Là phẳng vết sẹo nền kinh tế bị tổn thương
Việc Vương quốc Anh chính thức cho tiêm vaccine ngừa Covid-19, kể từ ngày 8/12, được cho là bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến chống Covid-19 trên phạm vi toàn cầu. Nhưng, người ta cũng cho rằng vaccine cũng không phải là thần dược, đặc biệt với việc phục hồi kinh tế thế giới. Các nhà kinh tế cảnh báo rằng, sự phục hồi có thể không diễn ra suôn sẻ như mong đợi.
1. Khi mà đại dịch Covid-19 được ngăn chặn, nền kinh tế thế giới sẽ hồi phục. Đó là điều tất yếu. Nhưng, quá trình hồi phục ấy đến nhanh hay chậm, tốc độ ra sao lại là việc rất khác. Những nhà kinh tế “đứng về phe lạc quan” thì cho rằng, khi vaccine ngừa Covid-19 được phân phối rộng rãi, các doanh nghiệp sẽ được mở cửa trở lại, nhu cầu tiêu dùng bị dồn nén suốt thời gian qua cũng sẽ được giải phóng.
Mới đây, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dự báo, kinh tế thế giới sẽ chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021. Tuy nhiên, kinh tế cũng sẽ không lấy lại hoàn toàn sản lượng đã mất cho đến cuối năm 2022.
Đây là lần đầu tiên kể từ khi đại dịch bắt đầu, OECD mới đưa ra hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn của kinh tế toàn cầu. OECD cho rằng, kinh tế toàn cầu sẽ giảm 4,2% trong năm nay. Năm 2021, tăng trưởng GDP thực tế sẽ đạt 4,2%.
Theo Giám đốc nghiên cứu vĩ mô toàn cầu tại Oxford Economics Ben May, tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm tới sẽ ở mức mạnh nhất kể từ cuối những năm 1970. Nhưng sự gia tăng này sẽ chỉ là “khôi phục lại” nên đây chưa thể coi là mức tăng tốt nhất trong hơn bốn thập kỷ. Theo bà Ben May, sản xuất công nghiệp sẽ phục hồi và có khả năng tăng nhanh, trong khi lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là du lịch sẽ tăng trưởng chậm hơn.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Neil Shearing tại Công ty nghiên cứu kinh tế độc lập Capital Economics tin rằng, GDP toàn cầu có thể trở lại mức trước đại dịch Covid-19 vào giữa năm 2021. Song, ông Neil cũng nhận thấy nền kinh tế thế giới “sẽ không trở lại quỹ đạo trước đại dịch” cho đến năm 2024.
Đặc biệt, tốc độ hồi phục của các quốc gia sẽ không giống nhau, có nghĩa là không đồng đều do mức độ tác động và “ngấm sâu” của dịch Covid-19 là khác nhau. Ví dụ, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Pháp và Anh đã bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề và vẫn còn suy sụp, trong khi Trung Quốc lại kiểm soát tốt đại dịch và đang dần phục hồi kinh tế- theo ông Shearing
“Covid-19 đã tạo ra sự khác biệt lớn về kinh tế tại các quốc gia. Sự khác biệt này sẽ không biến mất vào năm 2021, nhưng khoảng cách có khả năng được thu hẹp khi vaccine tung ra rộng rãi và các nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất bắt đầu dần hồi phục”, vị chuyên gia nêu quan điểm và không quên cho rằng “vết sẹo” của nền kinh tế có tiếp tục hằn sâu hay không sẽ phụ thuộc một phần vào điều gì sẽ xảy ra trong những tháng tới và cho rằng: “Chúng ta cần có thời gian để là phẳng vết sẹo của nền kinh tế thế giới đã bị tổn thương”.
