Lạc quan về dịch COVID-19, chứng khoán Mỹ tăng điểm hai tuần liên tiếp
Yếu tố hỗ trợ thị trường là thông tin về kết quả hứa hẹn của một loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh nhân COVID-19 và Mỹ có kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế.
Các chỉ số chứng khoán Mỹ phục hồi khi chốt phiên 17/4, khép lại tuần tăng điểm thứ hai liên tiếp, sau khi các nhà đầu tư được khích lệ trước những thông tin cho thấy triển vọng trong việc điều trị cho người nhiễm COVID-19 và việc Chính phủ Mỹ tuần qua công bố kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế.
Chỉ số Dow Jones tăng 704,81 điểm, hay 3%, chốt phiên cuối tuần ở mức 24.242,49 điểm, trong khi chỉ số S&P 500 tăng 75,01 điểm, hay 2,7%, lên 2.874,56 điểm và chỉ số Nasdaq Composite tăng 117,78 điểm, hay 1,4%, lên 8.650,14 điểm.
Trong cả tuần, chỉ số Dow Jones tăng 2,2%, chỉ số S&P 500 tăng 3% và chỉ số Nasdaq tăng 6,1%.
Yếu tố hỗ trợ thị trường là thông tin trên trang thông tin y tế Stat News cho thấy kết quả hứa hẹn của một loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh nhân COVID-19, khi đại dịch này đã cướp đi sinh mạng của hơn 140.000 người trên toàn cầu và buộc phần lớn nền kinh tế Mỹ và toàn cầu phải đóng cửa trong nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh.
Theo thông tin được công bố tối 16/4, các nhà nghiên cứu tại Đại học Dược Chicago đã ghi nhận sự hồi phục nhanh của 125 người mắc COVID-19 sử dụng thuốc thử nghiệm của Gilead Sciences Inc.
Chiều 17/4, Viện Y tế Quốc gia của Mỹ đã công bố kết quả nghiên cứu cho thấy hiệu quả của thuốc trong điều trị khỉ mắc COVID-19.
Những kết quả nghiên cứu trên đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư trên phố Wall khi vẫn chưa có vắcxin điều trị COVID-19 và bất kỳ dấu hiệu tiến triển nào cũng sẽ mang đến sự khích lệ cho nhà đầu tư đang lo ngại về cú sốc kinh tế do những nỗ lực nhằm làm chậm tốc độ lây lan của dịch bệnh.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 16/4 đã thông báo kế hoạch mở cửa nền kinh tế theo ba giai đoạn.
Dù kế hoạch trên không đưa ra một thời điểm rõ ràng, nhưng trong giai đoạn đầu, các địa điểm như nhà hàng và rạp chiếu phim có thể hoạt động trở lại cùng với quy định giãn cách xã hội chặt chẽ.
Trong giai đoạn hai, việc hạn chế đi lại không thiết yếu có thể được dỡ bỏ và các trường học có thể mở cửa trở lại.
Trong giai đoạn ba, những người dễ bị tổn hại sức khỏe có thể tái tương tác cộng đồng.
Trong khi đó, Trung Quốc công bố số liệu cho thấy nền kinh tế nước này trong quý I/2020 giảm 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, lần giảm đầu tiên kể từ khi Trung Quốc báo cáo số liệu Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng quý vào năm 1992.
Số liệu này cho thấy tác động của đại dịch đối với kinh tế Trung Quốc cũng như đến Mỹ và châu Âu trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh./.