Lai Châu: Đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa và ẩm thực

Bản Gia Khâu I tại xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu đang đẩy mạnh phát triển các hoạt động du lịch văn hóa và du lịch ẩm thực, quảng bá hình ảnh địa phương và cải thiện thu nhập cho đồng bào người Mông.

Bản du lịch văn hóa Gia Khâu nằm cách trung tâm thành phố Lai Châu khoảng 10km, là một bản du lịch văn hóa, mang đậm bản sắc của dân tộc Mông.

Bản du lịch văn hóa Gia Khâu nằm cách trung tâm thành phố Lai Châu khoảng 10km, là một bản du lịch văn hóa, mang đậm bản sắc của dân tộc Mông.

Điểm du lịch trọng tâm của Lai Châu

Nằm cách trung tâm thành phố Lai Châu khoảng 10km, bản Gia Khâu là một bản du lịch văn hóa, mang đậm bản sắc của dân tộc Mông. Trong giai đoạn 2010 – 2015, việc xây dựng bản du lịch văn hóa này chủ yếu tập trung vào việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng của tỉnh Lai Châu như điện, đường, trường, trạm y tế… và cải tạo nhà ở cho người dân.

Sang đến giai đoạn 2016 – 2020, nhận thức của người dân đã có sự thay đổi. Cơ sở hạ tầng được hoàn thiện và đời sống kinh tế được nâng cao giúp người dân bắt đầu chú trọng hơn việc lưu giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

Tại bản Gia Khâu, nhiệm vụ này có một số thuận lợi. Thứ nhất là việc người Mông chuyển từ trên cao xuống nơi thấp hơn để sinh sống đã tạo điều kiện cho các hộ dân sống gần nhau hơn. Thứ hai là nét văn hóa truyền thống của người dân trong bản vẫn được gìn giữ nguyên vẹn, chỉ có trang phục chịu ảnh hưởng một chút từ lối sống đô thị hóa.

Hiện nay, việc phát triển du lịch tại Gia Khâu có 2 điểm mạnh là du lịch ẩm thực và du lịch văn hóa truyền thống của dân tộc Mông. Bà Giàng Thị Chà, một người Mông sống tại bản Gia Khâu và cũng là người đứng đầu Ban quản lý phát triển du lịch tại đây cho biết: “Ở đây, các gia đình sẽ phục vụ các món ăn chủ yếu của người Mông như mèn mén, bánh giầy, lợn treo gác bếp hay rượu Mông Kê (một loại rượu truyền thống của người Mông làm từ men kê, có độ thơm và độ ngọt riêng). Về văn nghệ, các bạn trẻ sẽ biểu diễn các tiết mục văn nghệ truyền thống của đồng bào dân tộc Mông”.

Một trong những yếu tố thu hút du lịch tại Gia Khâu là ẩm thực truyền thống của đồng bào dân tộc Mông.

Một trong những yếu tố thu hút du lịch tại Gia Khâu là ẩm thực truyền thống của đồng bào dân tộc Mông.

Bên cạnh đó, bản Gia Khâu cũng sở hữu cảnh quan đẹp, gắn liền với một hệ thống hang động tự nhiên, đã được đầu tư hệ thống chiếu sáng và cải tạo đường đi tương đối thuận lợi. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, lượng khách du lịch đến với Gia Khâu hàng năm đạt khoảng 20.000 – 30.000 người. Khi dịch bùng phát thì lượng khách du lịch giảm mạnh và chỉ khoảng 3 – 4 tháng gần đây mới bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. Rõ ràng, không thể phủ nhận việc phát triển du lịch văn hóa tại bản Gia Khâu đã và đang cải thiện nguồn thu nhập cho Ban quản lý và người dân vẫn chủ yếu phụ thuộc vào nương rẫy.

