Lai Châu: Thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp để phát huy tiềm năng, lợi thế
Theo Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lai Châu, muốn nâng cao giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp thì phải thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến.
Mới đây, tỉnh Lai Châu đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2024. Tại hội nghị, tỉnh Lai Châu đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 4 doanh nghiệp với số vốn đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng. Đáng chú ý, phần lớn con số này là thu hút vào các dự án thủy điện. Cụ thể, dự án thủy điện Là Si 1A có công suất 28MW, tổng mức đầu tư 1.050 tỉ đồng cho công ty cổ phần năng lượng ES-LC; Thủy điện Nậm Ngà có công suất 24MW, tổng mức đầu tư gần 970 tỉ đồng cho công ty TNHH thủy điện Nậm Ngà. Số vốn thu hút còn lại là các dự án trồng rừng, du lịch, nông lâm nghiệp…
Có thể nói, phát huy thế mạnh, những năm qua tỉnh Lai Châu nói chung và ngành Công Thương Lai Châu đã tận dụng lợi thế về địa hình với sông suối, độ dốc… để thu hút phát triển lĩnh vực công nghiệp thủy điện. Các dự án thủy điện trên địa bàn Lai Châu đã và đang phát huy tốt hiệu quả sau đầu tư, đóng góp một phần sản lượng điện cho lưới điện quốc gia, góp phần quan trọng vào đảm bảo an ninh năng lượng, tăng giá trị sản xuất công nghiệp… thúc đẩy phát triển kinh tế.
Về quy hoạch thủy điện, quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó đã tích hợp 160 dự án thủy điện đã được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch với quy mô tổng công suất 4.271,35MW, điện lượng trung bình năm là 15,6 tỷ triệu kWh.
Có thể nói, các dự án thủy điện trên địa bàn Lai Châu đang phát huy tốt hiệu quả, góp phần tạo nguồn thu, nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, xóa đói giảm nghèo cho nhân dân địa phương. Mặt khác, khác dự án này đã huy động được nguồn vốn đầu tư tư nhân, qua đó giảm vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho việc đảm bảo an ninh năng lượng…
Trở lại câu chuyện thu hút đầu tư vào lĩnh công nghiệp của tỉnh Lai Châu, có thể nói ngoài thủy điện thì các lĩnh vực công nghiệp khác còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng… Tuy nhiên, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2024 vừa diễn ra đã có những tín hiệu tích cực hơn. Đã có 12 biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư, ghi nhớ đầu tư được ký kết giữa UBND tỉnh Lai Châu với một số nhà đầu tư thuộc lĩnh vực như: Bất động sản, du lịch, dược liệu, chế biến nông lâm sản, tiêu thụ sản phẩm với quy mô đầu tư trên 3.000 tỷ đồng. Ngoài ra, UBND tỉnh Lai Châu công bố hơn 60 danh mục dự án kêu gọi đầu tư trong các lĩnh vực: Nông- lâm nghiệp, du lịch và thương mại – dịch vụ. Đáng chú ý có nhiều dự án gắn với lĩnh vực công nghiệp, thương mại như vùng trồng và sản suất chè huyện Tân Uyên, Tam Đường; nhà máy chế biến rau củ quả xuất khẩu huyện Than Uyên; siêu thị, trung tâm thương mại Tam Đường. Có thể nói, những dự án gắn với công nghiệp chế biến nông lâm sản đang được tỉnh Lai Châu quan tâm, đẩy mạnh thu hút đầu tư...
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Vương Thế Mẫn – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lai Châu chia sẻ thông tin và những dự định của ngành để đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp gắn với phát triển kinh tế của địa phương. Ông Vương Thế Mẫn phân tích, Lai Châu có tiềm năng nông nghiệp lớn, nhưng bản chất đây cũng là tiềm năng của lĩnh vực công nghiệp chế biến, vì sản phẩm nông nghiệp là nguyên liệu ban đầu, nguyên liệu đầu vào. Sản phẩm nông nghiệp phải chế biến và chế biến sâu khi đưa ra thị trường mới mang lại giá trị sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho người nông dân. Sau khi đã hình thành vùng sản xuất nông lâm nghiệp, trách nhiệm của ngành Công Thương rất quan trọng trong việc tạo nên các sản phẩm gắn với chế biến và đưa ra thị trường. Ngành Công Thương xác định sẽ làm từng bước để Lai Châu có những sản phẩm chất lượng… Đầu tiên sẽ là các sản phẩm nhỏ, sản phẩm OCOP, lâu dài sẽ phát triển hàng hóa qui mô lớn. Ngành Công Thương có trách nhiệm kết nối với các nhà doanh nghiệp vào sản xuất, chế biến, hình thành dòng sản phẩm, đa dạng loại sản phẩm đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Song song với sản xuất, chế biến là kết nối doanh nghiệp phân phối, đưa sản phẩm ra thị trường trong nước và thế giới để nâng cao, phát huy giá trị hàng hóa.
Trước mắt, để khắc phục những khó khăn của Lai Châu trong phát triển công nghiệp như vấn đề địa hình, giao thông, địa bàn rộng, phân tán khó khăn trong thu gom sản phẩm… ngành Công Thương sẽ đẩy mạnh hoạt động khuyến công để đưa công nghiệp đến với các địa bàn, vùng sâu, vùng xa. Vai trò của khuyến công cần được phát huy, bám sát vùng sản xuất, đưa công nghiệp chế biến bước đầu gắn với vùng nguyên liệu để nâng cao giá trị. Lai Châu sẽ tính đến câu chuyện đưa máy móc về sản xuất tại chỗ, cơ giới hóa, giảm tải cho khâu vận chuyển, tăng năng suất. Nông nghiệp tập trung gắn với phát triển sản xuất công nghiệp, công nghiệp chế biến...
Ông Vương Thế Mẫn - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lai Châu cho biết, thời gian tới tỉnh Lai Châu sẽ bám sát, hòa vào xu thế mở cửa, hội nhập để thu hút đầu tư và phát triển lĩnh vực công nghiệp, đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp chế biến sâu các mặt hàng địa phương có thế mạnh, thu hút và phát triển các doanh nghiệp phân phối…