Lạ lùng lớp học trong quán rượu ở Trung Quốc
Các quán bar ở Trung Quốc đang trở thành nơi giao thoa giữa giải trí và tri thức, thu hút giới trẻ với khát khao học hỏi và kết nối.
Trước một quán bar nhỏ nằm sâu trong con hẻm ở Thượng Hải (Trung Quốc), hàng dài người xếp hàng dưới cái lạnh 0℃. Họ không đến để thưởng thức những ly rượu nóng, mà bị thu hút bởi buổi thuyết trình của một chuyên gia trong lĩnh vực xã hội học và y tế.
Nghe có vẻ lạ, nhưng những lớp học quán bar - được gọi là quán bar học thuật - ngày càng thịnh hành ở Trung Quốc, đặc biệt phổ biến trong giới trẻ thành thị háo hức được lắng nghe các học giả, chuyên gia hoặc chỉ đơn giản là những người có câu chuyện thú vị chia sẻ.
Những quán bar hiện đại đầu tiên xuất hiện ở Trung Quốc vào đầu thế kỷ 20, tập trung chủ yếu ở Thượng Hải và Quảng Châu, gần các đại sứ quán và những khu vực có người nước ngoài sinh sống.
Khách hàng chính của các quán bar khi đó là sinh viên quốc tế, nhân viên đại sứ quán và doanh nhân, nhưng cũng thu hút nhóm khách hàng đa dạng bao gồm các nhà thơ, nghệ sĩ và sinh viên đại học Trung Quốc quan tâm đến văn hóa châu Âu và Mỹ.
Đến những năm 1990, các quán bar - đặc biệt là câu lạc bộ đêm - bắt đầu nở rộ khắp cả nước, trở thành tụ điểm giải trí về đêm ở các thành phố Trung Quốc. Nhiều quán bar cũng trở thành nơi diễn ra các hoạt động bất hợp pháp.
Năm 2001, Trung Quốc thực hiện chiến dịch truy quét lớn đối với các quán bar và câu lạc bộ đêm, đẩy các hoạt động này ra khỏi trung tâm của đời sống.
“Đầu thập niên 2000, một số quán bar giống hệt những gì bạn thấy trên TV: đánh nhau, súng đạn, bất cứ thứ gì cũng có thể xảy ra”, một chủ quán bar chia sẻ Sixth Tone. “Văn hóa giải trí đã thay đổi đáng kể, và mọi thứ giờ đây không còn hỗn loạn như trước”.
Ban đầu, nhiều câu lạc bộ cố gắng thu hút khách hàng giàu có bằng việc trang trí quán theo phong cách cao cấp và trang bị hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại, nhắm đến phụ nữ và từ đó thu hút nam giới.
Các quán bar là nơi thể hiện sự độc lập, quyền tự chủ và khả năng kinh tế của phụ nữ, nhưng cũng gây ra những định kiến tiêu cực về những người thường xuyên đến quán bar và câu lạc bộ, liên quan đến tình dục, quyền lực ngầm và sự buông thả.
Tuy nhiên, nhu cầu thay đổi của giới trẻ buộc các quán bar không ngừng thay đổi, nhằm phục vụ nhóm khách hàng ngày càng đa dạng hơn.
Chẳng hạn sự nổi lên của các quán bar mang phong cách Trung Hoa, hưởng lợi từ xu hướng "guochao" (thường được hiểu là "mốt Trung Quốc"). Những quán bar này phát nhạc địa phương thay vì nhạc Âu Mỹ, đồng thời sử dụng các yếu tố văn hóa Trung Quốc như đèn lồng đỏ.
Các quán bar học thuật cũng là ví dụ. Người trẻ đến đây để thảo luận về triết học, văn học, lịch sử và chính trị, mang lại không gian mở và tự do để suy ngẫm sâu sắc và đối thoại.
Đây là không gian nằm giữa giải trí và học thuật, phản ánh nhu cầu của giới trẻ đô thị hiện nay: khao khát giao lưu xã hội chân thực, tìm kiếm sự thỏa mãn về học thức và ngày càng ưu tiên những trải nghiệm độc đáo.
Rượu và học thuật khó hòa hợp?
Quán bar học thuật đang thịnh hành ở Trung Quốc, nhưng vẫn còn phải xem liệu xu hướng này có thể duy trì được sự quan tâm của công chúng đủ lâu để mang lại lợi nhuận hay không. Điển hình như một số quán bar học thuật bị chỉ trích vì tạo ra cảm giác rằng những người đến đây thuộc về một tầng lớp "ưu tú" hay "cao siêu" hơn người khác. Trong khi những quán khác gặp khó khăn trong việc giữ chân khách hàng do chưa hiểu rõ định nghĩa “học thuật”.
Đối với các quán bar, phục vụ đối tượng học thuật rõ ràng vượt quá chuyên môn kinh doanh của họ và lượng khách lớn có thể vượt quá sức chứa. Đồng thời, các buổi thuyết trình thường kéo dài, trong khi bên tổ chức lớp học thường không yêu cầu khách sử dụng đồ uống hay đặt ra mức mua tối thiểu, điều này dẫn đến doanh thu thấp và vòng quay khách chậm.
Điều đó có nghĩa, các quán bar vẫn chưa rõ làm thế nào để biến những không gian công cộng tự do và đa dạng mà giới trẻ mong muốn thành một mô hình kinh doanh bền vững.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/la-lung-lop-hoc-trong-quan-ruou-o-trung-quoc-ar920810.html