Lạc vào 'ma trận' sách lậu, sách giả
Theo báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành, trong xu thế phát triển của hoạt động xuất bản, tình trạng in lậu, làm giả xuất bản phẩm và gian lận thương mại trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm ngày một gia tăng dưới nhiều hình thức in truyền thống, điện tử, không gian mạng.
Sách giả, sách lậu, sách kém chất lượng trôi nổi trên thị trường, không chỉ được bày bán tràn lan trên vỉa hè, theo chân những người bán sách dạo mà còn công khai bày bán ở những cửa hàng sách lớn như trên các phố: Phạm Văn Đồng, Trần Quốc Hoàn, Đinh Lễ (Hà Nội). Thậm chí, các hành vi làm sách giả, sách lậu diễn ra rất phức tạp và tinh vi ở khắp nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Cuối năm 2022, đầu năm 2023, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội đã điều tra và khởi tố vụ án về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là sách lậu được in ấn với số lượng hơn 100 tấn sách của nhóm đối tượng thực hiện trên địa bàn huyện Quốc Oai và huyện Thạch Thất. Các chủng loại sách được các đối tượng làm giả chủ yếu là sách thịnh hành trên thị trường như Đắc Nhân Tâm, Trí tuệ Do thái, Đọc vị bất kỳ ai, Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu, Muôn kiếp nhân sinh… Quá trình điều tra, phá án, cơ quan công an thu giữ khoảng 100 tấn sách với hơn 400 đầu sách và gần 400.000 cuốn.
Tháng 5/2023, Đội liên ngành phòng, chống in lậu tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất một hộ kinh doanh có địa chỉ tại Tiểu khu 6, phường Hải Hòa, thị xã Nghi Sơn. Trong quá trình kiểm tra đã phát hiện một số lượng xuất bản phẩm không có hóa đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc hợp pháp. Đội liên ngành phòng, chống in lậu tỉnh đã lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính đối tượng vi phạm số tiền 22,5 triệu đồng và tịch thu, tiêu hủy số xuất bản phẩm vi phạm không có hóa đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc hợp pháp theo quy định.
Không chỉ tràn lan trên thị trường sách truyền thống, trên các nền tảng mạng xã hội, sách giả cũng đang trà trộn vào trang web không được quản lý chặt chẽ, như Facebook. Ở đó, các đối tượng bán sách giả đã lập page, web bán sách, lấy thông tin sách từ các đơn vị xuất bản để giới thiệu tư vấn sách cho độc giả. Sau đó chuyển sách giả tới độc giả. Hoặc sao chép nội dung từ các trang web chính thống và điều chỉnh một số nội dung thông tin (logo, tên công ty, email và số tài khoản). Không những vậy, công nghệ hiện đại khiến cho việc lưu hành e-book nhanh chóng và dễ dàng hơn rất nhiều so với in lậu. Các sàn thương mại điện tử có bán sách, các kênh bán hàng trực tuyến như mạng xã hội, trang web... với hình thức bề ngoài giống sách thật đến 95%, không dễ để nhận diện, giá chỉ bằng hai phần ba, thậm chí bằng nửa so với sách thật, mang lại siêu lợi nhuận cho cơ sở in ấn trái phép.
Sách giả giờ đây không chỉ dừng lại ở câu chuyện phòng và chống mà đã trở thành vấn nạn của ngành xuất bản. Có ý kiến cho rằng những đối tượng làm sách giả đang thách thức pháp luật khi nhiều trang bán sách giả trực tuyến bị chặn thì ngay sau đó lại mọc ra trang mới. Hệ quả của thực trạng này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của các tác giả, nhà xuất bản (NXB), làm thất thu ngân sách nhà nước, tạo ra một tình trạng người ngay bị thiệt hại, kẻ gian hưởng lợi, trật tự quản lý nhà nước bị vi phạm.
Theo Giám đốc bản quyền Công ty cổ phần sách Thái Hà (Thái Hà Books) Vũ Thủy, tình trạng in ấn, mua bán và phát hành sách giả đã diễn ra từ nhiều năm nay và có xu hướng tăng mạnh trong những năm trở lại đây. Nguyên nhân thì có nhiều và xuất phát từ độc giả, từ các đơn vị xuất bản trái phép và một phần cũng từ cơ chế quản lí của các cơ quan chủ quản. Từ thực tế đó, bà Thủy cho rằng, các đơn vị đưa ra bộ nhân diện thương hiệu. Bên cạnh đó, đối với cơ quan quản lí tăng cường kiểm tra, áp dụng các biện pháp hiệu quả để ngăn chặn việc in ấn và phát hành sách giả sách lậu. Cần kiểm tra và xử lý nghiêm các đơn vị in lậu không có giấy phép xuất bản.
“Đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông ngăn chặn tất cả các tài khoản IP của các đơn vị, các trang bán sách giả. Các cơ quan chủ quản cần kiểm soát các hình thức bán hàng, flash sale, chiến dịch bán hàng với chiết khấu cao. Ổn định thị trường chung, tránh tình trạng đua nhau giảm giá sách tạo tâm lý đợi giảm giá mới đi mua sách” - bà Thủy nói.
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (NXB Chính trị quốc gia Sự thật) Hoàng Mạnh Thắng cũng cho rằng, sách giả, sách lậu triệt tiêu sự sáng tạo của các tác giả, NXB. Nghiêm trọng hơn, việc dung túng cho sách giả sẽ dẫn tới sự ăn mòn văn hóa đọc, văn hóa thưởng thức của công chúng. Từ thực trạng và tác hại nghiêm trọng của nạn sách giả, sách lậu, đã đến lúc các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực xuất bản, phát hành, lĩnh vực an ninh văn hóa, lĩnh vực quản lý thị trường phải thực sự dành sự quan tâm thỏa đáng, đồng hành cùng các NXB để tìm giải pháp, biện pháp để ngăn chặn sách giả, sách lậu hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, theo ông Thắng, với vai trò là cơ quan xuất bản, NXB khó có công cụ để xử lý mà phụ thuộc nhiều vào các cơ quan quản lý nhà nước. Mỗi khi phát hiện sách giả, sách lậu, NXB chỉ có thể báo với cơ quan chức năng mà không có thẩm quyền thanh tra kiểm tra, xử lý. Mặt khác, từ phát hiện cho đến xử lý vẫn còn có độ trễ nên để xử lý triệt để sách lậu, sách giả còn rất nhiều khó khăn.
“Hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý chỉ giải quyết được một phần của vấn đề, mà cốt lõi là truyền thông, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của bạn đọc, để bạn đọc phân biệt được sách thật và sách giả, tác hại của sách lậu, sách giả, nói không với sách lậu, sách giả mới là cái gốc giải quyết triệt để vấn nạn này”- ông Thắng nói.
NXB Giáo dục Việt Nam cho biết là đơn vị xuất bản phẩm giáo dục bị in và tiêu thụ lậu đứng đầu về số lượng, về địa bàn, về mức độ thiệt hại. Từ năm 2010 đến 2023, đã phát hiện trên 3,3 triệu bản sách, hơn 100.000 đĩa CD và gần 41 tấn bán thành phẩm sách giáo dục bị in lậu, tàng trữ để tiêu thụ lậu tại nhiều tỉnh, thành trong nước.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/lac-vao-ma-tran-sach-lau-sach-gia-5725150.html