Lãi quý 2 giảm 99%, vẫn xuất hiện cổ đông lớn thâu tóm gần 500.000 cổ phiếu Năm Bảy Bảy (NBB)
Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thép Mỹ vừa đăng ký mua thêm gần 500.000 cổ phiếu Năm Bảy Bảy (NBB), bất chấp kết quả kinh doanh giảm sút trong 6 tháng đầu năm.
Xuất hiện thêm cổ đông lớn thâu tóm cổ phiếu Năm Bảy Bảy (NBB)
Năm Bảy Bảy (NBB) hiện đang là đơn vị có liên quan đến hệ sinh thái của CTCP Đầu tư Xây dựng Hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII). Trong đó CTCP Xây dựng Hạ tầng CII vừa đăng ký mua thêm 4,2 triệu cổ phiếu NBB, nâng tỷ lệ sở hữu từ 7,82% lên 12,02% vốn điều lệ, thời gian giao dịch từ 12/10 - 10/11.
Giao dịch này sẽ nâng tỷ lệ sở hữu của CTCP Xây dựng hạ tầng CII tại NBB lên 49,62% vốn điều lệ. Tại cuối quý 2/2023, nhóm các công ty con của CII cũng đang sở hữu 89,3% vốn điều lệ của NBB.
Bên cạnh đó, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thép Mỹ cũng vừa đăng ký mua thêm 486.622 cổ phiếu NBB, nâng tỷ lệ sở hữu từ 4,72% lên 5,2% vốn điều lệ. Giao dịch được thực hiện vào ngày 20/10. Như vậy, Thép Mỹ cũng đã chính thức trở thành cổ đông lớn của NBB sau giao dịch này.
Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thép Mỹ được thành lập vào năm 2015, đại diện pháp luật là ông Đoàn Thanh Vũ. Địa chỉ công ty nằm tại ấp 4, xã Long Định, huyện Cần Đước, tỉnh Long An.
Trước những giao dịch thâu tóm cổ phiếu NBB nêu trên, cổ phiếu NBB đã có sự hồi phục rất mạnh kể từ đầu tháng 10 trở lại đây. Cụ thể, mã NBB đã tăng từ đáy 17.600 đồng/cổ phiếu tại ngày 5/10/2023 lên mức 21.500 đồng/cổ phiếu tại ngày 25/10/2023, tương đương mức tăng 22% chỉ trong 20 ngày.
Diễn biến giá của NBB cùng các hoạt động thâu tóm cổ phiếu diễn ra trong bối cảnh kết quả kinh doanh của công ty không mấy khởi sắc. Điều này khiến không ít nhà đầu tư phải đặt dấu hỏi xung quanh các giao dịch này.
Lợi nhuận 6 tháng giảm sâu, nhiều quý liền chỉ thu về lợi nhuận tượng trưng
Về tình hình kinh doanh của Năm Bảy Bảy, kể từ quý 4/2021 trở lại đây, công ty này liên tục báo cáo lợi nhuận quý ở mức thấp 1-2 tỷ đồng. Điều này trái ngược hoàn toàn với mức lợi nhuận cả trăm tỷ đồng mỗi quý mà NBB đạt được trước đó.
Chỉ duy nhất tại quý 4/2022, NBB ghi nhận lợi nhuận sau thuế 15,6 tỷ đồng. Dù vậy thì mức lợi nhuận này vẫn chưa bằng 1/10 so với mức đỉnh cao trong các quý của năm 2021.
Tại quý 2/2022 vừa qua, doanh thu của NBB đạt 93,4 tỷ đồng, giảm 76,1% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp mang về 47,7 tỷ đồng, giảm 66,5%. Lợi nhuận sau thuế chỉ ghi nhận ở mức 410 triệu đồng, giảm tới 99,7% so với cùng kỳ.
Lũy kế doanh thu 6 tháng đầu năm của NBB đạt 193,8 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất chỉ đạt 449 triệu đồng, giảm 75% so với cùng kỳ.
Theo giải trình của Năm Bảy Bảy thì nguyên nhân gây nên sụt giảm lợi nhuận sau thuế hợp nhất chủ yếu do việc hoàn trả mặt bằng kinh doanh tại TTTM Carina của một số đơn vị trong giai đoạn đầu năm 2023. Tình trạng này dẫn đến sụt giảm doanh thu và suy giảm lợi nhuận kinh doanh từ mảng dịch vụ này.
Tồn kho tăng mạnh, nằm chủ yếu tại dự án De Lagi và Khu dân cư Sơn Tịnh - Quảng ngãi
Tại cuối quý 2/2023, tổng tài sản của NBB đạt 7.179 tỷ đồng, tăng 12,4% so với đầu kỳ. Trong đó tiền và các khoản tương đương tiền tăng mạnh lên 185,8 tỷ đồng.
Đáng chú ý là lượng hàng tồn kho gia tăng từ 1.355,5 tỷ đồng lên 1.551,9 tỷ đồng. Mức tăng tương đương tỷ lệ tăng 14,5%. Phần lớn hàng tồn kho nằm dưới dạng bất động sản xây dựng dở dang của 2 dự án lớn bao gồm:
Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp dân cư De Lagi chiếm 791 tỷ đồng; Dự án Khu dân cư Sơn Tịnh - Quảng Ngãi chiếm 610,2 tỷ đồng.
Trong cơ cấu nguồn vốn của NBB, nợ phải trả đang chiếm 5.358,8 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn chiếm 824,5 tỷ đồng, giảm hơn so với đầu kỳ. Ngoài ra công ty cũng đang vay nợ dài hạn hơn 3.044,1 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với đầu năm.