Lai Châu: Không để chậm giải ngân vốn đầu tư công và 3 chương trình mục tiêu quốc gia
Giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, nhất là với một tỉnh miền núi như Lai Châu. Do đó, tỉnh Lai Châu đang quyết tâm giải ngân nhanh nguồn vốn đầu tư công và 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, hết tháng 9/2022, tỉnh Lai Châu dự kiến giải ngân được 1.250,6 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 44,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đồng thời, tỉnh Lai Châu đã hoàn thành giao dự toán ngân sách trung ương năm 2022 để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cho các đơn vị, địa phương.
Tuy nhiên, hiện nay đã bước sang những ngày đầu của quý cuối cùng của năm, trong khi lượng vốn cần giải ngân vẫn còn đến già nửa kế hoạch. Theo đó, UBND tỉnh Lai Châu đã yêu cầu tất cả các đơn vị có liên quan phải coi nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công và 3 chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) là nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm để có những chỉ đạo quyết liệt, đúng trọng tâm, trọng điểm.
Đặc biệt, UBND tỉnh Lai Châu đã yêu cầu các địa phương và chủ đầu tư phải vào cuộc để giải quyết kịp thời những vướng mắc trong việc giải ngân. Đơn cử như những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, các địa phương, chủ đầu tư phải biết được những vướng mắc đang nằm ở đâu, nằm ở hộ dân nào… để đưa ra những cách giải quyết hợp lý, giúp công tác giải phóng mặt bằng không còn là nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm giải ngân.
Ngay trong đầu tháng 10 này, UBND tỉnh Lai Châu thành lập các đoàn công tác do chủ tịch UBND tỉnh, các phó chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn xuống từng huyện, thành phố làm việc để nắm bắt những vấn đề còn khúc mắc, từ đó có biện pháp chỉ đạo hướng giải quyết.
Đối với việc giải ngân cho 3 CTMTQG, để đảm bảo thực hiện đúng tiến độ, UBND tỉnh Lai Châu yêu cầu người đứng đầu địa phương, đơn vị phải có trách nhiệm chỉ đạo quyết liệt triển khai từng công trình cụ thể. UBND tỉnh Lai Châu đã đề nghị các sở, ngành, địa phương, sau khi có các văn bản quy định của HĐND tỉnh phải thực hiện ban hành ngay văn bản hướng dẫn để làm căn cứ cho cơ sở triển khai thực hiện.
Được biết, ngay trong đầu tháng 10, UBND tỉnh Lai Châu thành lập các đoàn công tác do chủ tịch UBND tỉnh, các phó chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn xuống từng huyện, thành phố làm việc để nắm bắt những vấn đề còn khúc mắc, từ đó có biện pháp chỉ đạo hướng giải quyết.
Riêng với nguồn vốn ODA, UBND tỉnh Lai Châu đã đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan có văn bản báo cáo rõ các khó khăn và đề xuất hướng giải quyết gửi về Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đặc biệt, UBND tỉnh Lai Châu đã giao Sở Tài chính phải nghiên cứu rõ quy trình thực hiện, không để tình trạng chậm tiến độ./.