Là GV, tôi thấy thời gian tới quản lý dạy thêm, học thêm sẽ vẫn rất khó khăn

Dự thảo Thông tư còn cho phép phó hiệu trưởng, hiệu trưởng cũng có thể dạy thêm ngoài nhà trường thì trong trường ai sẽ quản lý, giám sát ai?

Thời gian vừa qua, câu chuyện dạy thêm, học thêm ở các cấp học gây nhiều bàn luận và cả nhức nhối. Theo khảo sát của người viết và chia sẻ từ đồng nghiệp, thông tin từ phụ huynh cho thấy, giáo viên chủ nhiệm ở tiểu học ở những nơi có điều kiện; giáo viên dạy các môn được xem là các môn chính, liên quan đến thi cử ở cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông mở lớp dạy thêm tại nhà là không hiếm.

Đặc biệt, những môn có liên quan đến thi tốt nghiệp trung học phổ thông và thi tuyển sinh 10 thì gần như địa bàn nào cũng có tình trạng dạy thêm, học thêm. Giáo viên không chỉ dạy thêm ở nhà mà họ còn dạy thêm tại nhà trường theo kế hoạch.

Vì thế, vòng xoáy học thêm ngày một nhiều và gần như đã được mặc định với phần nhiều học sinh hiện nay. Trong khi đó, dự thảo Thông tư về dạy thêm, học thêm mà Bộ lấy ý kiến thời gian qua không chủ trương cấm dạy thêm, học thêm. Vì thế, nó gây rất nhiều trăn trở.

 Ảnh minh họa: Việt Dũng

Ảnh minh họa: Việt Dũng

Giáo viên mở lớp dạy thêm không phải vì thu nhập thấp

Sau nhiều lần nhà nước cải cách tiền lương, nhìn tổng thể về thu nhập của giáo viên hiện nay, nhất là giáo viên trẻ (dưới 10 năm công tác) vẫn còn khá thấp so với giá cả sinh hoạt tại các đô thị.

Tuy nhiên, phải thẳng thắn rằng một bộ phận giáo viên hiện nay không nghèo, nói đúng ra là họ có thu nhập rất tốt từ tiền dạy thêm hàng tháng.

Những giáo viên một số môn học ở những khu vực có điều kiện kinh tế, nhất là khu vực thành thị, tiền dạy thêm của họ hơn nhiều lần lương chính dạy ở trường. Từ khoản tiền dạy thêm, cộng với lương chính hàng tháng nên nhiều thầy cô giáo có thu nhập tương đối cao.

Nếu so sánh với mức thu nhập này với thu nhập bình quân của công chức, viên chức hiện nay là khá hấp dẫn.

Bởi lẽ, theo định mức giảng dạy hiện nay (trừ giáo viên chủ nhiệm ở cấp tiểu học dạy 1 lớp), mỗi thầy cô còn lại dạy ở các trường phổ thông đối với những môn có thể dạy thêm luôn được phân công dạy từ 4-6 lớp trở lên (tùy từng môn).

Những nơi có điều kiện, chỉ cần một nửa hoặc 1/3 số này tham gia học thêm cũng có thể có từ vài chục lên đến hàng trăm em theo học thường xuyên.

Tất nhiên, một khi càng nhiều học sinh theo học thì thu nhập hằng tháng của giáo viên dạy thêm càng cao lên. Trong khi, điều mà chúng ta dễ dàng nhìn thấy là các thầy cô dạy thêm tại nhà không phải chi cho bất kỳ khoản tiền nào, họ không phải chi cho quản lý, không phải đóng thuế nên làm được bao nhiêu sẽ hưởng bấy nhiêu.

Hơn nữa, nguồn học sinh hàng năm luôn ổn định và phí học thêm thì thường được nhích lên chứ không bao giờ hạ xuống và giáo viên dạy thêm nói bao nhiêu thì phụ huynh phải đóng bấy nhiêu.

Chính từ việc thầy cô dạy thêm có mức thu nhập ổn định, thường xuyên như vậy nên những giáo viên đang dạy thêm luôn duy trì lớp dạy thêm của mình ở nhà hoặc thuê một địa điểm gần trường.

Trong khi, tình trạng dạy thêm cho học sinh chính khóa khó có thể cấm được vì thực tế hiện nay nhà trường không thể giám sát, quản lí hết được.

