Lãi suất giảm, tiền trong ngân hàng sẽ không còn dư dả

Với đà giảm lãi suất huy động hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng một số ngân hàng đứng trước áp lực huy động. Bởi ngoài cho vay, các ngân hàng đang rất 'khát' vốn để xử lý nợ xấu, tái cơ cấu... Đây là lý do vì sao một số ngân hàng vẫn duy trì lãi suất tiền gửi hơn 8%/năm trên thị trường.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại tư nhân cho biết, các ngân hàng cũng phải sẵn sàng các giải pháp về nguồn vốn trong bối cảnh tiền gửi có nguy cơ giảm đi do lãi suất có xu hướng giảm.

Tăng trưởng huy động vốn dựa vào cư dân

Theo báo cáo tài chính của 27 ngân hàng giao dịch trên sàn chứng khoán, tính đến cuối quý I/2023, các nhà băng có hơn 8,58 triệu tỷ đồng tiền gửi khách hàng, tăng 3,6% so với đầu năm.

Trong đó, BIDV giữ vị trí đầu bảng với hơn 1,49 triệu tỷ tiền gửi khách hàng, tăng khoảng 23,7 nghìn tỷ (tương đương 1,6%) so với đầu năm. Vietcombank đạt hơn 1,28 triệu tỷ đồng tiền gửi, tăng 3,1% so với đầu năm. Trong khi đó, VietinBank ghi nhận chỉ tiêu này là hơn 1,27 triệu tỷ đồng, tăng 1,9%.

Các ngân hàng cũng phải sẵn sàng các giải pháp về nguồn vốn trong bối cảnh tiền gửi có nguy cơ giảm đi do lãi suất có xu hướng giảm.

Các ngân hàng cũng phải sẵn sàng các giải pháp về nguồn vốn trong bối cảnh tiền gửi có nguy cơ giảm đi do lãi suất có xu hướng giảm.

Với gần 478,79 nghìn tỷ tiền gửi khách hàng, tăng 5,3% so với đầu năm, Sacombank đứng ở vị trí thứ 4. MB ở vị trí thứ 5 với 445,41 nghìn tỷ tiền gửi khách hàng, tăng 0,4% so với đầu năm…

Còn theo số liệu Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng huy động vốn ngân hàng vẫn đang dựa vào nhóm khách hàng dân cư. Cụ thể, đến cuối tháng 3/2023, tiền gửi của khách hàng cá nhân tại hệ thống TCTD tăng hơn 100,8 nghìn tỷ đồng trong tháng 3 lên hơn 6,28 triệu tỷ. Đây là tháng tăng trưởng dương thứ 16 liên tiếp của tiền gửi dân cư, bắt đầu từ tháng 12/2021.

Tiền gửi của nhóm khách hàng doanh nghiệp sau khi giảm mạnh 338 nghìn tỷ trong 2 tháng đầu năm đã phục hồi lại trong tháng 3, tuy nhiên mức tăng không thực sự ấn tượng (chỉ tăng thêm hơn 48 nghìn tỷ đồng). Số dư tiền gửi của các tổ chức kinh tế cuối tháng 3 là hơn 5,66 triệu tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với nhóm khách hàng dân cư (hơn 6,28 triệu tỷ đồng).

Diễn biến tăng trưởng tiền gửi của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp đến từ nhiều yếu tố, trong đó lãi suất huy động ở mức cao, trong khi các kênh đầu tư khác như bất động sản, trái phiếu ảm đạm, nên nhà đầu tư cá nhân chọn gửi tiền vào ngân hàng nhiều hơn.

Trong khi ngược lại, lãi suất cho vay cao khiến các doanh nghiệp hạn chế đi vay, những doanh nghiệp tốt có dư thừa thanh khoản đã phải rút tiền gửi về để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của bản thân.

Nhiều ngân hàng vẫn đang “khát” vốn

Mặc dù NHNN cho biết thanh khoản hệ thống đang dồi dào, tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, thanh khoản ngân hàng đang được hỗ trợ lớn bởi nguồn đầu tư công chưa thể giải ngân (nguồn tiền này chủ yếu nằm ở NHNN và nhóm big 4). Ngoại trừ nhóm này, rất nhiều ngân hàng TMCP nhỏ đang chịu áp lực lớn về huy động vốn. Điển hình, đến hết quý I năm nay, có 4 ngân hàng ghi nhận chỉ tiêu tiền gửi sụt giảm. Trong đó, ABBank sụt giảm 10,3%, VietBank sụt giảm 2,6%, NCB sụt giảm 1,6% và VIB sụt giảm 0,4% ở chỉ tiêu này. Năm ngoái, không có nhà băng nào "đi lùi" tăng trưởng ở chỉ tiêu tiền gửi.

Giới phân tích cho rằng, xét trên toàn thị trường, các ngân hàng không dư giả vốn. Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Tú Anh cho biết, quý I/2023, huy động vốn ngành ngân hàng thấp hơn rất nhiều so với tốc độ bình quân trong 10 năm trở lại đây. Ngoài cho vay, các ngân hàng đang rất “khát” vốn để xử lý nợ xấu, tái cơ cấu... Đây là lý do vì sao một số ngân hàng vẫn duy trì lãi suất tiền gửi hơn 8%/năm trên thị trường.

Cũng theo số liệu mà NHNN cung cấp, trong 4 tháng đầu năm, các ngân hàng đã sử dụng gần như tối đa nguồn huy động cho phép để cho vay (chênh lệch tiền gửi và tín dụng bằng VND chỉ vỏn vẹn 167.000 tỷ đồng); tỷ lệ tín dụng/huy động vốn thị trường 1 bằng VND ở mức 101,45% (tức tiền ngân hàng cho vay cao hơn cả tiền huy động trên thị trường 1). Trong đó, vốn huy động của ngân hàng có tới 88% là ngắn hạn, tiềm ẩn rủi ro kỳ hạn lớn.

Theo nhận định của một số tổ chức, từ nay đến cuối năm vẫn còn dư địa NHNN tiếp tục giảm lãi suất điều hành. Theo đó, lãi suất huy động của ngân hàng có thể giảm còn 6,5 - 7%/năm kỳ hạn 12 tháng.

Công ty chứng khoán VnDirect kỳ vọng, lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng sẽ giảm xuống 6,5%/năm trong năm nay, dựa trên 3 yếu tố: Đầu tiên là nhu cầu tín dụng yếu do tăng trưởng kinh tế chậm chạp và thị trường bất động sản ảm đạm, tiếp đến là Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, từ đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế. Yếu tố thứ 3 là NHNN vẫn còn dư địa để giảm lãi suất điều hành.

Chuyên gia ngân hàng, TS Cấn Văn Lực nhận định: “Nếu giảm sâu quá thì thanh khoản hệ thống ngân hàng sẽ khó khăn do người dân thấy tiền gửi lãi suất thấp sẽ đầu tư vào các lĩnh vực khác”.

Huyền Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/lai-suat-giam-tien-trong-ngan-hang-se-khong-con-du-da-1093157.html