Campuchia. Chạm vào cột mốc 314 cũng là chạm vào điểm cận biên cực Nam của đất nước, nên không riêng gì người lính, ai là người dân Việt khi đến đây cũng dễ có cảm giác xúc động, tự hào.

TP. Hà Tiên có tuyến biên giới giáp Campuchia với hơn 14km đường biên giới đất liền và 21,5km bờ biển. Ngoài cột mốc 314 (cột mốc chính), tuyến biên giới trên đất liền còn có 8 cột mốc chính (khác), 32 cột mốc phụ và 2 cọc dấu.

Trên chiếc xe bán tải, chúng tôi cùng Trung tá Nguyễn Tấn Dương - Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên đi dọc tuyến biên giới Hà Tiên, giáp nước bạn Campuchia. Theo vị trung tá, cung đường này đã bớt gồ ghề sau nhiều năm được xây dựng, nâng cấp.

Trung tá Nguyễn Tấn Dương trên con đường dân sinh ven biên giới Hà Tiên.

Trung tá Nguyễn Tấn Dương trên con đường dân sinh ven biên giới Hà Tiên.

“Việc tuần tra chống buôn lậu hiện nay bớt vất vả hơn vì đã có đường ôtô. Nhiều năm trước, chúng tôi phải băng đồng nước, vượt rừng, lội sình để bảo vệ cột mốc, phòng chống buôn lậu”, Trung tá Nguyễn Tấn Dương nói.

Tuy nhiên do là đường biên giới dài, nhiều đoạn thực vật phủ chằng chịt, Trung tá Nguyễn Tấn Dương nhớ lại không ít lần các đối tượng buôn lậu (chủ yếu là thuốc lá) vượt biên trong đêm tối, gây khó khăn cho lực lượng làm nhiệm vụ.

Hơn 2 giờ sáng 29-8-2023, tại khu vực biên giới tổ 10, khu phố Xà Xía, phường Mỹ Đức, Thiếu tá Đinh Văn Huấn - chốt trưởng chốt 42 (Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên) trực tiếp tham gia vào vụ việc truy bắt nhóm người vận chuyển thuốc lá lậu qua biên giới.

“Sau khi nắm rõ tình hình, chúng tôi bố trí lực lượng mật phục, đón đầu các đối tượng. Khi phát hiện lực lượng làm nhiệm vụ, các đối tượng tháo chạy, có biểu hiện phản ứng nguy hiểm, nhưng cuối cùng chúng tôi đã làm chủ tình hình. Tang vật là thuốc lá lậu số lượng lớn, 2 đối tượng đã bị truy tố”, Thiếu tá Đinh Văn Huấn kể.

Binh nhất Danh Trí Khang (20 tuổi) - chiến sĩ chốt 14 (Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên) từng trực tiếp tham gia bắt đối tượng buôn lậu thuốc lá. “Được chỉ huy giao nhiệm vụ, tôi nằm mật phục trong đám cỏ gần một tiếng đồng hồ. Dù nhiều muỗi, tôi vẫn cố nằm im trong đêm tối để không bị đối tượng phát hiện. Khi chỉ huy hô “bắt”, tôi và đồng đội tiến đến vây bắt hai đối tượng cùng tang vật”, Khang kể.

Một vụ việc xảy ra vào ngày 5-1-2024 được đại diện Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên thuật lại: Tại cầu cảng số 3, bến tàu khách TP. Hà Tiên, tổ công tác Trạm Kiểm soát Biên phòng Pháo Đài phát hiện 1 đối tượng có nhiều biểu hiện nghi vấn, xách theo 2 thùng catton màu nâu, đang làm thủ tục lên tàu khách đi TP. Phú Quốc (Kiên Giang). Bằng nghiệp vụ, cán bộ, chiến sĩ đã tiếp cận để đưa người cùng tang vật là 390 bao thuốc lá lậu về đơn vị để xác minh, giao công an xử lý.

Chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên tuần tra dọc tuyến biên giới.

Chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên tuần tra dọc tuyến biên giới.

