La O Luận vì cộng đồng
Không chỉ truyền lửa cho thế hệ trẻ lưu giữ, biết cách biểu diễn các loại nhạc cụ dân tộc, ông La O Luận ở thôn Suối Cối 2, xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân còn là người tích cực trong việc ngăn chặn các tệ nạn, hủ tục không còn phù hợp của buôn làng, được mọi người biết đến và quý trọng.
Với sự hiểu biết về phong tục tập quán của đồng bào mình và khả năng thuyết phục khéo léo, ông Luận đã trở thành tấm gương cho thanh thiếu niên trong thôn.
Truyền lửa văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ
Trong bối cảnh hội nhập và phát triển hiện nay, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là một nhiệm vụ quan trọng, nhất là nghệ thuật trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm của đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, những người được xem như “ngọn lửa sống” giúp giới trẻ thấu hiểu, tự hào và duy trì giá trị truyền thống của dân tộc mình như ông La O Luận hiện không còn nhiều thì giá trị của loại hình nghệ thuật này càng phải được cả cộng đồng chung tay giữ gìn.
Ông Luận bộc bạch: “Việc lưu giữ các loại nhạc cụ dân tộc đã khó nhưng việc tìm được những người thích thú để truyền dạy còn khó hơn. Vì giới trẻ ngày nay ít người mặn mà”. Ông Luận rất lo lắng nếu như mỗi mùa rẫy trôi qua mà không truyền dạy được một thanh niên nào biết đánh trống hay gõ chiêng. Ngày trước dù rất khó khăn, việc ruộng rẫy bận bịu và chăm lo cho 5 đứa con nhưng có dịp là ông theo các già làng luyện tập gõ chiêng. “Tôi tập chừng nào cho được mới thôi, còn bây giờ lớp trẻ không như mình. Chúng có quá nhiều sự lựa chọn nên phải từ từ nói chuyện, lâu dần, lâu dần mới thấm và chịu học. Khi đã học thì học rất nhanh, nên tôi vui lắm”, già Luận trải lòng.
Vợ mất 6 năm và 5 người con cũng đã có gia đình riêng, cuộc sống ổn định nên thời gian ông dành cho các nhạc cụ nhiều hơn. Ở tuổi gần 70 nhưng mỗi tối sau giờ lên rẫy, ông và những người cao tuổi trong thôn thường ngồi tỉ mẩn truyền lại những kinh nghiệm, cùng với thanh niên trong thôn luyện tập các loại nhạc cụ, nhất là khi có các chương trình lễ hội của xã, huyện thì sự luyện tập càng hăng say. Anh Ksor Thái cho biết: “Ông La O Luận cứ nói chậm chậm, gõ chầm chậm để không bỏ sót bước nào trong quá trình chỉ dạy cách đánh trống, gõ chiêng. Nhờ sự tận tình đó mà thanh niên trong thôn dần yêu thích các loại nhạc cụ dân tộc và ra sức giữ gìn”.
Với sự am hiểu sâu sắc về phong tục tập quán, lễ hội, nghệ thuật truyền thống, ông Luận đã trở thành một người thầy gần gũi và tận tâm của thế hệ trẻ. “Mỗi khi sắp có lễ hội hay ngày quan trọng của thôn, chúng tôi luôn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ ông La O Luận và những người lớn tuổi khác trong việc chuẩn bị các tiết mục văn nghệ và tập hợp thanh niên luyện tập. Tất cả vì đam mê, vì sợ mai kia mai một. Ông Luận là tấm gương sáng cho sự kết nối bền vững giữa quá khứ và tương lai, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc”, chị La Mo Thị Uối, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Suối Cối 2, xã Xuân Quang 1 cho biết.
Góp phần xóa bỏ các hủ tục
Ông Luận không chỉ là tấm gương sáng trong cộng đồng mà còn là cầu nối đưa chính sách của Đảng và Nhà nước đến gần hơn với người dân. Những đóng góp của ông đã góp phần xây dựng một cộng đồng văn minh, tiến bộ và giàu tính nhân văn.
Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, một vấn nạn còn tồn tại bấy lâu nay đó là nạn tảo hôn. Điều này không những vi phạm pháp luật mà còn để lại những hệ lụy nghiêm trọng, lâu dài về mặt xã hội. Để người dân trong thôn hiểu và từ bỏ hủ tục này, khi nghe ở đâu xảy ra tình trạng tảo hôn là ông Luận có mặt và cùng tham gia buổi họp gia đình để tuyên truyền về tác hại đối với sức khỏe và tương lai của thanh niên.
“Tôi kể cho họ nghe những câu chuyện thực tế và cho họ những lời khuyên chân thành, giúp nhiều gia đình nhận ra rằng việc để con cái lập gia đình sớm không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của các con mà còn cản trở sự phát triển chung của cộng đồng”, ông Luận cho hay.
Bên cạnh đó, ông còn tận dụng mọi cơ hội để có thể tiếp cận với các gia đình có nguy cơ xảy ra tảo hôn để kịp thời ngăn chặn. Nhờ sự kiên nhẫn và lòng nhiệt huyết, ông không chỉ giúp những người làm cha, mẹ thay đổi nhận thức mà còn động viên thanh thiếu niên tiếp tục con đường học tập và phát triển bản thân. Mí Dí tâm sự: “Bây giờ tôi đã hiểu đúng về độ tuổi cho con cái lấy vợ, lấy chồng, là nhờ ông Luận đến tận nhà nói chuyện, khuyên bảo”.
Theo ông Huỳnh Việt Hùng, Trưởng phòng VH-TT huyện Đồng Xuân, tảo hôn và hôn nhân cận huyết khiến chất lượng dân số suy giảm, suy thoái nòi giống, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và là một trong những lực cản đối với sự phát triển KT-XH, tiến bộ xã hội và sự phát triển bền vững của vùng dân tộc thiểu số. Vậy nên hằng năm, trong chương trình hoạt động của ngành, phòng luôn có kế hoạch tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ về nội dung này và thực hiện cho đúng. Nhờ vào nỗ lực không ngừng nghỉ của những người như ông Luận, tỉ lệ tảo hôn đã giảm dần và không còn. Nhiều gia đình đã bắt đầu xem trọng việc học hành của con em mình và có ý thức rõ hơn về quyền lợi của thanh thiếu niên.
Những người vừa biết đánh cồng chiêng vừa nói người dân nghe, làm theo và tích cực tham gia mọi hoạt động như ông Luận bây giờ rất hiếm. Ông chính là người trao truyền và lưu giữ để các loại nhạc cụ của dân tộc không bị mai một và dần loại bỏ các hủ tục.
Bà La Mo Thị Uối, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Suối Cối 2
Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/94/325062/la-o-luan-vi-cong-dong.html