Lạ lùng làng tỷ phú với nghề 'mua của người chán, bán cho người cần'
Từ trung tâm huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc ngược lên phía bắc khoảng 4km là xã Tề Lỗ, nơi phát triển nghề 'một vốn bốn lời' giúp người dân có của ăn của để và giàu lên nhanh chóng.
Thu nhập trăm triệu nhờ "mổ xe"
Hơn 20 năm qua, xã Tề Lỗ (huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) đã trở thành một trong những “làng tỷ phú” nổi tiếng cả nước nhờ nghề độc đáo: “Mổ xe" - tức tháo dỡ, tái chế các phương tiện cơ giới từ ôtô, xe máy đến máy xúc, máy ủi, thậm chí cả máy bay cũ.

Hàng trăm linh kiện đang nằm ở công xưởng "mổ xe".
Vào những năm 1990, Tề Lỗ vốn là một vùng quê thuần nông, người dân chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ. Từ khoảng giữa thập niên 90, một số hộ dân tiên phong mua ô tô, xe máy, máy công trình cũ về tháo dỡ và bán phụ tùng.
Ban đầu chỉ là buôn bán sắt vụn, nhưng đến khoảng năm 2000, cả làng dần chuyển hẳn sang nghề "mổ xe" khi nhận thấy công việc này mang lại lợi nhuận cao. Nhờ hiệu quả kinh tế hấp dẫn, ngày càng nhiều người dân Tề Lỗ tham gia vào nghề khiến quy mô làng nghề mở rộng nhanh chóng.
Năm 2007, Tề Lỗ được chính quyền quy hoạch thành cụm làng nghề “mổ xe” tập trung, với diện tích ban đầu gần 20ha. Đây là một trong những cụm làng nghề phế liệu lớn nhất miền Bắc. Từ vài cơ sở nhỏ lẻ, làng nghề đã thu hút hàng trăm hộ tham gia.
Đến nay, cụm công nghiệp Tề Lỗ đã mở rộng lên 24,2ha, thu hút trên 560 hộ kinh doanh và khoảng 120 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực mua bán ô tô, máy móc cũ.
Sự hình thành làng nghề “mổ xe” không chỉ tạo nên một ngành sinh kế mới mà còn biến Tề Lỗ thành đại công trường cơ giới với hoạt động mua bán, tháo lắp xe cũ diễn ra tấp nập suốt ngày đêm.
Vừa "mổ" xong chiếc xe cũ nhãn hiệu FORD, anh Vũ Tuấn Dũng (SN 1999) - một chủ xưởng chuyên "mổ" xe con cho biết: "Tôi đã làm nghề từ năm 19 tuổi, tính ra cũng được 6-7 năm rồi. Công việc tuy vất vả nhưng thu nhập cũng cao.
Để học được nghề này, đòi hỏi sự tích lũy, kinh nghiệm và thời gian. Khâu quan trọng nhất là tìm kiếm nguồn hàng, bởi khi "mổ xe" không phải linh kiện nào cũng có thể tái sử dụng. Nếu nhập nguyên chiếc xe về chỉ để bán sắt vụn thì xưởng sẽ bị lỗ".

