Lạ lắm ngõ xóm Hà Hồi
Đây là một địa chỉ lắm đắn đo về cái tên ngay tại trung tâm Thủ đô. Xưa nơi đây được gọi là Xóm Hà Hồi (nay phường Trần Hưng Đạo-Hà Nội), lại có khi đóng biển Ngõ Hạ Hồi. Một thuở người ta đặt tên là Phố Xóm Hà Hồi. Cuối cùng chính thức là Ngõ Xóm Hà Hồi (2022). Diện tích xóm rộng chừng 3ha được chia bốn khu đất tạo nên có bốn ngõ đi vào từ các phố Trần Hưng Đạo, Quang Trung và Trần Quốc Toản.
Xóm chim sẻ
Vào thập niên 90 thế kỷ trước, tôi và nhà thơ Trần Ninh Hồ thường đến quán cà phê của nghệ sĩ Ánh Vân, ở gần đầu ngõ đi vào xóm từ số 68 phố Trần Hưng Đạo. Thời ấy có lẽ người đẹp Ánh Vân (Nhà hát Tuổi trẻ) là nghệ sĩ đầu tiên mở quán giải khát ở đây (số 8 Hà Hồi). Quán của chị là nơi hội tụ khá nhiều anh em văn nghệ sĩ.
Từ lâu xóm Hà Hồi còn được gọi là xóm chim sẻ. Xưa cây cối rậm rạp xanh mướt khắp xóm che lấp các khu vườn và hàng chục căn biệt thự xinh đẹp. Trên nóc các biệt thự nhiều tổ chim sẻ ríu rít suốt ngày đêm. Những chùm si đỏ au trên vòm cây cổ thụ là món ăn ngọt ngào cho lũ sâu non. Đàn chim sẻ cứ thế đua nhau kiếm mồi. Hễ cứ bước vào xóm là xôn xao tiếng sẻ bắt sâu chào đón. Người làm thơ đầu tiên về xóm này là cố thi sĩ Thi Nhị (phu quân của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn). Ông đã để lại những câu thơ thú vị: "Là xóm, lại không phải xóm đâu/ Giữa lòng Hà Nội, ngõ chim sâu/ Mấy khuôn vòm nhỏ êm như thể/ Lọc hết êm ru phố xá vào" (Xóm Hà Hồi).
Diện tích quán Ánh Vân nhỏ xinh nhưng phía trên sân thượng lại có khu vườn cây khá đẹp. Tôi nhớ nhạc sĩ Dương Thụ thường hay lên ngồi lắng nghe chim sẻ ríu rít đùa vui trên cây đa cổ thụ bên nhà đối diện. Hơn nữa nhiều gia đình còn nuôi những chú họa mi và chim yến hót rất kỳ thú. Tôi đồ rằng nhạc sĩ Dương Thụ đã lấy cảm hứng từ ngôi vườn cổ tích trên quán cà phê Ánh Vân để viết bài hát "Họa mi hót trong mưa".
Giai điệu và ca từ da diết trong tâm cảm yêu thương về một góc khuất của tình yêu. Cặp kính trầm lặng của Dương Thụ luôn ẩn chứa nỗi niềm sâu lắng: "Ôi trong mưa họa mi vẫn hót thật dịu dàng dịu dàng/ Trên môi tình yêu đã mất còn nồng nàn, nồng nàn". Tôi và nhà thơ Trần Ninh Hồ thường nhìn sang ngôi nhà có căn hộ của nhà thơ Thợ Rèn (Báo Văn nghệ) mỗi khi uống cà phê. Ngõ xóm Hà Hồi có tới hai ngã tư đường luôn lộng gió chạy từ hồ Thiền Quang và Bảy Mẫu tràn về.
