Lạ lùng hủ tục mai táng người chết kéo dài hàng năm trời
Trước khi mai táng, thi thể người qua đời phải được lưu giữ vài tháng thậm chí hàng năm trời trong phòng lạnh để chờ tập hợp đầy đủ thành viên trong dòng tộc.
Tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, việc mai táng người đã khuất diễn ra vô cùng nhanh chóng, tuy nhiên, tại Ghana - Châu Phi việc chôn cất người quá cố là một vấn đề vô cùng phức tạp, cần mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm trời.
Mặc cho chính quyền nơi đây đã nhiều lần lên tiếng, cố gắng nâng cao nhận thức người dân và xóa bỏ hủ tục rườm rà này nhưng đến thời điểm hiện tại, hủ tục này vẫn chưa được xóa bỏ. Người Ghana cho rằng, hủ tục này được lưu giữ từ nhiều đời nay và không có lý do gì để họ từ bỏ.
Được biết, tục lệ an táng kéo dài ở Ghana bắt nguồn từ chính quan niệm về gia đình ở các nước châu Phi. khi còn sống, mỗi người thuộc về gia đình nhỏ, gồm bố mẹ, anh chị em, con gái hoặc vợ chồng của họ. Tuy nhiên, khi chết đi, thi thể của họ thuộc về cả dòng tộc. Bởi vậy, khi chưa tập hợp đầy đủ thành viên trong dòng tộc, tang lễ chưa thể diễn ra.
Hầu hết những người qua đời ở Ghana đều phải trải qua thời gian đông lạnh từ 3 đến 6 tháng. Ảnh:OD
Hủ tục này được coi rất kỳ lạ bởi có những trường hợp, người đã khuất và người họ hàng xa có khi không gặp gỡ và nói chuyện hàng thập kỷ. Khi một người qua đời, cái chết của họ được thông tin tới tất cả họ hàng. Nhưng chỉ người thân được xem là ruột thịt mới có quyền quyết định tang lễ diễn ra thế nào. Và việc thông qua ý kiến của toàn bộ dòng tộc, đám tang mới tiến hành. Chính vì luật lệ hà khắc này mà người dân Ghana thường phải giữ xác chết trong nhà xác nhiều tháng trời, thậm chí là nhiều năm.
Bà Elizabeth Ohene - một chính trị gia người Ghana cho rằng, việc để thi thể người chết trong nhà xác hàng tháng trời là điều cần thay đổi. Bằng chứng của việc thay đổi này là bà đã thực hiện tang lễ cho người mẹ 90 tuổi của mình một cách nhanh chóng, và đến giờ người dân trong làng nơi bà sinh ra vẫn coi đó là một hành động thiếu tôn trọng với chính người mẹ của mình.
Mới đây không lâu, thông tin về một vị tù trưởng đã qua đời từ 6 năm trước, và thi thể của ông đến nay vẫn được đông lạnh ở nhà xác do chưa thể quyết định vấn đề tổ chức tang lễ. Tuy nhiên, vụ việc này không gây nhiều chú ý trong dư luận Ghana bởi tại quốc gia này, đây không phải trường hợp hiếm.
Người Ghana luôn chôn cất người đã khuất bằng những chiếc quan tài được trang trí rất cầu kỳ. Ảnh: BBC
Với muôn vàn lý do như viết cáo phó như thế nào cho đúng, cho hay, phải thiết kế quan tài quá cầu kỳ, chưa đồng thuận được việc hạ huyệt tại đâu, liệt kê danh sách những người đến viếng thậm chí xây lại nhà cửa của người đã khuất đàng hoàng khiến người chết cứ nằm mãi trong nhà xác mà không được chôn cất.
Sau quá trình nghiên cứu về hủ tục tang lễ tại đất nước mình, bà Ohene cho rằng, nguyên nhân chính do việc làm lạnh ở nhà xác. Theo lời bà này, trước kia, đất nước họ vẫn chôn người chết chỉ sau 2-3 ngày. Nhưng bây giờ có nhà xác giữ lạnh thi thể người chết, nên việc chôn cất có thể kéo dài hơn. Nếu không có nhà xác, người Ghana chắc chắn không thể giữ thi thể lâu đến vậy.
Được biết, Châu Phi là quốc gia nổi tiếng với những tục lệ mai táng “dị” nhất trên thế giới. Cụ thể, Trong tang lễ ở Kenya, một chú bò sẽ bị giết để làm “vật hiến tế” cho người đã mất. Ngoài ra, người ta sẽ dùng mỡ bò bôi khắp thi thể người quá cố như một cách bảo vệ thi thể. Hay như phong tục mai táng ở Ma-rốc, người quá cố sẽ được đem đi chôn cất trong vòng 12 giờ sau khi qua đời. Ngoài ra, chỉ có nam giới mới được phép dự đám tang của người đã khuất.
Đám tang ở Babongo cũng rất khác biệt so với những quốc gia khác ở Châu Phi. Cụ thể, thi thể người quá cố sẽ được đưa vào rừng trước khi đem đi chôn cất. Những người dự tang lễ sẽ bôi mặt trắng, đánh trống, hát, nhảy múa trong đám tang kéo dài ba ngày.