Hơn nữa, văn bản hướng dẫn dạy thêm đang có hiệu lực của Bộ cũng chỉ cấm giáo viên dạy thêm các môn văn hóa ở cấp tiểu học và không dạy thêm cho học sinh chính khóa ngoài nhà trường khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.

Như vậy, ở bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo viên đều có thể dạy thêm trong trường và ngoài nhà trường nếu đúng quy định. Nhưng, ranh giới giữa đúng quy định và không đúng quy định là rất mỏng manh.

Học sinh đi học thêm có nhiều lý do và dạy thêm thì còn nhiều lý do hơn nữa. Nhưng, suy cho cùng cả người dạy thêm và học sinh học thêm đều đang có lợi ích riêng. Giáo viên dạy thêm có thêm thu nhập ổn định hằng tháng, học sinh đi học thêm được “cải thiện” điểm số.

Tình trạng dạy thêm, học thêm sẽ còn phức tạp

Bệnh thành tích của nhà trường vẫn được duy trì khi các chỉ tiêu học lực tốt (giỏi) vẫn luôn phải thực hiện “bằng, hoặc cao hơn năm trước”. Phụ huynh cũng luôn trăn trở con em mình không đạt được thành tích cao, lo con mình gặp khó khăn trên lớp, lo con mình không đậu khi thi chuyển cấp…

Trong vô vàn nỗi lo, việc phụ huynh cho con đi học thêm cũng là một điều dễ hiểu. Chính vì thế, chi phí học tập của học sinh mà phụ huynh đang đầu tư hiện nay là rất lớn. Cho dù, tiền học phí, tiền sách vở, tiền sinh hoạt ở trường của học sinh hiện nay đã cao nhưng nếu so với tiền học thêm thì không đáng là bao.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, giải quyết bài toán dạy thêm, học thêm vẫn đang là vấn đề nan giải nên học sinh vẫn phải đi học thêm từ năm này sang năm khác một cách bình thường.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thay đổi chương trình 2006 bằng chương trình 2018 nhưng chương trình, sách giáo khoa mới vẫn còn nặng về kiến thức và có nhiều kiến thức mới, kiến thức tích hợp dẫn đến tình trạng quá tải cho nhiều em học sinh.

Số lượng bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ trên lớp của từng môn học theo hướng dẫn của Thông tư 22 (áp dụng chương trình 2018) tương đồng với Thông tư 26 (áp dụng chương trình 2006) có số lượng như nhau.

Kỳ thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp Trung học phổ thông vẫn còn nặng nề. Nhiều học sinh không có nhu cầu xét tuyển đại học vẫn phải tham gia dự thi như những thí sinh xét tuyển đại học và đương nhiên là phải học thêm cơ bản như nhau.

Ngày 22/8/2024 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đăng tải Dự thảo thông tư quy định về dạy thêm, học thêm, dự kiến thông tư này sẽ thay thế thông tư hiện hành quy định về dạy thêm, học thêm số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012.

Theo dự thảo Thông tư, các giáo viên sẽ được dạy thêm miễn sao đúng nguyên tắc dạy thêm, học thêm nhưng những quy định trong nguyên tắc còn khá chung chung. Chẳng hạn như: dạy thêm, học thêm chỉ được tổ chức khi học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được cha mẹ hoặc người giám hộ (sau đây gọi chung là cha mẹ học sinh) đồng ý;

Không cắt giảm nội dung chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường để đưa vào dạy thêm, học thêm; không dạy thêm trước các nội dung so với phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường; không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm, học thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh...

Hơn nữa, dự thảo Thông tư còn cho phép phó hiệu trưởng, hiệu trưởng cũng có thể dạy thêm ngoài nhà trường thì ai quản lý ai? Cấp sở, phòng giáo dục thì xa quá và họ còn quá nhiều việc phải làm, sao có thể giám sát được dạy thêm đang diễn ra hằng ngày ở một địa bàn rộng lớn.

Với tình hình thực tế dạy thêm, học thêm đang diễn ra như hiện nay và cả những nội dung trong Dự thảo thông tư quy định về dạy thêm, học thêm mà Bộ đã đăng tải ngày 22/8/2024 vừa qua, cho thấy việc quản lý dạy thêm, học thêm sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyên Khang

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/la-gv-toi-thay-thoi-gian-toi-quan-ly-day-them-hoc-them-se-van-rat-kho-khan-post247847.gd