Lại chuyển sang trồng cau?

Cau không phải là cây trồng chính, nông sản chủ lực. Hải Dương cũng không quy hoạch vùng trồng cau.

Gần đây thương lái Trung Quốc ồ ạt thu mua cau (ảnh minh họa)

Gần đây thương lái Trung Quốc ồ ạt thu mua cau (ảnh minh họa)

Gần 1 tháng qua, giá quả cau tăng vọt nên nhiều người ví 'cau đắt như vàng'. Thương lái lùng sục tìm mua cau xuất đi Trung Quốc khiến nhiều người cũng có ý định phá bỏ cây khác để trồng cau.

Nghe câu chuyện của một nông dân ở Tứ Kỳ định bỏ chuối trồng cau làm tôi không khỏi lo lắng. Lý do anh đưa ra để thuyết phục vợ là Trung Quốc đang có nhu cầu thu mua lớn nếu trồng cau sẽ lãi gấp nhiều lần trồng chuối hay cây ăn quả khác. Mà cau không phải chăm bón mấy, chỉ việc trồng là cho thu hoạch. Nhiều người trong làng cũng đang tìm mua cau giống để trồng thay cây chuối. Nghe bùi tai vợ anh còn rủ thêm cả em gái bỏ chuối trồng cau.

Câu chuyện 'chặt - trồng - trồng - chặt' không còn lạ với nhiều nông dân, ngay cả với người Hải Dương. Đã có lúc vì giá vải xuống thấp, cây vải không đem lại giá trị kinh tế cao nên nông dân một số nơi ở Thanh Hà ồ ạt chặt vải chuyển sang trồng ổi, quất và các loại rau màu khác. Việc nông dân dân đua nhau phá vải khi ấy đã làm đau đầu không ít lãnh đạo địa phương và ngành nông nghiệp. Giữa vùng đặc sản vải thiều nổi tiếng của cả nước, nông dân lại chặt bỏ cây truyền thống thì thật đáng buồn.

Và rồi họ đã phải trồng lại khi quả vải có đầu ra ổn định, cho giá trị kinh tế cao hơn. Quả vải không chỉ được tiêu thụ tốt trong nước mà còn xuất khẩu, thương hiệu quả vải Thanh Hà được khẳng định.

Việc quy hoạch vùng trồng rất quan trọng. Bài học được nhìn rõ ở Hàn Quốc hay Thái Lan. Những năm gần đây, họ quy hoạch vùng chuyên canh khá bài bản. Chính quyền địa phương và nông dân cùng nhau xây dựng thương hiệu cho vùng nông sản của mình và canh tác theo hướng chuyên nghiệp ở những vùng đã được quy hoạch. Vì vậy rất ít xảy ra chuyện giữa vùng trồng sâm lại có vài ba hộ trồng cải làm kim chi.

Hải Dương là vựa lúa, vựa rau của các tỉnh phía Bắc. Tỉnh cũng đã xây dựng được các vùng chuyên canh quy mô lớn như: hành, tỏi ở Kinh Môn; cà rốt ở Nam Sách, Cẩm Giàng; ổi, vải ở Thanh Hà; vùng lúa ở Thanh Miện, Bình Giang... Các vùng chuyên canh tạo giá trị thương hiệu riêng. Canh tác ở vùng chuyên canh không chỉ quản lý được dịch bệnh mà còn có khả năng tìm đầu ra cho sản phẩm dễ dàng hơn. Các doanh nghiệp chế biến nông sản thường tìm đến các vùng chuyên canh thu mua vì ổn định sản lượng và chất lượng.

Trở lại câu chuyện trồng cau, nông dân cần tính toán, cân nhắc thật kỹ. Ở nước ta, quả cau vốn chỉ là món ăn của các bà, cụ hoặc được sử dụng vào việc thờ cúng, cưới hỏi. Gần đây, Trung Quốc thường xuyên thu mua cau để chế biến đồ ăn vặt, nhất là cau non. Cau được thương lái lựa chọn thu mua làm kẹo là loại cau non, hạt nhỏ hoặc không hạt, được luộc ở nước sôi, rồi sấy khô, đóng vào bao và chuyển sang Trung Quốc để làm kẹo. Loại kẹo này có vị ngọt the như kẹo gừng, có công dụng chống viêm họng, giữ ấm cơ thể nên rất được người dân Trung Quốc ưa chuộng. Và việc giá cau "đắt như vàng" cũng chỉ nhất thời, bởi ngay sau đó giá cau đã 'xuống dốc' không phanh.

Thực tế cho thấy, đã có rất nhiều lần nông dân trong nước điêu đứng vì trồng cây ồ ạt theo phong trào khi thấy thương lái Trung Quốc tăng thu mua. Cau không phải là cây trồng chính, nông sản chủ lực. Hải Dương cũng không quy hoạch vùng trồng cau nên người dân cần cân nhắc, tính toán kỹ trước khi mở rộng diện tích loại cây này.

BẢO ANH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/lai-chuyen-sang-trong-cau-396410.html