Lại đến lượt doanh nghiệp Hàn Quốc 'tâm tư' việc chậm hoàn thuế VAT
Một số doanh nghiệp Hàn Quốc tại TP.HCM phản ánh đang bị chậm hoàn thuế VAT khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Chiều 16/8, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã gặp gỡ và đối thoại với doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Thành phố để tìm các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, cải thiện môi trường đầu tư.
Tại buổi đối thoại, vấn đề chậm hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) nhận được nhiều phản ánh của doanh nghiệp.
Ông Kim Hui Chang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Samil Pharmaceutical phản ánh rằng, doanh nghiệp đã đầu tư 92,5 triệu USD và đã hoàn thành việc xây dựng nhà máy cũng như lắp đặt máy móc, thiết bị.
Sau khi hoàn thành, công ty đã nộp hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) lên Cục Thuế TP.HCM vào ngày 27/2/2023. Sau đó, Cục Thuế TP.HCM cho biết doanh nghiệp chưa đủ điều kiện hoàn thuế do thiếu bản sao của một trong các giấy phép sau: giấy phép hoặc giấy chứng nhận hoặc văn bản xác nhận, chấp thuận kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện nên Cục thuế đang hoãn việc hoàn thuế cho doanh nghiệp.
Thông qua các thủ tục pháp lý, công ty đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cũng như được Bộ Y tế cấp phép. Hơn nữa, công trình xây dựng của công ty cũng đã hoàn tất và nhận được giấy hoàn công.
“Công ty khó có thể đồng ý với ý kiến của Cục Thuế TP.HCM về việc phải có thêm giấy phép hoặc chứng nhận liên quan đến phần đầu tư nhà máy của Samil”, ông Kim Hui Chang nêu quan điểm.
Ông cho biết, việc chậm hoàn thuế VAT khiến công ty gặp nhiều khó khăn về chi phí nghiên cứu và tuyển dụng chuyên gia. Doanh nghiệp mong muốn sớm được hoàn thuế VAT cho phần đã đầu tư.
Tương tự, ông Youn Chel Woon, Giám đốc Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE Complex, cũng phản ánh, năm 2020 nhà máy của Sam Sung tại Khu công nghệ cao TP.HCM đã xin phép chuyển đổi từ loại hình doanh nghiệp thông thường sang loại hình doanh nghiệp chế xuất (EPE). Đến ngày 1/5/2021, nhà máy chính thức nhận được phê duyệt trở thành doanh nghiệp chế xuất.
Tuy nhiên thời điểm trước và sau khi được chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp chế xuất đã có phát sinh hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) với tổng cộng khoảng 44 triệu USD. Từ thời điểm phát sinh tiền thuế VAT đến nay đã hơn 2 năm, doanh nghiệp vẫn chưa được giải quyết hoàn thuế.
Nói thêm về các vướng mắc của doanh nghiệp Hàn Quốc đang gặp phải, ông Choi Bun Do, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và công nghiệp Hàn Quốc tại miền Trung và miền Nam Việt Nam (KOCHAM) cho biết, tại cuộc đối thoại năm ngoái, UBND TP.HCM đã tháo gỡ được 13 trong tổng số 21 vấn đề vướng mắc của các doanh nghiệp Hàn Quốc. Tuy nhiên, đối với 8 vướng mắc còn lại, doanh nghiệp vẫn đang chờ sự hỗ trợ của UBND TP.HCM.
Sau khi nghe kiến nghị của các doanh nghiệp, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, một số vấn đề về hoàn thuế VAT liên quan tới thẩm quyền của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, Thành phố sẽ làm việc để có những kiến nghị lên cấp có thẩm quyền sớm giải quyết cho doanh nghiệp.
Đối với 8 vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp Hàn Quốc chưa được giải quyết, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, Thành phố sẽ có thông báo từng vụ việc để KOCHAM theo dõi, các doanh nghiệp nắm được tiến độ giải quyết.
Chủ tịch Phan Văn Mãi cũng chia sẻ, thành phố rất mong muốn được lắng nghe ý kiến của các nhà đầu tư Hàn Quốc, Thành phố hiểu rằng để thu hút các nhà đầu tư mới thì việc giải quyết các vướng mắc, hỗ trợ cho nhà đầu tư hiện tại cũng rất quan trọng.