Anh Dũng cùng đội ngũ công nhân "mổ" chiếc xe bán tải.
Anh Dũng cũng cho biết, mỗi tháng trung bình xưởng của anh nhập khoảng trên 10 chiếc ô tô con các loại. Phụ tùng được anh thu thập chủ yếu gồm hộp số, động cơ, còn khung xe thường được xẻ ra để bán sắt vụn.
Dù chỉ là một xưởng nhỏ so với các xưởng mổ xe khác, tuy nhiên anh Dũng cho biết, có những tháng anh thu nhập tới cả trăm triệu đồng. Ở tuổi 26, đây là thu nhập mơ ước với nhiều người, nhưng chỉ là chuyện thường ngày ở làng nghề "mổ xe" Tề Lỗ.
Nghề "cha truyền - con nối"
Tại xã Tề Lỗ, 30 tuổi mới làm chủ xưởng hay giám đốc có thể được coi là đã già, bởi nhiều người trẻ đã là giám đốc ở tuổi đôi mươi. Hầu như các thanh niên trong làng sau khi tốt nghiệp cấp 3 đều bắt đầu đi học nghề và tiếp quản các xưởng gia đình đã làm từ thế hệ trước.
Chia sẻ với PV Báo Xây dựng, anh Kim Đình Văn (SN 1994) - một chủ xưởng chuyên nhập mô tơ cho biết: "Sau khi học hết cấp 3, tôi bắt đầu về nhà tiếp quản xưởng của bố mẹ.
Nghề "mổ xe" ở Tề Lỗ đã thành nghề "cha truyền - con nối", trước đây cha mẹ đã đi tìm kiếm nguồn hàng, đến nay nguồn hàng đã ổn định thì thanh niên chúng tôi học tháo ráp, sửa sang lại máy móc để bán lại cho người cần.
Kinh nghiệm thì có thể hỏi bố mẹ, những người trong gia đình đã từng làm nghề, hoặc cũng có thể hỏi hàng xóm, láng giềng, người dân cũng nhiệt tình giúp đỡ giúp cho kinh tế phát triển.
Nhà tôi chuyên tháo lắp các thiết bị mô tơ, ô tô được thu mua lại từ nhà máy. Cái nào còn sử dụng được thì "mông má" lại để bán. Thiết bị khi mua về, tháo ra thì dễ nhưng khó nhất là lắp vào do phải tìm các linh kiện phù hợp để ráp lại vì có nhiều mã máy khác nhau".

Anh Văn cho biết công đoạn khó nhất là lắp ráp lại chiếc mô-tơ đã được tháo rời.
Mỗi ngày tại Tề Lỗ có hàng trăm ô tô, xe máy, máy ủi, máy xúc… được đưa vào lò "mổ". Dọc trục QL2C đoạn qua xã Tề Lỗ, phụ kiện của ô tô, xe máy, máy xúc, máy ủi... nằm la liệt hai bên đường.
Trong làng cũng có nhiều tay buôn có kinh nghiệm, sở hữu các bãi mổ lớn với giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng. Mỗi bãi đều chứa hàng loạt thiết bị sắt thép tháo rời, được bố trí trên một bãi đất trống, sẵn sàng bán cho khách. Với những tay buôn có kinh nghiệm, chỉ cần vài giây là có thể định giá một chiếc xe với giá hợp lý.
Sự phát triển bùng nổ của nghề "mổ xe" đã đem lại giá trị kinh tế to lớn cho địa phương. Xã Tề Lỗ từ chỗ nghèo khó đã "thay da đổi thịt" nhờ ngành kinh doanh phế liệu và phụ tùng.
Đại diện UBND xã Tề Lỗ cho biết, toàn xã hiện có hơn 500 hộ kinh doanh trong lĩnh vực này, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động địa phương cũng như lao động từ nơi khác. Mức thu nhập bình quân của thợ làm trong các bãi "mổ xe" ước đạt 300.000-500.000 đồng/ngày, cao hơn nhiều so với làm nông nghiệp truyền thống.
Nhờ thu nhập cao vượt trội, đời sống người dân Tề Lỗ ngày càng sung túc, trong làng xuất hiện ngày càng nhiều đại gia, tỷ phú chân đất tuổi đời còn rất trẻ. Nhiều thanh niên giỏi nghề đã phất lên thành tỷ phú khi mới ngoài 20 - 30 tuổi. Thậm chí, có trường hợp mới 21 tuổi đã sở hữu khối tài sản gần 150 tỷ đồng nhờ mở bãi "mổ xe" riêng.
Việc mua sắm ôtô, xe sang đối với các chủ cơ sở thành đạt trở nên phổ biến; không ít gia đình đã xây biệt thự tiền tỷ ngay trên quê hương mình bằng nguồn lợi từ nghề này.
Dạo quanh Tề Lỗ ngày nay, dễ dàng bắt gặp những căn nhà cao tầng khang trang mọc lên san sát - hình ảnh hiếm thấy ở các vùng nông thôn trước đây.
Một số hình ảnh ở làng Tề Lỗ do PV Báo Xây dựng ghi nhận:

Thiết bị nằm la liệt chờ được bán.

Nhiều thiết bị công trình cũ được người dân sửa sang lại đem bán.

Thậm chí cả những chiếc máy cẩu cỡ lớn được nhập về.

Hàng trăm chiếc xe máy đang đợi vào "lò mổ".

Các bãi "mổ xe" ngổn ngang sắt, thép.