Nghệ sĩ Ánh Vân kể, xưa xóm là một trại lính nhà Tây Sơn sau khi chiến thắng đầu tiên ở Hà Hồi (Thường Tín) rồi đánh thẳng vào thành Thăng Long. Những người dân ở xã Hà Hồi đã tụ về đây lập trại sau khi chiến thắng Đống Đa lịch sử. Khu xóm này được gọi là Hà Hồi từ đó. Khi giặc Pháp xâm lược chúng đã chiếm cứ xóm Hà Hồi dựng khá nhiều dinh thự cho quan chức ở. Đây là khu biệt thự ở giữa trại binh Đồn Thủy (đầu phố Trần Hưng Đạo) và ga Hàng cỏ (cuối phố Trần Hưng Đạo).
Sau giải phóng 1954, nhà nước ta quản lý hàng chục biệt thự ở đây và phân cho các cán bộ kháng chiến trở về. Hiện còn những ngôi biệt thự cổ đầu tiên được phân cho Bí thư thành ủy Nguyễn Lam. Hoặc vẫn còn đó ngôi nhà xinh đẹp của ông Trần Danh Tuyên. Hai ngôi nhà này đều theo ngõ từ số nhà 26 Quang Trung đi vào. Đầu ngõ từ phố Trần Quốc Toản (số nhà 68) hiện còn lưu dấu Nhà văn hóa và CLB của Công an. Đây cũng là nơi nhiều văn nghệ sĩ và báo chí ngành Công an tới sinh hoạt và đánh bóng bàn. Nay nghệ sĩ Ánh Vân đã lui về ở tại số nhà 25 trong Ngõ Xóm Hà Hồi. Chị cho biết Hà Hồi còn được mệnh danh là xóm cà phê vì có nhiều quán lớn, đẹp và rất sang trọng. Đặc biệt là quán cà phê sách nổi tiếng ở ngay đầu phố Quang Trung đi vào ngõ.
Xóm họa sĩ
Ngõ Xóm Hà Hồi còn ghi dấu ấn đặc biệt đối với người dân Thủ đô bởi các nhà số 4, số 6 và số 7 từ 20 Quang Trung đi vào. Đây là những ngôi biệt thự có nhiều hộ ở và tạo nên danh hiệu xóm họa sĩ. Đầu tiên giới văn học ai cũng biết gia đình nhà văn Kim Lân ở số 6. Mới đây tôi được anh Nguyễn Tiến Dũng, người con thứ năm của nhà văn Kim Lân cho biết gia đình anh có tới 5 năm họa sĩ. Họ đều là anh chị em của Dũng.
Đầu tiên phải kể đến họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, sau đó là họa sĩ Thành Chương và Nguyễn Mạnh Đức. Kế tiếp hai người em trai của anh Dũng cũng là họa sĩ có tài là Từ Ninh và Việt Tuấn. Hiện họa sĩ Việt Tuấn đang làm việc ở Báo Tiền Phong. Hầu như cả năm họa sĩ đều trưởng thành và lớn lên từ ngôi nhà này. Phải nói đây là ngôi nhà kỳ lạ nhất ở Hà Nội khi gia đình nhà văn Kim Lân có tới 5 người con đều trở thành họa sĩ tài năng. Riêng họa sĩ Thành Chương còn được xếp hạng đầu bảng trong giới hội họa nước nhà.
Nguyễn Tiến Dũng ra đời năm 1956 tại ngôi nhà này. Bảy người con của nhà văn Kim Lân đều học hành và lớn lên từ đây. Sau khi nhà văn Kim Lân mất (2007) cho tới hai năm sau Nguyễn Tiến Dũng mới rời đi. Vậy là gia đình nhà văn Kim Lân cùng các con ông đã ở ngôi nhà này hơn nửa thế kỷ. Nguyễn Tiến Dũng cho biết tại đây cha ông đã viết những tác phẩm "Nên vợ nên chồng" (1955); "Con chó xấu xí" (1962); Rồi "Hiệp sĩ gỗ", "Ông cả Ngũ" và Tuyển tập Kim Lân (vào các năm 1998 và 2003).
