La Gi: Chuẩn bị Lễ hội Dinh Thầy Thím năm 2024
Lễ hội Dinh Thầy Thím sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 16 - 18/10/2024 (nhằm ngày 14, 15 và 16/9 âm lịch), với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hấp dẫn. Nhằm chuẩn bị chu đáo cho lễ hội, ngay từ đầu tháng 8, UBND thị xã La Gi đã ban hành kế hoạch triển khai các công việc để phục vụ người dân và du khách.
Lễ hội Văn hóa – Du lịch Dinh Thầy Thím thị xã La Gi năm 2024 được tổ chức tại xã Tân Tiến. Theo kế hoạch, từ 5 giờ sáng ngày 16/10/2024 sẽ diễn ra lễ nghinh thần, rước sắc phong và bằng công nhận di tích. Liền sau đó là các hoạt động như lễ nhập điện an vị, khai mạc lễ hội dâng hương tưởng nhớ Thầy Thím… Đan xen giữa phần lễ là các nội dung của phần hội với những nội dung, trò chơi ý nghĩa, sôi nổi đậm chất miền biển. Đó là Giải đua xe đạp mở rộng thị xã La Gi 2024 và Giải Việt dã diễn ra ngày 6/10 và 13/10; tham quan triển lãm mô hình sự tích Thầy Thím, biểu diễn Lân- Sư - Rồng, trò chơi giải cờ tướng, làm bánh, hội thi chim hót, kéo co, thi đua thu hoạch thanh long, bịt mắt bắt vịt, bịt mắt đập niêu đất tại khuôn viên Dinh Thầy Thím. Còn tại bãi biển Tam Tân sẽ diễn ra trò chơi khiêng thúng ra khơi, gánh cá, đan lưới.
Lễ hội Dinh Thầy Thím là 1 trong 5 lễ hội văn hóa tiêu biểu được tỉnh Bình Thuận chọn phục vụ phát triển du lịch của địa phương. Năm 1997, Dinh Thầy Thím được công nhận Di tích cấp quốc gia và đến năm 2022, Lễ hội Văn hóa – Du lịch Dinh Thầy Thím được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Vì thế, theo bà Đặng Thị Hồng Lâm – Phó Chủ tịch UBND thị xã La Gi, Trưởng Ban tổ chức lễ hội: Lễ hội Văn hóa – Du lịch Dinh Thầy Thím vẫn sẽ được gìn giữ, bảo tồn, duy trì đầy đủ cả về thời gian, không gian, trình tự, cách thức thực hành các nghi lễ tạo nên một không gian linh thiêng, cùng với các trò chơi dân gian theo tập tục có từ lâu đời của cộng đồng người dân địa phương. Trong đó, vào chiều ngày 16/10, tại lễ khai mạc lễ hội người dân và du khách sẽ được xem hoạt cảnh sân khấu hóa về sự tích Thầy Thím, nhằm ôn lại công đức của vị đạo sĩ giàu lòng nhân ái, có nhiều nghĩa cử cao đẹp, giúp dân đóng thuyền, bốc thuốc chữa bệnh, giúp dân chài trong sóng to gió lớn, cảm hóa được cả thú dữ… Từ đó hiểu hơn về giá trị di sản văn hóa, điểm du lịch tâm linh của tỉnh.
Trong kế hoạch chuẩn bị lễ hội, UBND thị xã giao nhiệm vụ cụ thể cho Ban quản lý di tích lịch sử văn hóa Dinh Thầy Thím cùng các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp công tác tuyên truyền quảng bá lễ hội. Đồng thời chuẩn bị các phương án dọn vệ sinh, thu gom rác khu vực Dinh và Mộ Thầy Thím; bảo đảm sơ cấp cứu, vệ sinh an toàn thực phẩm. Sắp xếp lại các hộ kinh doanh, bãi đậu xe trật tự, ngăn nắp, thông thoáng, có các bảng hướng dẫn tuyến xe ra vào, niêm yết giá. Thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng ăn xin, người buôn bán hàng rong, vé số đeo bám, chèo kéo du khách gây mất trật tự.
Ngoài ra, UBND thị xã yêu cầu xây dựng kế hoạch phân công bố trí lực lượng trực 24/24 bảo đảm tuyệt đối an toàn về an ninh trật tự trước, trong và sau lễ hội. Chủ động có biện pháp tích cực đấu tranh, phòng ngừa không để xảy ra trọng án hoặc phức tạp về trật tự xã hội, phòng chống cháy nổ, không để xảy ra ùn tắc giao thông trên các tuyến giao thông trên địa bàn thị xã. Sắp xếp chỗ ở cho du khách ở lại dinh, bảo đảm an ninh văn hóa trong suốt thời gian diễn ra lễ hội.