Lãi suất gia tăng làm chậm bước tiến của chứng khoán Việt Nam
Động thái thắt chặt chính sách tiền tệ qua việc cắt giảm các gói định lượng, tăng lãi suất của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) và Ngân hàng Trung ương Anh sẽ khiến dòng vốn dịch chuyển từ thị trường mới nổi sang thị trường phát triển. Điều này phần nào tạo ra những tác động làm giảm tốc độ tăng trưởng của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.
Tại tọa đàm “Nhận diện cơ hội thị trường chứng khoán năm 2022” sáng 15-3, bà Tạ Thanh Bình – Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) – dự báo TTCK sẽ đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong năm 2022.
“Năm ngoái là yếu tố dịch bệnh thì năm nay không chỉ có dịch bệnh mà là cả căng thẳng địa chính trị nên thị trường sẽ có bước tăng – giảm mạnh đan xen”, bà Bình nói.
Tương tự, ông Ngô Thế Hiển – Giám đốc phân tích, Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) – cho rằng kinh tế vĩ mô Việt Nam vẫn chịu tác động từ Covid-19, dù đã có dấu hiệu phục hồi trong 2 tháng đầu năm. Ngoài ra, bối cảnh chung của thế giới đã có thêm nhiều yếu tố bất định.
Vì vậy, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 của Việt Nam sẽ khó đoán hơn.
Bối cảnh này, theo ông Hiển, đòi hỏi nhà đầu tư trên TTCK Việt Nam thận trọng hơn, nhất là khi mặt bằng giá cổ phiếu đã tăng mạnh trong năm 2021.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn dư địa cho tăng trưởng trong năm 2022 do nhiều yếu tố tích cực tiếp tục được duy trì. Ảnh minh họa: M.P.
Về rủi ro nội tại với thị trường, bà Tạ Thanh Bình cho biết dịch Covid-19 vẫn là yếu tố bất định, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp, quá trình hồi phục của nền kinh tế và tâm lý của nhà đầu tư.
Với doanh nghiệp, việc tăng giá nguyên, nhiên, vật liệu trên thế giới do tắc nghẽn chuỗi cung ứng, sản lượng sản xuất không đáp ứng kịp nhu cầu gia tăng khi các nền kinh tế hồi phục sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sản xuất và lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Với nhà đầu tư, mức dư nợ giao dịch ký quỹ toàn thị trường tăng nhanh và xu hướng gia tăng tỉ trọng trên thị trường của nhà đầu tư cá nhân tiềm ẩn rủi ro cho thị trường khi tính ổn định của dòng vốn chưa cao.
Ngoài ra, hiện tượng dùng mạng xã hội để làm giá cổ phiếu, kích động, xuyên tạc thông tin trên thị trường cũng tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động giao dịch trên TTCK.
“Việc phụ thuộc nhiều vào nhà đầu tư cá nhân, dễ bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông khiến thị trường dễ có những biến động mạnh khi xuất hiện những thông tin bất lợi”, bà Bình phân tích.
Với thị trường, đại diện UBCKNN cho rằng dòng tiền sẽ có xu hướng dịch chuyển nhiều hơn vào hoạt động sản xuất – kinh doanh trong bối cảnh kinh tế trong nước bắt đầu phục hồi. Điều này khiến dòng tiền vào TTCK do vậy có thể bị ảnh hưởng. Còn thị trường khó có thể đạt mức tăng trưởng ấn tượng như năm 2021.
Về rủi ro từ bên ngoài, bà Bình cho biết tình hình kinh tế – chính trị thế giới năm 2022 dự báo tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, gồm: dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của các biến chủng mới; tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng kéo dài; Chính phủ các nước cắt giảm các biện pháp kích thích kinh tế trước áp lực lạm phát khiến kinh tế thế giới ước tăng trưởng 4,4% trong năm 2022, thấp hơn 1,5% so với năm 2021.
Yếu tố này, theo bà Bình, khiến tăng trưởng thương mại thế giới chỉ ở mức 6% trong năm 2022 – giảm 3,3% so với năm trước, qua đó ảnh hưởng đến khả năng xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, cạnh tranh chiến lược giữa các nước, nhất là xung đột Nga – Ukraine đang ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế thế giới. Cụ thể, giá cả lương thực, năng lượng, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt tăng cao trước bối cảnh nguồn cung bị ảnh hưởng do xung đột chính trị đang làm gia tăng áp lực lạm phát lên các nền kinh tế.
Lạm phát của khu vực đồng tiền chung châu Âu đã tăng lên mức 5,8% trong tháng 2-2022. Tương tự, lạm phát tại Mỹ tăng lên mức cao nhất trong vòng 40 năm qua.
Với bối cảnh đó, nhiều ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới như Ngân hàng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED), Ngân hàng Trung ương Anh bắt đầu tiến hành các biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ, tài khóa thông qua việc giảm dần các gói kích thích kinh tế và nâng lãi suất.
“Động thái này có thể sẽ tạo ra làn sóng thắt chặt chính sách trên thế giới trong bối cảnh nền kinh tế đang dần phục hồi cùng với áp lực lạm phát tăng cao. Mặt bằng lãi suất tăng có thể sẽ là lực cản chính đối với TTCK đang được đánh giá hấp dẫn trong môi trường lãi suất thấp”, bà Bình nói.
Cũng theo bà Bình, việc điều chỉnh tăng lãi suất tại các thị trường lớn như Mỹ, Anh có thể sẽ khiến dòng vốn dịch chuyển từ các thị trường mới nổi sang thị trường phát triển. Ngoài ra, bất ổn kinh tế – chính trị trên thế giới cũng ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư, có thể dẫn đến các phiên điều chỉnh trên thị trường.
Để thị trường phát triển ổn định trong năm 2022, ông Vũ Bằng – nguyên Chủ tịch UBCKNN – đề xuất Chính phủ có động thái kiểm soát lạm phát trong ngắn hạn, tập trung vào vào ngành nông sản và thực phẩm – những sản phẩm chủ yếu sản xuất trong nước.
“Khu vực này nên làm tốt hơn vai trò để hỗ trợ ngành nhiên liệu, tháo gỡ khó khăn, giảm bớt lưu thông phân phối, giảm lạm phát cho nhóm ngành này”, ông Bằng nói.
Ngoài ra, cần kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp “tát nước theo mưa”, tăng giá khiến tăng lạm phát.
Bên cạnh đó, cần nỗi lực duy trì mặt bằng lãi suất thấp, ổn định tỷ giá để hạn chế tác động lên thị trường chứng khoán. Đồng thời, tăng khả năng tiếp cận vốn của của doanh nghiệp qua kênh tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp và chứng khoán.
Với việc kiểm soát dòng vốn vào bất động, chứng khoán, ông Bằng đánh giá động thái này là phù hợp, nhưng cần hết sức cân nhắc khi phát tín hiệu kiểm soát trong bối cảnh nền kinh tế đang trong quá trình hồi phục.
“Nếu tiếp tục phát tín hiệu thái quá, thị trường nhạy cảm, sụt giảm sẽ ảnh hưởng tới vĩ mô, thị trường tài chính, nợ xấu ngân hàng. Vì vậy cách xử lý phải khéo léo trong phát tín hiệu, làm sao khéo léo không gây sốc cho thị trường”, ông Bằng nói.
Vân Phong