Lạc quan triển vọng nhóm cổ phiếu vận tải dầu khí cuối năm 2024

Tại buổi market talk của Chứng khoán Rồng Việt mới đây, các chuyên viên phân tích và tư vấn đầu tư đã đưa ra nhiều dự báo khả quan cho nhóm cổ phiếu vận tải dầu khí trong quý cuối 2024 và đầu 2025.

Cổ phiếu PVT được kỳ vọng có phản ứng tích cực với thị trường trong thời gian tới.

Cổ phiếu PVT được kỳ vọng có phản ứng tích cực với thị trường trong thời gian tới.

Giá dầu thô thúc đẩy các ngành trong chuỗi giá trị dầu khí Việt Nam

Trước những dự báo kém khả quan về sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc, thị trường quốc tế đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thô trong nửa cuối năm 2024.

Một số công ty giao dịch lớn dự báo giá dầu có thể xoay quanh 60 - 70 USD/thùng trong các tháng còn lại của năm 2024. Morgan Stanley hạ dự báo giá dầu trong quý IV/2024 từ 80 USD/thùng xuống 75 USD/thùng. Trong năm 2025, đa phần các dự báo xoay quanh mức 75 - 80 USD/thùng.

“Nhu cầu dầu thô châu Á vẫn tiếp tục tăng, neo ở mức 70 - 85 USD/thùng trong quý cuối năm và đầu 2025, mặc dù mức này không tăng mạnh nhưng đủ để thúc đẩy các ngành liên đới trong chuỗi giá trị dầu khí Việt Nam”, Chứng khoán Rồng Việt nhận định.

Theo công ty chứng khoán này, giá các cổ phiếu nhóm vận tải biển dầu khí thời gian qua có sụt giảm cùng với giá dầu. Tuy nhiên, cổ phiếu PVT có xu hướng tăng từ 2023 đến nay và kỳ vọng có phản ứng tích cực với thị trường trong thời gian tới. Phân khúc này được chiếm lĩnh bởi các công ty thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Ở nhóm vận tải dầu thô, giá thuê tàu vận tải chở dầu thô có sự tăng đột biến do chiến tranh Nga - Ukraine, khiến đường ống dẫn khí từ Nga tới các nước châu Âu ngừng trệ, Nga buộc phải huy động các tàu chở khí để vận chuyển.

Số lượng đơn đặt hàng tàu chở khí đưa ra thị trường tăng mạnh, cao kỷ lục trong năm 2024. Hệ lụy dẫn đến công suất đóng tàu vận tải trên thế giới không còn nhiều, nhất là tàu chở dầu thô.

Theo báo cáo mới nhất từ BIMCO, trong năm 2024, nhu cầu về tải trọng dự báo tăng 4 - 5% so với cùng kỳ, trong khi tổng nguồn cung về tải trọng chỉ tăng 0,5%. Điều này cho thấy nguồn cung tàu vẫn còn hạn chế giúp giá thuê duy trì ở mặt bằng tương đối khả quan cho đến cuối năm nay.

Tuy nhiên đến năm 2025, tăng trưởng nhu cầu tải trọng và nguồn cung tàu vận tải dầu thô được dự báo tương đối cân bằng nhau. Trong đó nhu cầu tải trọng tăng 1% và nguồn cung tải trọng tăng 1,2%, dẫn đến khả năng giá thuê tàu hạ nhiệt.

Tổng số tàu vận tải dầu thô, bao gồm Afrarax, Suernax và VLCC được giao năm 2026 có thể sẽ đạt đỉnh cao nhất trong lịch sử kể từ năm 2008. Trong trường hợp nhu cầu nhập khẩu dầu thô không được như mong đợi, giá thuê tàu sẽ không cao như kỳ vọng.

Ở nhóm tàu vận tải dầu sản phẩm/hóa chất, giá thuê tàu MR hạ nhiệt, giá thuê tàu tải trọng nhỏ duy trì ở mức ổn định.

Theo dữ liệu từ Danish Shipping, tương tự nhóm vận tải dầu thô, lượng cung tàu nhóm vận tải dầu sản phẩm/hóa chất cũng được dự báo tăng 5% trong năm 2025 trong khi nhu cầu chỉ tăng 2%, do đó giá thuê được dự báo có thể giảm trong quý cuối năm 2024. Chênh lệch cung - cầu này giúp giá thuê tàu được củng cố trong năm 2024.

Hiện tại hầu như các xưởng đều tập trung đóng tàu công suất lớn, còn các tàu size nhỏ như 13.000 và 20.000 DWT còn hạn chế. Do đó, khả năng có sự phân hóa trong giá thuê giữa các loại hình vận tải tùy thuộc vào nhu cầu.