2. Ở về “phía bi quan”, nhiều chuyên gia và các tổ chức nghiên cứu kinh tế vĩ mô cho rằng, cho dù dại dịch Covid-19 có chấm dứt vào mùa hè năm 2021 đi chăng nữa, theo kịch bản lạc quan, thì kinh tế thế giới năm 2021 cũng chỉ là “người vừa ốm dậy”, chưa thể bứt tốc khi mà chân đi không vững. Vả lại, dù đã có một vài loại vaccine, thì cũng không ai có thể khẳng định một mốc thời gian cụ thể khống chế được Covid-19. Mà như thế, mọi sự vẫn trong tình thế lưỡng lự.
Tập đoàn Moody’s dự đoán, nền kinh tế Mỹ vẫn sẽ giảm 2,9% trong năm nay, bất kể tín hiệu lạc quan từ vaccine. Và phải đến năm 2024, nền kinh tế lớn nhất thế giới mới có thể tạo ra được 22 triệu việc làm đã bị “cuốn bay” bởi đại dịch.
Trong khi đó, khu vực châu Âu vẫn còn đang đối mặt với nguy cơ suy thoái kép lần đầu tiên trong gần 10 năm, khi vừa phải “bật chế độ” đóng cửa lần 2 để ngăn sự lây lan của virus SASR-CoV-2.
Chủ tịch Ngân hàng UBS Axel Weber cũng cho rằng, cần ít nhất 1 năm nữa để GDP các nước quay trở lại mức trước khủng hoảng dịch bệnh và sẽ mất từ 1 - 2 năm để quay về mức thất nghiệp trước Covid-19. “Thế giới vẫn phải đối mặt với quá trình hồi phục kéo dài” - ông Axel Weber bình luận.
Để chặn lại đà suy giảm của nền kinh tế, Chính phủ nhiều nước đã bơm ra những lượng tiền lớn. Kể cả Mỹ, Trung Quốc, EU, hay là Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico… thì thời gian qua người ta đã chứng kiến “từng núi tiền” đã được đưa vào nền kinh tế. Tới thời điểm này, nhìn chung các quốc gia đã chặn được đà suy giảm (so với 10 tháng trở về trước), nhưng để vượt lên thì vẫn là chặng đường gian nan.
Cụ thể với nền kinh tế Nhật Bản, Chính phủ đã bơm ra hơn 2.000 tỉ USD nhưng đà phục hồi vẫn chậm. Lý do là Covid-19 tái bùng phát, buộc Chính phủ Trung ương cũng như chính quyền nhiều địa phương lại phải áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, kể cả phong tỏa, khiến dòng chảy sản xuất, kinh doanh, mua sắm lại bị nghẽn mạch.
Hay như với nước Mỹ, trong giai đoạn chuyển giao quyền lực (nếu không có gì thay đổi thì phải đến ngày 20/1/2021) thì kể cả việc phòng chống Covid-19 thế nào vẫn còn là việc tranh cãi; nên mức độ đầu tư, tốc độ đầu tư ra sao cũng không thật rõ ràng.
“Số tiền cho vào túi người dân thì người dân cũng đã tiêu hết. Trong khi rất nhiều lĩnh vực cần phải được nhanh chóng hỗ trợ những nguồn tiền khổng lồ thì lại chưa thấy đâu. Nếu vậy chúng ta khó có thể hy vọng nền kinh tế sẽ phục hồi trong năm 2021. Còn ngay trước mắt chúng ta là một mùa Giáng sinh buồn”, Michaell Kristman, bình luận viên một kênh truyền hình Mỹ nói.
Tờ Sydney Morning Herald của Australia dẫn nhận định của chuyên gia kinh tế cấp cao Stephen Bartholomeusz cho biết, sau đại dịch Covid-19, thế giới sẽ ngập trong “núi nợ”. Khi dịch bệnh bùng phát, những quả “bom nợ” đang phình to và ngày càng nguy hiểm hơn khi sức chống chịu của các nền kinh tế yếu đi. Các số liệu thống kê cho thấy, trước khi nợ toàn cầu trong giai đoạn đại dịch tăng lên mức 360 nghìn tỷ USD, tương đương 320% GDP toàn cầu, con số này đã là 75.000 tỷ USD, nhiều hơn mức trước khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/la-phang-vet-seo-nen-kinh-te-bi-ton-thuong-546354.html