Trong suốt cuộc trò chuyện, những cán bộ, chiến sĩ quân hàm xanh như Trung tá Dương, Thiếu tá Huấn, hay Binh nhất Khang thỉnh thoảng nhắc đến những đối tượng buôn lậu manh động, có phản ứng nguy hiểm, từng khiến cán bộ, chiến sĩ bị thương. Theo các anh, đó là những nốt trầm không đáng nhắc trên con đường phụng sự tổ quốc, bảo vệ bình yên cho nhân dân.

Thực trạng buôn lậu còn diễn biến phức tạp cũng là lý do để Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên vẫn duy trì 17 chốt quản lý trên toàn cung đường biên giới bộ, dài hơn 14km. Đây là những điểm chốt trưng dụng được xây dựng từ năm 2020, khi TP. Hà Tiên gồng mình lập chốt, chống dịch COVID-19.

“Dọc tuyến biên giới này, các điểm chốt và nhà dân đan xen nhau. Cán bộ, chiến sĩ biên phòng với dân là hàng xóm, bầu bạn. Hoạt động nghiệp vụ bảo vệ an ninh vùng biên được thực hiện 24/24 giờ, cũng đan xen với lao động, sản xuất của bà con”, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên Nguyễn Tấn Dương, chia sẻ.

Chốt 14 thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên.

Chốt 14 thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên.

Tại đây, ngoài lực lượng tuần tra của Đội vũ trang, thì các trạm, chốt biên phòng thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên cũng tổ chức tuần tra thâu đêm. Nhiệm vụ chính của các lực lượng là tuần tra bảo vệ cột mốc, kết hợp tuần tra chống các loại tội phạm trên biên giới, trong đó có tội phạm buôn lậu.

Chốt 14 đóng tại địa bàn khu phố Thạch Động, phường Mỹ Đức là điểm trọng yếu phòng, chống buôn lậu nên lực lượng được tăng cường gấp đôi nơi khác.

Trời nhá nhem tối, cán bộ, chiến sĩ quây quần với nhau bên mâm cơm được kê ngay giữa cung đường biên giới. Thời điểm này rất ít xe cộ của người dân qua lại. Bữa cơm đam bạc diễn ra chóng vánh khoảng 15 phút, sau đó mọi người bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ được giao.

Chiến sĩ chốt 14 tranh thủ dùng cơm trong giờ trực.

Chiến sĩ chốt 14 tranh thủ dùng cơm trong giờ trực.

Thượng úy Đỗ Văn Cường - Trạm trưởng Trạm Biên phòng Sa Kỳ chạy xe gắn máy nắm tình hình trên tuyến biên giới. “Anh em ở trạm chủ yếu có gia đình, rất dễ nhớ nhà khi xuân về. Dù là vậy, mọi người luôn vững tư tưởng, chấp hành nghiêm chỉ đạo của cấp trên, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Có việc gì khó khăn, anh em chúng tôi sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ nhau như người một nhà”, Thượng úy Cường nói.

Chiến sĩ chốt 14 trang trí nhà làm việc trong những ngày giáp Tết.

Chiến sĩ chốt 14 trang trí nhà làm việc trong những ngày giáp Tết.

Binh nhất Ngô Quang Duy với chiếc đèn pin trên tay, liên tục pha đèn về hướng đường biên. Dù mới nhập ngũ một năm, nhưng Duy đã một lần tham gia cùng đơn vị bắt buôn lậu thuốc lá ở khu vực gần cột mốc 314. Đây sẽ là cái tết đầu tiên Duy xa nhà, đón năm mới trong quân ngũ. “Tôi cố gắng làm tốt để giữ bình yên cho bà con nhân dân vui xuân đón tết”, Duy nói.

Càng về tối, việc tuần tra canh gác, kiểm soát cung đường biên giới càng được thực hiện nghiêm. Người và phương tiện đi lại trên tuyến đường dọc biên đều được lực lượng cán bộ, chiến sĩ đón lại để kiểm tra.

Tại một số thời điểm, cán bộ, chiến sĩ chốt 14 dẫn cảnh khuyển nghiệp vụ tuần tra, giám sát. Những ngày giáp tết này, người lính quân hàm xanh được quán triệt tình trạng buôn lậu có phần diễn biến phức tạp hơn ngày thường, nên không thể lơ là.

HOÀNG GIÁM - THU OANH

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/phong-su-ghi-chep/la-chan-nghia-tinh-giu-chac-vung-bien-18914.html