Mỗi loại tàu có tải trọng và ưu thế khác nhau, một số cảng chỉ thiết kế phù hợp với các loại tàu trọng tải cố định. Do đó, xu hướng chung giá thuê có thể giảm nhưng có sự phân hóa giữa các loại tàu tải trọng khác nhau, trong đó, nhóm các tàu tải trọng trung bình sẽ có biến động trái chiều.

Ở nhóm vận tải khí LPG, giá thuê tàu VLGC tăng từ giữa 2023 đến đầu năm 2024 được dẫn dắt bởi chênh lệch giá khí giữa Mỹ và châu Á và nhu cầu mạnh mẽ từ Trung Quốc, giúp củng cố nhu cầu vận tải khí LPG.

Tuy nhiên, giá thuê giảm mạnh trong quý II/2024 khi nhu cầu LPG tại Mỹ gia tăng, khiến chênh lệch giá khí Mỹ - châu Á thu hẹp, đồng thời diễn biến kinh tế Trung Quốc không đạt kỳ vọng, khiến nhu cầu nhập khẩu khí LPG tại nước này thực tế ít hơn dự kiến.

Tại năm tài chính 2024, tổng tải trọng tàu LPG dự kiến tăng 6,1%, trong khi nhu cầu vận tải tăng 5,7%. Với sự chênh lệch cung - cầu không quá lớn, kỳ vọng giá thuê có thể duy trì ở mức ổn định, vào khoảng 35.000 - 40.000 USD/ngày trong nửa cuối năm 2024.

Nhóm cổ phiếu vận tải dầu khí có nhiều tiềm năng

Nhóm cổ phiếu vận tải dầu khí có nhiều tiềm năng

Nhận định các cổ phiếu tiềm năng

Chứng khoán Rồng Việt đánh giá tích cực về nhóm vận tải biển dầu khí trong những tháng cuối năm 2024, đặc biệt ở các công ty con.

Đối với PVT (Tổng Công ty cổ phần Vận tải Dầu khí), các hợp đồng thời hạn 6 tháng - 1 năm giúp giá thuê tàu tương đối ổn định trong nửa cuối năm. Kỳ vọng lợi nhuận sau thuế tăng 36% sau khi Nhà máy Lọc hóa dầu Dung Quất hoạt động tối đa công suất sau bảo dưỡng, cùng với đóng góp từ 2-3 tàu mới (tàu hóa chất, tàu hàng rời).

Quý III/2024, PVT ghi nhận thêm khoản thanh lý tàu từ công ty con, ước tính khoảng 100 tỷ đồng. Giá mục tiêu cho cổ phiếu PVT là 30.700 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức sinh lời 8% tại giá đóng cửa ngày 13/9/2024.

PVP (Công ty cổ phần Vận tải Dầu khí Thái Bình Dương), trong năm 2024, Chứng khoán Rồng Việt dự phóng lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này ghi nhận tăng trưởng 21% nhờ giá cước đội tàu có xu hướng cao hơn so với năm 2023. Hiện nay, cổ phiếu PVP đang được định giá rẻ. Trung bình các phương pháp, giá mục tiêu cho cổ phiếu PVP là 19.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức sinh lời 11%, tại giá đóng cửa ngày 13/9/2024.

Cổ phiếu GSP (Công ty cổ phần Vận tải sản phẩm khí quốc tế) đang giao dịch tại P/E (chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu với thu nhập trên một cổ phiếu) ở mức 8,0x. Mức định giá này tương đối hấp dẫn đối với một doanh nghiệp duy trì được lãi ròng tăng trưởng đều đặn và tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu hơn 10%.

Sử dụng P/E trung bình 5 năm là 8,5x, giá mục tiêu cho cổ phiếu GSP là 16.643 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức sinh lời 30%, tại giá đóng cửa ngày 13/9/2024.

Bên cạnh đó, công ty chứng khoán cũng lưu ý những rủi ro bởi cách 2 năm nguồn cung tàu sẽ có sự gia nhập thị trường mới, nhất là những tàu tải trọng lớn. Giá thuê tàu thường có sự phân hóa theo nhu cầu.

“Các doanh nghiệp cần lường trước rủi ro này. Thực tế, các loại tàu ngoài 20 tuổi sẽ khó tham gia thị trường quốc tế bởi yêu cầu gắt gao, do đó, các công ty vận tải biển dầu khí Việt Nam thường chỉ chọn mua các loại tàu từ 13 - 15 tuổi, vừa đủ thời gian thu hồi vốn và sinh lời với chi phí bỏ ra hợp lý”, Chứng khoán Rồng Việt nhận định.

Phương Thảo

Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/lac-quan-trien-vong-nhom-co-phieu-van-tai-dau-khi-cuoi-nam-2024-717765.html