Lá gan của người lạ cứu nữ bệnh nhân 'chỉ còn sống 24-48 tiếng'
Khoảng 1 tuần sau khi được chuyển phôi làm IVF, người phụ nữ 46 tuổi (Hà Nội) rơi vào tình trạng hôn mê sâu, suy đa tạng do suy gan tối cấp.
Ngày 7/5, PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), cho biết, lần đầu tiên ca ghép gan cho người bệnh nữ T.T.H 46 tuổi, hôn mê gan sau khi bị suy gan cấp do viêm gan B không được kiểm soát thành công.
Nữ bệnh nhân bị sứt môi, hở hàm ếch bẩm sinh, từng lên bàn mổ nhiều lần. Chị H. tiền sử vô sinh hiếm muộn, đặt phôi 3 lần nhưng đều thất bại. Ngày 14/4, chị được chuyển phôi lần thứ 4, phải dùng nhiều thuốc hỗ trợ phôi, giảm co bóp tử cung.
Tuy nhiên, chị thấy mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, một ngày sau còn nói năng không kiểm soát, kích động. Chị đến khám tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương thì phát hiện men gan tăng cao, không có thai trong buồng tử cung nên được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.
Chỉ vài tiếng sau, bệnh nhân được chẩn đoán suy gan cấp, tình trạng vàng da tăng dần, chức năng gan và tri giác giảm, sốt cao, được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chẩn đoán suy gan cấp - bệnh não gan độ 3, trên nền viêm gan B và có chỉ định phẫu thuật ghép gan toàn bộ.
Chồng bệnh nhân sẵn sàng hiến gan để ghép cho vợ nhưng cả hai lại không hòa hợp nhóm máu. Khi đang ở lằn ranh sinh tử chiến đấu với bệnh suy gan giai đoạn cuối, tưởng chừng hy vọng không còn, thì phép màu đến với chị - có lá gan phù hợp với chị từ người cho chết não. Với ca ghép này, các bác sĩ cũng thực hiện ca ghép tim, ghép thận.
TS.BS Dương Đức Hùng - Chủ tịch Hội đồng khoa học, giám đốc bệnh viện tổ chức họp hội đồng chuyên môn. Các bác sĩ đặt ra băn khoăn khi bệnh nhân có nhiều yếu tố tiên lượng nặng, suy gan tối cấp, hoại tử trên 80% nhu mô, suy đa tạng, tổn thương phổi nặng. Trong khi đó, danh sách chờ ghép của bệnh viện có tới 30 người đang chờ. Ghép cho bệnh nhân này thì bệnh nhân khác mất cơ hội.
"Nếu không ghép gan cấp cứu thì khả năng tử vong của người bệnh rất nhanh, sự sống chỉ còn khoảng 24 giờ đến 48 giờ”, bác sĩ Dương Đức Hùng nói.
Sau nhiều đắn đo, biết xác suất thành công khi ghép gan cho bệnh nhân không cao, nhưng các y bác sĩ vẫn quyết định ghép gan cho chị H. Đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Việt Đức cố gắng áp dụng những kỹ thuật tiên tiến nhất, chiến đấu từng phút giây trong phòng mổ để cứu sống bệnh nhân bằng mọi giá.
PGS.TS Lưu Quang Thùy, Trung tâm gây mê và hồi sức ngoại khoa, cho biết ca ghép kéo dài 9 tiếng, quá trình ghép diễn ra khá thuận lợi dù bệnh nhân bị rối loạn đông máu nặng nề. Đến ngày thứ 14, các xét nghiệm của bệnh nhân gần như về giới hạn bình thường, tổn thương phổi phục hồi. Bệnh nhân tỉnh táo, có thể ngồi dậy, tự ăn uống được, có thể xuất viện trong vài ngày tới.
TS.BS Dương Đức Hùng, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết, đây là trường hợp ngoạn mục. Lần đầu tiên hệ thống y tế Việt Nam thực hiện ghép gan cho bệnh nhân hôn mê do gan hỏng, suy gan tối cấp.
Sau 14 ngày, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, có thể nói, gan mới đã thay thế được gan hỏng của bệnh nhân. Quyết định táo bạo nhưng có cơ sở khoa học, không duy ý chí của tập thể chuyên gia bệnh viện là hoàn toàn chính xác.
Tại Việt Nam hiện hàng chục nghìn người vẫn đang giành giật sự sống từng ngày để chờ đợi được ghép gan, thận, tim, những ca ghép mô, tạng từ người chết não, ngừng tim, hiến tạng thời gian qua đã mở ra một hướng đi đúng đắn, đem lại sự sống cho nhiều cuộc đời mới, đồng thời việc hiến tặng mô, tạng cứu người là một nghĩa cử cao đẹp, một biểu tượng của lòng nhân ái trong cộng đồng.
Ông Hùng đánh giá, việc thực hiện thành công ca ghép gan cho người bệnh suy gan tối cấp từ người cho chết não mở ra cơ hội có cuộc đời mới cho nhiều bệnh nhân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển ghép tạng của ngành Y tế Việt Nam nói chung và tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nói riêng.