Trong thời gian tới, Nghị quyết của tỉnh và thành phố Lai Châu đã xác định bản Gia Khâu sẽ là một trong những điểm du lịch trọng tâm của địa phương, cùng với chợ đêm ở xã San Thàng. Thành phố đang xây dựng phương án quản lý bản Gia Khâu, trong đó xác định cần hài hòa lợi ích của hơn 100 hộ dân trong bản với Ban quản lý và lợi ích của doanh nghiệp, nếu sau này Nhà nước có định hướng sẽ tổ chức đấu thầu theo Luật đầu tư công. Mặt khác, phương án cũng phải phát huy và giữ gìn được bản sắc văn hóa, danh lam thắng cảnh, di tích và cơ sở hạ tầng đã được đầu tư.

Khó khăn còn nhiều

Hiện nay, cơ sở hạ tầng tại Gia Khâu đã được đầu tư tương đối phát triển, đường giao thông rộng, xe giường nằm cũng có thể đi lại hết sức dễ dàng. Các điểm như bãi đậu xe, đường giao thông nội bản cũng được bê tông hóa 100% và điện nước đầy đủ. Tuy nhiên, Gia Khâu vẫn chưa có các loại hình nhà nghỉ hay homestay vì số lượng khách du lịch không nhiều, nhu cầu nghỉ tại bản còn ít và người dân cũng chưa có đủ vốn.

Bên cạnh đó, vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch cũng gặp một số khó khăn. Người dân bản địa thay đổi từ nông nghiệp sang làm dịch vụ cần một thời gian tương đối dài. Đồng bào dân tộc Mông cũng chưa thực sự nhanh nhạy trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chịu ảnh hưởng quá sâu về phong tục tập quán như lao động chủ yếu là đàn ông, phụ nữ không được ra ngoài…

Tuy nhiên, người dân cũng đang tích cực để thay đổi, nhất là trong việc chỉnh trang nhà cửa với sự hỗ trợ vốn từ Nhà nước. Sự thay đổi này thậm chí đã lan tỏa trong cả bản khi nhiều hộ dân không được hỗ trợ cũng tự bỏ tiền để cải tạo nhà ở sạch, đẹp hơn.

Các tiết mục văn nghệ truyền thống của dân tộc Mông cũng là một điểm nhấn đặc biệt của bản du lịch văn hóa Gia Khâu.

Các tiết mục văn nghệ truyền thống của dân tộc Mông cũng là một điểm nhấn đặc biệt của bản du lịch văn hóa Gia Khâu.

Trong khi đó, Ban quản lý phát triển du lịch tại bản Gia Khâu vẫn đang phải “tự nuôi sống” bản thân. Đội ngũ hướng dẫn viên chủ yếu là người trẻ ở trong bản và tác phong cũng chưa thực sự chuyên nghiệp.

Trên thực tế, việc phát triển du lịch cần xuất phát từ nhu cầu của người dân nên việc đổi mới tư duy và nâng cao nhận thức là rất quan trọng. Chia về vấn đề này, bà Giàng Thị Chà cho biết: “Để nâng cao ý thức cho người dân, Ban quản lý đã vận động bà con chỉnh trang, cải tạo nhà cửa và tổ chức học tập kinh nghiệm làm du lịch của các huyện lân cận. Ngày trước, người dân vẫn có suy nghĩ không thể làm được du lịch nên vẫn còn ỷ lại. Nhưng bây giờ thì bà con đã thay đổi nhận thức và chủ động hơn trong việc tham gia phát triển du lịch”.

Mặt khác, hoạt động quảng bá khu du lịch vẫn hạn chế nên khách du lịch đến bản chủ yếu là người dân trong tỉnh Lai Châu. Trong thời gian tới, Ban quản lý sẽ tập trung cải tạo toàn bộ khuôn viên, đầu tư thêm một số hạng mục cơ sở hạ tầng và cải thiện doanh thu.

Chùm ảnh về bản du lịch văn hóa Gia Khâu:

Dịch Phong

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/lai-chau-day-manh-phat-trien-du-lich-van-hoa-va-am-thuc-332979.html