Ngôi biệt thự cổ số 6 vẫn nguyên dạng như cũ, không được phép sửa chữa, nhưng giờ đã có tới hơn chục hộ ở. Đường vào nhỏ đủ vừa một xe máy. Chính vì thế không thể làm nhà Lưu niệm cho nhà văn Kim Lân ở đây nên gia đình đành phải bán đi. Hiện ngôi nhà lưu niệm chính và đầy đủ nhất các di vật của nhà văn Kim Lân đã được xây ở quê ông, làng Phù Lưu, Từ Sơn, Bắc Ninh.
Nguyễn Tiến Dũng kể, ngôi nhà số 4 Ngõ Xóm Hà Hồi cũng nổi tiếng vì gắn liền với những tác phẩm của họa sĩ Dương Bích Liên. Chủ nhân là nhà sưu tập Nguyễn Hào Hải. Không biết duyên cớ gì mà nhà sưu tập này được quản lý toàn bộ gia tài hội họa của danh họa Dương Bích Liên sau khi ông mất. Ai cũng rõ họa sĩ Dương Bích Liên là một trong tứ đại danh họa của nước ta: "Nghiêm-Liên-Sáng-Phái". Một thời nhà sưu tầm này đã mở "Triển lãm" tranh Dương Bích Liên tại nhà mình trong hàng chục năm. Căn gác hai nhà số 4 Ngõ Xóm Hà Hồi trở thành địa chỉ văn hóa quen thuộc. Trong nhiều năm các họa sĩ luôn tới đây sinh hoạt, đàm đạo và thảo luận về những sự kiện hội họa ở Hà Nội.
Chưa hết, ngôi nhà số 7 gần đó nay đã thuộc về chủ mới là họa sĩ Lê Thanh Sơn. Căn biệt thự được bảo toàn nguyên vẹn với sự hiện diện những bức tranh gốm được gắn ở phía ngoài tường bao. Họa sĩ Lê Thanh Sơn nổi tiếng với những bức tranh thiên nhiên. Ngôi biệt thự số 7 ở ngay ngã tư đầu tiên của Ngõ Xóm Hà Hồi. Đối diện là căn biệt thự số 11 vẫn còn cây si cổ, nơi mà chúng tôi một thời lắng nghe lũ chim sẻ ríu rít với ly cà phê bốc khói.
Dấu bước chân người đẹp còn lưu
Tôi cùng Nguyễn Tiến Dũng thong thả dạo bước trên con ngõ đầy gió. Biết bao ký ức tràn về khi giàn hoa Antigone bừng nở. Bờ tường ngôi biệt thự đầu ngõ kéo dài tới hai mươi mét rực rỡ màu hồng. Bên cạnh đó là ngôi nhà của Đại tá Hà Văn Lâu nổi tiếng một thời. Cháu nội ông là hoa hậu Hà Kiều Anh đã cất tiếng khóc chào đời tại đây (1976).
Nguyễn Tiến Dũng vẫn còn nhớ hình ảnh bà Vương Kiều Oanh thường đẩy xe cho con đi dọc xóm Hà Hồi ngày nào. Vẫn còn đó những dấu chân xinh xinh của Hà Kiều Anh bước trên hè đường. Cô bé xinh đẹp ấy đã tới ngôi nhà số 6 chơi với đàn chim bồ câu trắng mổ thóc trên sân. Đây đó còn những ngôi nhà ám rêu và loang lổ vôi vữa nhưng ngõ xóm luôn chìm ngập trong sắc hoa màu hồng mỗi khi xuân về. Chúng tôi đi trong vòm hoa ấy và lắng nghe lời ca bay ra từ một ô cửa sổ màu xanh: "Tìm trên non ngàn một cành hoa khôi/ Nụ cười mong manh một hồn yếu đuối…" ("Đóa hoa vô thường" - Trịnh Công Sơn).
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/la-lam-ngo-xom-ha-hoi-i685379/