Lạc chốn Thị Nại

Bất cứ tour du lịch nào đến Bình Định cũng đều có điểm đến là Thị Nại, bởi đầm này không những đẹp, có nhiều món hải sản ngon rẻ mà còn chất chứa nhiều tầng văn hóa, lịch sử. Khám phá đầm Thị Nại là một hành trình đầy hấp dẫn, dễ quên lối về.

Nhìn từ trên cao, Quy Nhơn như một con chim đại bàng sải cánh ra biển khơi. Đôi cánh ấy được tạo ra bởi đầm Thị Nại-đầm nước mặn lớn nhất Bình Định. Với nhiều tên gọi khác nhau như: Thị Lị Bì Nại, Tì Ni, Thiết Ti Nại, Thu Mi Liên, Tân Châu Cảng, Chiêm Thành Cảng, Cri Banoy, Cri Bandy, Chopinai..., Thị Nại đã trải qua một hành trình lịch sử đầy kiêu hãnh. Tên đầm Thị Nại ngày nay được lấy từ thời Chăm, có âm là Thị-lị-bì-nại, người dân gọi ngắn gọn là Thị Nại. Đầm là nơi gặp gỡ của 2 dòng nước sông Kôn, sông Hà Thanh và nhiều con suối nhỏ trước khi hòa mình ra biển. Rộng hơn 5.000 ha chạy dài từ huyện Phù Cát, Tuy Phước đến TP. Quy Nhơn, đầm tạo một luồng lạch sâu và được che chắn bởi dãy núi ở bán đảo Phương Mai nên bao đời được tận dụng làm cảng cho tàu thuyền cập bến.

Cầu Thị Nại. Ảnh: T.Đ

Cầu Thị Nại. Ảnh: T.Đ

Cây cầu nối bán đảo Phương Mai với TP. Quy Nhơn-khánh thành năm 2006, một thời là cầu vượt biển dài nhất nước-đã đánh thức tiềm năng du lịch khu vực này. Đứng trên cầu, dù ở thời khắc nào ta cũng đều có những góc nhìn say đắm với thiên nhiên: Bình minh ló dạng huy hoàng ở phía biển bên ngọn núi Hải Minh; hoàng hôn ngụp lặn ở phía đầm, núp trong những chiếc lưới vó của ngư dân. Tất cả làm nền tuyệt diệu cho những bức ảnh lưu niệm của du khách một lần qua đây. Đêm, những đôi tình nhân đứng trên cầu tự tình trong âm thanh rì rào của sóng, của tiếng gõ mạn thuyền ngư dân đuổi cá và ngắm ánh đèn lung linh của thành phố in xuống mặt đầm. Vì vậy, Thị Nại luôn là một trong những nơi lãng mạn, nhiều cảm xúc nhất ở Quy Nhơn.

Lên một chiếc thuyền nhỏ chạy dọc từ phía cảng men theo đầm, du khách có thể vừa ngắm nhìn khung cảnh, vừa nghe kể những câu chuyện rất thú vị. Đó là chuyện về tháp Thầy Bói đột nhiên hiện lên giữa đầm, về đền thờ bà Cổ Hỷ chăn trâu, về làng Dương Thiện được miễn thuế vĩnh viễn thời nhà Nguyễn. Từ đây ta cũng có thể ghé Cồn Chim ngắm nhìn hàng trăm loài chim về ẩn náu trong rừng sinh thái nước lợ; ghé Gò Bồi để cảm nhận câu “Đi đây đi đó không bằng cái xó Gò Bồi” hay thăm nhà lưu niệm của nhà thơ tình nổi tiếng Xuân Diệu ở ngôi làng ven đầm...

Suốt từ thế kỷ thứ X đến XIX, Thị Nại chứng kiến biết bao cuộc chiến, sự biến thiên của xã hội. Từ thế kỷ X-XV Thị Nại là thương cảng chính yếu của vùng Vijaya và Vương quốc Champa. Từ thời Lý Thánh Tông, nhà Trần, nhà Hồ; nhà Lê giao tranh với Champa ở thành Đồ Bàn đến thời Nguyễn Ánh với nhà Tây Sơn..., Thị Nại luôn được xem là địa lược quan trọng trong các cuộc giao chiến. Chính vì thế mà thương cảng này được ghi chép qua nhiều thư tịch cổ Việt Nam. Đến nay, thỉnh thoảng người dân đi đánh cá còn vớt lên được khẩu thần công hay những mảnh gốm gò sành Bình Định một thời nổi tiếng của con đường tơ lụa.

Những chùm rễ đước của rừng ngập mặn quanh đầm thả xuống mặt nước là nơi lý tưởng để các quán hải sản hình thành. Quán thường làm bằng sạp tre hay gỗ, cách mặt nước vừa đủ để nghe con sóng oàm oạp vỗ. Ngoài cá, tôm, ốc..., đầm còn có một loài rất ngon là lịch huyết. Chỉ đến đầu mùa mưa, khi nước ngọt hòa lẫn với nước mặn làm lịch huyết cay mắt nổi lên mới có thể bắt được. Ghé làng Vinh Quang, du khách sẽ bất ngờ với những món hải sản tươi roi rói và “rẻ như cho” để cảm nhận sự hào sảng của người dân trên đầm Thị Nại.

“Bình Định có núi Vọng Phu/Có đầm Thị Nại, có Cù Lao Xanh...”. Câu ca xưa ghi dấu những địa danh mà đã đến Bình Định thì không thể không ghé thăm, nhất là đầm Thị Nại. Nhâm nhi ly rượu với hải sản, ngắm hoàng hôn buông xuống trên đầm trong một không gian yên tĩnh ngay bên cạnh thành phố cũng là cách tận hưởng đặc ân của cuộc sống.

TRƯỜNG ĐĂNG

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12369/201911/lac-chon-thi-nai-5657585/