'Lá chắn' trong công tác phòng, chống dịch Covid-19
Trong các văn bản chỉ đạo của Trung ương về phòng, chống dịch Covid-19, ý thức của người dân trong thực hiện nhiệm vụ trọng tâm này luôn được coi trọng.
Việc mỗi người dân nâng cao ý thức tự giác chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của ngành y tế, trong đó thực hiện nghiêm quy định 5K (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tập trung - khai báo y tế) được xem là ưu tiên hàng đầu. Đây là biện pháp dễ thực hiện, không tốn kém và được coi là tấm chắn quan trọng hàng đầu trong bối cảnh vaccine còn khan hiếm ở nước ta.
Từ thực tiễn biến động
Dường như ai cũng hiểu những tác động to lớn của Covid-19 đến mọi mặt của đời sống người dân ra sao. Hơn một năm rưỡi chống chọi với đại dịch, mọi cá nhân đều đã ít nhiều “ngấm đòn” ảnh hưởng của dịch bệnh trên phương diện đời sống, kinh tế...
Dễ nhận thấy trong các câu chuyện hằng ngày, người thì phàn nàn về công việc kinh doanh đình trệ, người thì “đau đầu” vì con cái không được đi học do trường đóng cửa, người thì mất việc vì công ty cắt giảm nhân công…
Ngày 18/7, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ra Công điện số 15/CĐ-UBND, yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động, mua lương thực, thực phẩm, thuốc men và các trường hợp khẩn cấp khác như cấp cứu, khám chữa bệnh, thiên tai, hỏa hoạn… Người dân Thủ đô được yêu cầu thực hiện nghiêm 5K, giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tụ tập quá 5 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện...
Thực tế, dịch bệnh khiến sức chống chọi của các doanh nghiệp từ quy mô lớn đến hộ cá nhân nhỏ lẻ đều suy giảm, thậm chí lao đao, phá sản. Chỉ tính 5 tháng đầu năm 2021 đã có gần 60.000 doanh nghiệp trên cả nước phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động, hoặc giải thể, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020.
Báo cáo về tình hình lao động việc làm quý II và 6 tháng đầu năm 2021 của Tổng cục Thống kê cho biết cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch.
Với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau” trong đại dịch, mới đây, ngày 1/7, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó có khoản trợ cấp 26.000 tỷ.
Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp nhưng Chính phủ đã đưa ra các gói hỗ trợ đầy tính nhân văn nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động.
Đến hành vi tuân thủ quy định
Trong khi các ban ngành liên quan đang căng mình chống dịch, duy trì phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống dân sinh thì đâu đó vẫn còn nhiều người dân chưa phát huy được tinh thần trách nhiệm, ý thức chung tay phòng, chống dịch bệnh.
Hai ngày sau khi Thành phố Hà Nội ra Công điện 15 yêu cầu người dân ở tại nhà, tình trạng một số người ra đường khi không có việc cần thiết vẫn phổ biến. Vào thời gian sáng và chiều các ngày 19/7 và 20/7, khu vực xung quanh Hồ Tây, Hồ Gươm, Công viên Thống nhất… người dân vẫn đi bộ, tập thể dục, túm tụm chuyện trò, đeo khẩu trang không đúng quy cách.
Tình trạng người dân chen chúc mua bán ở các hàng bán rau, thực phẩm vẫn diễn ra phổ biến. Ở một số con hẻm nhỏ, người dân bắc ghế ngồi nói chuyện, bàn tán về tình hình dịch ở miền Nam nghiêm trọng ra sao, dịch bệnh thế giới như thế nào.
Ngày 5/2, Sở Tư pháp Hà Nội đã công bố mức xử phạt đối với 15 hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid-19, trong đó mức phạt cao nhất lên đến 200 triệu đồng và có thể bị xử lý hình sự với mức phạt tù tối đa đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Không rõ do những người này không nắm được quy định giữ khoảng cách tối thiểu 2m hay họ nghĩ con virus sẽ không “sờ” đến mình!
Điều đáng nói ở đây là một số người dân vẫn có tâm lý đối phó với người thi hành công vụ. Nhiều người khi thấy bóng công an, dân phòng lại vội vàng đeo khẩu trang hoặc lảng ra chỗ khác.
Nhiều người vẫn cố tình phớt lờ các biển hiệu cấm tụ tập đông người, cấm tập thể dục nơi công cộng.
Nghĩ về trách nhiệm công dân
Câu chuyện về các nhân viên y tế tất bật quanh bệnh nhân trong khu hồi sức tích cực ở các bệnh viện điều trị Covid-19; rồi hình ảnh lực lượng tuyến đầu chống dịch đang ngày đêm vượt qua mọi gian khó, vất vả, hy sinh những lợi ích riêng tư đế giúp sức vùng tâm dịch vượt qua giai đoạn đầy thử thách… là những thức phim đẹp và xúc động.
Từ việc nhận thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh, mỗi người dân, mỗi gia đình cần xác định mình cũng chính là một pháo đài chống dịch, chung sức cùng trận tuyến chung của cả nước bằng việc tự giác hạn chế ra ngoài, tự bảo vệ bản thân, gia đình, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Các quy định về phòng, chống dịch có thể gây cho chúng ta một số bất tiện, khó khăn hơn so với điều kiện khi chưa có dịch, nhưng để tiến tới thích ứng, “sống chung với dịch bệnh” và hướng đến tình trạng bình thường mới, mỗi người dân cần chấp nhận những hy sinh nhất định, vì lợi ích của chính bản thân và của cả cộng đồng.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/la-chan-trong-cong-tac-phong-chong-dich-covid-19-151994.html