Lãi suất giảm, doanh nghiệp có dễ tiếp cận?
Lãi suất giảm nhưng tiếp cận tín dụng vẫn là thách thức lớn với doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng
Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Mạc Quốc Anh nêu thực tế, đa số các doanh nghiệp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng là mới thành lập, có quy mô nhỏ, năng lực tài chính, trình độ quản trị hạn chế. Dù từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đủ khả năng trả hết các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn. "Nguồn lực doanh nghiệp bị cạn kiệt dẫn tới việc các doanh nghiệp không đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng. Phía ngân hàng cũng không thể tự ý hạ tiêu chuẩn, giảm các quy định, điều kiện cho vay mà vẫn phải theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo quản trị rủi ro, an toàn hệ thống"- ông Quốc Anh nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn ngân hàng là do hoạt động đơn lẻ, xây dựng phương án kinh doanh chưa có cơ sở chứng minh tính khả thi của phương án nên gửi hồ sơ khó đánh giá để cho vay. Kinh tế khó khăn, nguồn lực bị cạn kiệt dẫn tới việc các doanh nghiệp không đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng.
Phía ngân hàng, Phó Giám đốc phụ trách khối khách hàng doanh nghiệp Ngân hàng SHB Đinh Ngọc Dũng cho rằng, nhiều doanh nghiệp còn thiếu năng lực kinh nghiệm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hoạt động đơn lẻ. Khi xây dựng phương án kinh doanh chưa có cơ sở chứng minh tính khả thi. Do đó, ngân hàng khó đánh giá hồ sơ của doanh nghiệp để cho vay, đặc biệt là những doanh nghiệp thiếu tài sản bảo đảm. “Ngân hàng phải thẩm định năng lực của doanh nghiệp, tính khả thi của phương án vay vốn mới có thể chấp thuận cho vay vốn hay không”- ông Đinh Ngọc Dũng chỉ ra.
Đề xuất ngân hàng cơ cấu lại các khoản vay cũ
Đưa ra giải pháp cho doanh nghiệp, ông Mạc Quốc Anh cho rằng, nếu ngân hàng cắt giảm điều kiện cho vay, cơ cấu lại khoản vay cũ, giảm gánh nặng chi phí, doanh nghiệp sẽ dễ dàng tiếp cận nguồn vốn hơn. Hiện, tỷ lệ vay tín chấp chỉ chiếm 15 - 20% số lượng vay vốn, doanh nghiệp mong muốn được vay tín chấp đến 35%, phần còn lại là tài sản bảo đảm.
Về điều kiện cho vay, ông Mạc Quốc Anh cho rằng, ngân hàng giữ lại những điều kiện cơ bản và có thể giảm bớt đến 50%. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phải được hỗ trợ về đầu ra để có nguồn thu trả nợ ngân hàng. Hiệp hội đề xuất, ngân hàng cơ cấu lại các khoản vay cũ, đặc biệt các khoản vay từ quý III, IV/2022 để chia sẻ gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.
Song, bản thân các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng phải tích cực tham gia, tái cấu trúc hoạt động để phù hợp với bối cảnh thị trường. “Muốn vay được vốn ngân hàng, doanh nghiệp cần cung cấp hồ sơ, lịch sử thanh toán, công nợ, có đối tác uy tín hợp tác lâu dài thì sẽ được ưu tiên” - ông Mạc Quốc Anh nói.
Dưới góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Công ty du lịch Á châu Nguyễn Mạnh Linh cho rằng, cùng với hỗ trợ về vốn, để nâng cao hiệu quả kinh doanh, các cơ quan quản lý cần quan tâm kích cầu tiêu dùng bằng nhiều giải pháp như việc giảm thuế GTGT 2% đang thực hiện. Cùng với đó, kết hợp chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa để thúc đẩy sự phát triển chung của nền kinh tế, qua đó giúp doanh nghiệp cũng có cơ hội phục hồi.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, rất nhiều ngân hàng đã đưa ra những gói kích thích ưu đãi theo quy định. Ông Đinh Ngọc Dũng thông tin, SHB đã rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt hồ sơ, cắt giảm thủ tục hành chính, cũng như nhiều tiện ích... Đơn cử, đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số toàn diện, nhằm đáp ứng nhanh chóng nhu cầu tiếp cận vốn của tập khách hàng số lớn; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn mọi lúc, mọi nơi; đẩy nhanh thời gian cung ứng dịch vụ tới khách hàng, góp phần hỗ trợ sự phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp nói riêng, nền kinh tế nói chung. “SHB đang triển khai chương trình tín dụng với tổng quy mô lên đến 6.000 tỷ đồng dành cho khách hàng doanh nghiệp 2023 - 2024 có nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh với ưu đãi giảm lãi suất đến 2%/năm so với lãi suất cho vay thông thường” - vị này thông tin.
"Việc nâng cao hiệu suất sản xuất kinh doanh đòi hỏi sự đầu tư thông minh và hiệu quả. Thời gian qua, Chính phủ, UBND TP Hà Nội đã triển khai hệ thống chính sách đồng bộ thông qua việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận các nguồn lực để phát triển. Từ thực tế, tôi mong các ngân hàng tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Liên tục xây dựng và cải tiến các giải pháp về tín dụng phù hợp với nhu cầu thị trường, khách hàng và theo đặc thù từng nhóm ngành trọng điểm. Đặc biệt cần hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn mọi lúc, mọi nơi, tiết giảm các thủ tục hành chính…"
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/lai-suat-giam-doanh-nghiep-co-de-tiep-can.html