Lạc Sơn đẩy mạnh giải pháp thực hiện mục tiêu tạo việc làm cho người nghèo

Quan tâm đào tạo nghề và giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được huyện Lạc Sơn triển khai tích cực năm 2024.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) được triển khai đồng bộ, đạt được những kết quả thiết thực, góp phần bù đắp các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân, đặc biệt về việc làm, y tế, giáo dục, đào tạo nghề...

Tính đến thời điểm tháng 3/2024, tổng số hộ dân cư trong huyện là 34.811 hộ, trong đó tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo là 5.210 hộ, tương đương tỷ lệ 14,97%. Năm 2024, huyện Lạc Sơn được phân bổ hơn 35 tỷ đồng kinh phí sự nghiệp Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.

Người nghèo, cận nghèo ở Hòa Bình được chăm lo các chiều thiếu hụt về y tế, việc làm, giáo dục...

Người nghèo, cận nghèo ở Hòa Bình được chăm lo các chiều thiếu hụt về y tế, việc làm, giáo dục...

Chú trọng chiều thiếu hụt việc làm, đào tạo nghề cho người lao động, đặc biệt là lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, UBND huyện tăng cường công tác phối hợp tuyển dụng việc làm tại các doanh nghiệp, trực tiếp giới thiệu các công ty, giới thiệu lao động cho nhà thầu thi công, lắp đặt các hạng mục công trình dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện tại Trạm Thản, Phù Ninh, Phú Thọ…

Trong 6 tháng, huyện Lạc Sơn đã tạo việc làm mới cho 1.605 lao động trong nước, 44 lao động xuất khẩu theo hợp đồng lao động ở nước ngoài; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức 1 phiên giao dịch việc làm cho các xã vùng Đại Đồng tại xã Ân Nghĩa.

Trên cơ sở kết quả tích cực từ 3 năm (20221-2023) luôn đạt và vượt kế hoạch chỉ tiêu về tạo việc làm và tự tạo việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động thuộc hộ nghèo, năm 2024, huyện Lạc Sơn đặt mục tiêu tạo việc làm cho 2.500 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 58,5% (năm 2023) lên 60%.

Công tác giáo dục nghề nghiệp được UBND chỉ đạo xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2024. Huyện thông báo tuyển sinh 12 lớp với 230 học viên gồm các lớp nghề: Kỹ thuật nuôi và phòng bệnh cho gia cầm và lợn; May công nghiệp; Kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp. Đồng thời, địa phương phối hợp với các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện tư vấn, giới thiệu việc làm cho các học viên sau khi học xong.

Tại hội nghị giữa lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hòa Bình với huyện Lạc Sơn liên quan thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững mới đây, ông Nguyễn Ngọc Điệp, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đề nghị UBND huyện Lạc Sơn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thu hút đầu tư, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện giải quyết việc làm cho lao động nông thôn tại địa phương và xuất khẩu lao động, đặc biệt là lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Xác định thực hiện công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, huyện Lạc Sơn đã tranh thủ các nguồn lực và lồng ghép các chương trình, dự án, chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo, ưu đãi giáo dục, tín dụng, đào tạo nghề, giải quyết việc làm...

Đây là cơ sở để huyện dần tạo việc làm, ổn định đời sống người dân, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững, đa chiều cho người dân. Huyện phấn đấu mức thu nhập bình quân hộ nghèo từ 1 triệu đồng/người/tháng trở lên; đến hết năm 2024 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 10,98% (tương ứng giảm tỷ lệ 4%/năm), giảm tỷ lệ hộ cận nghèo từ 14,79% xuống 12,14%.

Ngoài ra, huyện còn quan tâm đến các chiều thiếu hụt khác, đặc biệt là chăm lo sức khỏe cho người dân nghèo, chính quyền địa phương đã duy trì việc cấp thẻ BHYT miễn phí cho người thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số sống ở vùng đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi và nhiều nhóm đối tượng khác.

Song song với đó, các chương trình hỗ trợ tham gia BHYT, tuyên truyền về lợi ích của BHYT đối với bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng cũng được triển khai trên các phương tiện truyền thông, xuống từng địa phương, vào từng trường học.

Giai đoạn 2021-2024, có hơn 18.300 người thuộc hộ nghèo được cấp thẻ BHYT, với tổng kinh phí hỗ trợ mua thẻ là trên 14,8 tỷ đồng. Số người thuộc hộ cận nghèo được cấp thẻ BHYT là 21.340 người, tổng kinh phí hỗ trợ mua thẻ trên 15,5 tỷ đồng. Số lượt người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT là 23.920 lượt, tổng kinh phí hơn 9,1 tỷ đồng.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/lac-son-rot-rao-cac-giai-phap-thuc-hien-muc-tieu-tao-viec-lam-cho-2-500-lao-dong-2322678.html