Lạ lùng 'sáng kiến' điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ di tích lịch sử
Ngoài trường hợp của hộ ông Trịnh Đắc Chí, còn có 5 hộ dân khác và Trường mầm non La Phù cũng được UBND xã La Phù và UBND huyện Hoài Đức, Hà Nội làm thủ tục cấp 'sổ đỏ' ngay trên nền đất di tích lịch sử cấp quốc gia. Ngạc nhiên hơn, chính quyền ở đây đã từng có ý định đưa vị trí đất của các hộ này ra khỏi khuôn viên bảo vệ thuộc khu vực I của di tích.
Viết tiếp bài: “Lạ lùng việc cấp “sổ đỏ” cho dân trên đất di tích lịch sử cấp quốc gia”:
Nhiều hộ dân được xã, huyện cấp “sổ đỏ” trên đất di tích lịch sử?
Trong văn bản thời điểm tháng 6/2022 của ông Đỗ Đình Hồng, GĐ Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho thấy sự thật: “Đình - chùa La Phù, xã La Phù, huyện Hoài Đức đã xếp hạng di tích cấp Quốc gia tại Quyết định số 191-VH/QĐ ngày 22/3/1988 của Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch)”.
Ngoài hộ ông Trịnh Đắc Chí còn có thêm 5 hộ dân khác gồm: Trịnh Đắc Vỹ, Nguyễn Thế Cung, hộ ông Thắng Hồng, hộ ông Việt, hộ ông Đỗ Thiện Thưởng và trường mầm non La Phù cũng được UBND xã La Phù và UBND huyện Hoài Đức cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngay trên đất di di tích lịch sử cấp quốc gia là chùa La Phù hay còn gọi với tên gọi khác là chùa Trung Hưng.
Theo ông Đỗ Đình Hồng, căn cứ Biên bản và Bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích đình- chùa La Phù (lập ngày 04/12/1986) hiện lưu tại Cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch thì: “Việc những công trình trong khu vực này đã được cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân là không tuân thủ quy định tại Điều 32 Luật Di sản văn hóa và các quy định của TP về di sản văn hóa”.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, ngày 15/1/2019, ông Trịnh Đắc Chí được Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số hiệu CQ 152550 (được sang tên từ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông Trịnh Đắc Dung-bố đẻ ông Trịnh Đắc Chí do UBND huyện Hoài Đức cấp năm 2003).
Theo luật sư Nguyễn Văn Tuyến, Đoàn Luật sư TP Hà Nội: “Quá trình tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ bố Trịnh Đắc Dung sang tên con trai là Trịnh Đắc Chí nhưng Văn phòng Đăng kí đất đai TP Hà Nội không tiến hành thực hiện kiểm tra, đo đạc địa chính ngay tại khu đất là chưa đúng quy định tại mục a, khoản 3, Điều 75 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính Phủ. Nếu làm đúng trách nhiệm, chắc chắn Văn phòng đăng kí đất đai TP không để xảy ra lỗi trầm trọng khi để thêm một hộ dân là ông Chí đứng tên trên đất di tích lịch sử như hiện tại. Điều này cần GĐ Văn phòng đăng kí đất đai TP Hà Nội, Sở TN&MT cùng UBND TP Hà Nội vào cuộc làm rõ trách nhiệm của bộ phận liên quan”.
“Sáng kiến” lạ lùng
Như chúng tôi phản ánh ở các số báo trước, khi đã biết công trình của ông Chí đang trong khu vực I của di tích lịch sử cấp quốc gia thì các biện pháp ngăn chặn, xử lý vi phạm của UBND huyện Hoài Đức và UBND xã La Phù hết sức bị động. Ông Chí những ngày này vẫn tiếp tục hoàn thiện phần xây dựng trên mái tầng 3, thậm chí quây tôn cao tương đương một tầng nữa.
Thay vì xử lý hành vi vi phạm luật của ông Chí thì UBND xã La Phù lại tìm cách tháo gỡ bằng “sáng kiến” đưa hộ ông Chí và 5 hộ dân nói trên ra khỏi phạm vi của di tích lịch sử với tên gọi: “Điều chỉnh khoanh vùng di tích theo hiện trạng”. Làm việc với PV, bà Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND xa La Phù giải thích, việc điều chỉnh sẽ được tiến hành bằng cách đưa hồ trước cửa chùa không có trong diện tích được công nhận di tích vào khuôn viên di tích. Còn 6 hộ dân sẽ được đưa ra khỏi vùng I- vùng bảo vệ đặc biệt để chuyển thành vùng II di tích.
Năm 1986, để cho ra được Bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích lịch sử cụm đình-chùa La Phù cần sự thẩm định và kết luận của 5 đơn vị gồm: UBND xã La Phù, UBND huyện Hoài Đức, Sở Văn hóa-thông tin, UBND TP Hà Nội và Cục Di sản văn hóa thuộc Bộ Văn hóa- thể thao và du lịch. Tiếp đó mới được Bộ Văn hóa công nhận xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Nói thể để thấy rằng, ứng xử với di tích lịch sử không bao giờ đơn giản như cách nghĩ của lãnh đạo UBND xã La Phù. Tự ý thay đổi hiện trạng, làm biến dạng di tích là hành vi vi phạm Luật Di sản, các quy định và bộ luật liên quan khác.
Tuy nhiên, “sáng kiến” của UBND xã La Phù không khả thi, vì không được các thành viên Ban khánh tiết, đại diện các thôn và Nhân dân dân chấp thuận như báo cáo của UBND xã La Phù gửi tới UBND huyện Hoài Đức ngày 31/8/2022.
Ngạc nhiên hơn, nội dung báo cáo cho thấy, trước khi họp với các hộ dân về khoanh vùng di tích thì UBND xã La Phù tiến hành công việc nói trên là vì: “Thực hiện Văn bản số 217/VHTT ngày 15/7/2021 của Phòng Văn hóa-thông tin huyện Hoài Đức về việc thực hiện nội dung Thông báo Kết luận của đồng chí Nguyễn Trung Thuận - UVBTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện - về công trình xây dựng của hộ gia đình ông Trịnh Đắc Chí, xã La Phù với nội dung đề UBND xã La Phù tiến hành rà soát khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích; đề xuất phương án điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ di tích chùa Trung Hưng (chùa Cả) và đình La Phù…”.
Điều 32 Luật Di sản văn hóa quy định: “Các khu vực bảo vệ di tích bao gồm: Khu vực bảo vệ I phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Trường hợp đặc biệt có yêu cầu xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, việc xây dựng phải được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền xếp hạng di tích đó...”.