Lạc quan kinh tế toàn cầu

Một thập kỷ sau khi thế giới rơi vào khủng hoảng kinh tế, giờ đây, dấu hiệu quan trọng về sự hồi phục đã trở lại. Các nền kinh tế lớn trên thế giới tăng trưởng đồng bộ đang tạo ra công ăn việc làm nhiều hơn.

Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, đang bước vào năm thứ 9 liên tiếp tăng trưởng và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nâng mức dự báo tăng trưởng của nền kinh tế này lên 2,7% trong năm nay so với dự báo trước đó là 2,3%. Trung Quốc đã giảm bớt lo ngại về việc đột ngột giảm phát trong quỹ đạo tăng trưởng kéo dài hàng thập kỷ với tốc độ tăng trưởng cao trở lại trong năm 2017. Châu Âu, bất chấp rối loạn chính trị và nhập cư, đã có mức tăng trưởng khá. Nền kinh tế Nhật Bản cũng tăng trưởng sau nhiều năm ì ạch. Kinh tế thế giới dự kiến sẽ tăng 3,9% trong năm 2018 và năm 2019 so với mức 3,7% của năm 2017 và 3,2% của năm 2016. Đó là dấu hiệu tích cực.

Tuy nhiên, trong những năm trước khủng hoảng, tăng trưởng toàn cầu thường vượt quá 4%. Sự hồi phục kinh tế thế giới mặc dù vậy vẫn mong manh, dễ bị tổn thương trước những nỗi lo như chiến tranh hạt nhân với Triều Tiên hay Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit). Ngoài ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại tiếp tục cho biết Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và không loại trừ khả năng phát động một cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) mới đây đã công bố một đánh giá về các nguy cơ với kinh tế toàn cầu qua một cuộc khảo sát của 1.000 chuyên gia, với kết quả 93% người được hỏi e ngại về mối đe dọa gia tăng về chính trị với kinh tế. Khoảng 79% lo lắng về khả năng xảy ra xung đột quân sự và 73 % lo ngại gia tăng nguy cơ xói mòn các quy tắc thương mại thế giới.

Trong bối cảnh đó, cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vào ngày 31-1 đi đến quyết định không tăng lãi suất như dự báo để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Đây là cuộc họp cuối cùng của bà Janet Yellen trên cương vị Chủ tịch FED trước khi trao lại chức vụ này cho ông Jerome Powell. FED đang ngày càng tin rằng lạm phát sẽ dần tăng lên tới mục tiêu 2% do họ đề ra sau khi nền kinh tế lớn nhất thế giới có mức tăng trưởng đáng kể. Sự thay đổi này là do tác động quan trọng từ luật cắt giảm thuế doanh nghiệp của Tổng thống Donald Trump từ 35% xuống còn 21% có hiệu lực vào tháng 1. Mặc dù vậy, theo Financial Times, FED vẫn có thể tăng lãi suất ít nhất 3 lần trong năm 2018, bắt đầu từ tháng 3 để đề phòng khả năng tăng trưởng quá nóng. Lãi suất của FED hiện ổn định ở mức 1,25% - 1,5%. IMF dự báo FED sẽ nâng lên khoảng 2% trong năm 2018.

Dữ liệu kinh tế Mỹ cho thấy mức lương tăng của khu vực tư nhân vào cuối năm 2017 với tốc độ hàng năm 2,8% là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 2008. Ông Powell sẽ tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch FED ngày 5-2, kế thừa một kế hoạch tiền tệ được đặt ra một cách thận trọng từ bà Yellen, bao gồm cả việc tăng lãi suất trong năm nay. Nhưng tân Chủ tịch FED sẽ nhanh chóng đối mặt với các quyết định quan trọng trong bối cảnh Mỹ đã bơm thêm gói kích thích tài chính dưới hình thức cắt giảm thuế và chi tiêu của liên bang cao hơn, gây áp lực về tăng trưởng nóng.

KHÁNH MINH

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/lac-quan-kinh-te-toan-cau-497836.html