Lai Châu: Tạo sức bật cho vùng dân tộc thiểu số

Lai Châu là tỉnh miền núi với 20 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 80% tập trung chủ yếu ở vùng miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn.

Với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, thời gian qua, Ngân hàng Chính sách Xã hội Chi nhánh tỉnh Lai Châu đã triển khai hiệu quả các chính sách tín dụng, trở thành điểm tựa vững chắc và là động lực quan trọng giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn có điều kiện trang trải cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững; qua đó, từng bước xóa dần khoảng cách giữa miền núi với đồng bằng.

Bên ngôi nhà còn thơm mùi gỗ mới, anh Tẩn Lao Lải - bản Chiêu Sải Phìn (xã Lản Nhì Thàng, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) phấn khởi nói: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, kinh tế rất khó khăn, nhiều năm ở trong ngôi nhà gỗ chật hẹp đã xuống cấp nghiêm trọng. Mùa mưa thì dột khắp nơi, mùa hè thì nhìn thấu cả trời xanh. Năm 2022, gia đình tôi may mắn được vay 40 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và cùng với số tiền tiết kiệm, vay mượn chúng tôi đã làm ngôi nhà gỗ mới với diện tích gần 100m2, mái lợp tôn, tổng chi phí hơn 100 triệu đồng. Ước mơ về một ngôi nhà rộng rãi, khang trang đã trở thành hiện thực, tôi và các thành viên trong gia đình mừng lắm. Có nhà, gia đình tôi yên tâm sinh sống để phát triển kinh tế”.

Chị Vàng Thị Loan - bản Nà Phát, xã Phúc Than, huyện Than Uyên chăm sóc đàn gia súc.

Chị Vàng Thị Loan - bản Nà Phát, xã Phúc Than, huyện Than Uyên chăm sóc đàn gia súc.

Còn chị Vàng Thị Loan - bản Nà Phát, xã Phúc Than, huyện Than Uyên thì chia sẻ: “Khi nghe Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn của bản thông tin về chính sách cho vay vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tôi rất phấn khởi. Là một trong những hộ được giải ngân đợt đầu gia đình tôi dành toàn bộ vốn vay 100 triệu đồng đầu tư làm chuồng kiên cố, chăn nuôi trâu bò. Chủ động phòng chống dịch bệnh và chăm sóc theo hướng dẫn của cán bộ thú y, từ 6 con trâu, bò đến nay đàn gia súc sinh trưởng phát triển thành 10 con. Nhìn đàn trâu, bò con nào con nấy béo tốt, tôi vui lắm. Nhờ đồng vốn ngân hàng, cuộc sống gia đình tôi đã tốt hơn trước rất nhiều, có tiền nuôi con ăn học. Tôi biết ơn Đảng, Nhà nước nhiều lắm”.

Anh Lải và chị Loan chỉ là 2 trong số rất nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng lợi từ chính sách tín dụng ưu đãi theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 đến năm 2030 (gọi tắt là chương trình) được Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Lai Châu triển khai. Qua đó, góp phần đưa đồng vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến người dân trên địa bàn tỉnh, tạo sức bật đẩy nhanh quá trình giảm nghèo bền vững tại các địa phương trong tỉnh.

Được biết, ngay sau khi chương trình được triển khai, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Văn bản số 447/UBND-TH ngày 18-2-2022 rà soát nội dung xây dựng thực hiện chương trình. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát nhu cầu vốn tín dụng chính sách ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030; trong đó, tập trung vào giai đoạn 1: từ 2021 đến 2025 để tổ chức triển khai cho vay vốn kịp thời.

Theo đó, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Lai Châu tích cực phối hợp với chính quyền địa phương cùng các ban, ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền các chế độ chính sách, tiêu chí, tiêu chuẩn, định mức hỗ trợ đến người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng với nhiều hình thức phong phú, đa đạng… để nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số dễ tiếp cận. Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh cũng chỉ đạo Phòng giao dịch các huyện phối hợp với các xã, bản tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh, các cuộc họp xã, bản…; qua đó, giúp nhân dân hiểu, đồng hành cùng với các cấp chính quyền để thực hiện chương trình.

Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nậm Nhùn (thứ 2 từ phải sang) kiểm tra hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay.

Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nậm Nhùn (thứ 2 từ phải sang) kiểm tra hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay.

Chú trọng công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn, kiên quyết không để xảy ra sai sót, vi phạm, trục lợi chính sách, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn giúp người dân sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay…, góp phần khôi phục sản xuất và phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Sau hơn 2 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đến nay đã giải ngân 157 tỷ đồng cho 3.011 hộ vay vốn (vay vốn làm nhà 1.629 hộ, số tiền 65,097 tỷ đồng; cho vay đất sản xuất 598 hộ, số tiền 38,462 tỷ đồng; cho vay hỗ trợ đất ở 132 hộ, số tiền 6,580 tỷ đồng; cho vay chuyển đổi nghề 652 hộ, số tiền 46,861 tỷ đồng)…; từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, tỉnh Lai Châu cũng gặp một số khó khăn. Cụ thể, về cho vay dự án trồng dược liệu quý, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Quyết định số 1452/QĐ-UBND ngày 9-11-2022 về Kế hoạch phát triển sâm Lai Châu giai đoạn 2022-2030 và định hướng đến năm 2045, trong đó mục tiêu đến năm 2030 phát triển vùng trồng 3.000ha trên địa bàn 6 huyện, định hướng đến năm 2045 phát triển mở rộng vùng trồng lên 7.000ha. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Lâm nghiệp 2017 chưa cho thuê dịch vụ dưới tán rừng để phát triển trồng dược liệu. Do đó, tỉnh Lai Châu mong muốn, Chính phủ xem xét, ban hành cơ chế cho thuê dịch vụ dưới tán rừng để phát triển trồng dược liệu.

Đối với chương trình cho vay giải quyết việc làm năm 2022, tỉnh Lai Châu xây dựng trên 300 tỷ đồng, Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam phân bổ 240 tỷ đồng chưa đủ đáp ứng nhu cầu vay vốn để tạo việc làm trên địa bàn. Lai Châu rất mong Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam tạo điều kiện sớm bố trí nguồn vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm là 335 tỷ đồng theo kế hoạch vốn của tỉnh Lai Châu đã xây dựng.

Các chính sách dành cho đối tượng vay vốn là hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã mang lại hiệu quả trong việc tập trung nguồn vốn giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu của người dân tộc thiểu số như vốn để sản xuất, kinh doanh, trồng trọt, chăn nuôi, tạo việc làm, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, góp phần tạo việc làm, cải thiện thu nhập, từng bước nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số.

Thời gian tới, tỉnh Lai Châu rất mong nhận được sự quan tâm của trung ương, Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam… để các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, làm giàu chính đáng trên đồng đất quê hương.

KHÁNH PHƯƠNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/dan-toc-ton-giao/chinh-sach-phat-trien/lai-chau-tao-suc-bat-cho-vung-dan-toc-thieu-so-748655