'Lá phổi xanh' Amazon bị thiêu cháy: Lời kêu cứu muộn màng và sự hoảng loạn của người dân trên toàn thế giới
Rừng Amazon được coi là 'lá phổi xanh' của thế giới. Tuy nhiên, trong 3 tuần qua, khu rừng đang phải gánh chịu hậu quả của vụ cháy khổng lồ.
Cháy rừng Amazon đang trở thành cụm từ kinh hoàng của cả thế giới bởi theo các nhà môi trường, khu vực rừng mưa Amazon ở Brazil rất quan trọng với khí hậu toàn cầu. Nơi đây được coi là "lá phổi" quan trọng của thế giới. Chức năng của rừng Amazon là chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu.
Tuy nhiên, khu rừng này đang trải qua nạn cháy rừng kỷ lục với 73.000 vụ hỏa hoạn trong 8 tháng đầu năm nay, tăng 83% so với cùng kỳ năm ngoái và cao nhất kể từ năm 2013, theo số liệu của chính phủ Brazil.
Nhiều tổ chức môi trường và người dân đang biểu tình yêu cầu chính phủ Brazil phải hành động để cứu Amazon. Một loạt các biểu ngữ "SOS Brazil", "Act for Amazon" được người dân giơ cao và tràn ra đường để bày tỏ mối lo lắng của họ.
3 tuần qua, rừng Amazon cháy âm ỉ đã gây ra những tai họa kinh hoàng. Nhìn từ hình ảnh chụp từ ngoài trái đất, cả một mảng rừng lớn bị cháy rụi. Khủng khiếp nhất là hệ thống rừng nguyên sinh cùng thảm động thực vật bị đe dọa nghiêm trọng.
Với những người dân da đỏ địa phương, họ coi đây là sự trừng phạt của "Trời". Tuy nhiên, họ cho biết sẽ chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ rừng.
Ngày 26/8, người đứng đầu chính phủ Brazil đã đưa máy bay vận tải cơ có số hiệu C-130 Hercules mang 12.000 lít nước mỗi lần cất cánh để tham gia chữa cháy rừng. Bên cạnh đó, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã ra lệnh điều động lực lượng quân đội ở 7 bang đối phó với cháy rừng Amazon, đáp lại yêu cầu hỗ trợ từ các chính quyền địa phương, một phát ngôn viên chính phủ cho biết ngày 25/8.
Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh các lãnh đạo G7 đang họp tại Pháp và bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình cháy rừng Amazon ở Brazil. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm qua cho hay G7 sắp đạt được một thỏa thuận nhằm cung cấp "hỗ trợ tài chính và kỹ thuật" tới những quốc gia bị ảnh hưởng bởi cháy rừng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi cuối tuần viết trên Twitter đề nghị giúp Brazil đối phó nạn cháy rừng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Brazil Fernando Azevedo cho hay họ chưa nhận được thêm bất cứ liên hệ nào từ phía Mỹ sau tuyên bố này của Trump.
Được biết, cháy rừng tạo ra khói bụi và khí carbon lan rộng khắp lục địa. Từ đâu năm 2019, có ít nhất 228 triệu tấn CO2 thải ra từ các vụ cháy tại Amazon. Các nhà khoa học khẳng định rừng Amazon đóng vai trò quan trọng để điều hòa quá trình biển đổi khí hậu. giờ rừng mất đi, trái đất sẽ nóng lên nhanh chóng. Ông Adriano Karipuna thuộc nhóm lãnh đạo bộ tộc da đỏ Karipuna cho biết: "Nếu tiếp tục mất rừng, sông Amazon cũng sẽ cạn khô".
Về phần nguyên nhân rừng Amazon bị cháy, các nhà môi trường học cho rằng trách nhiệm phần lớn thuộc về Tổng thống Brazil, ông Bolsonaro. Kể từ khi ông lên nắm quyền với các chinh sách muốn khai phá tiềm năng kinh tế của Amazon, tốc độ chặt phá rừng đã tăng đến 278%.
Dưới đây là những hình ảnh kêu cứu của rừng Amazon. Đây không còn là một lời cảnh tỉnh mà là sự kêu cứu muộn màng.
Đỗ Quyên (th)
Ảnh: Dailymail