Lãi suất huy động 2025: Tăng nhẹ đồng loạt từ tháng 7, xu hướng cuối năm ra sao?
Lãi suất huy động bắt đầu tăng nhẹ từ tháng 5/2025 và tiếp tục lan rộng trong tháng 7. Nhiều ngân hàng điều chỉnh để thu hút dòng tiền, phản ánh xu hướng giảm lãi suất đã chững lại.
Ngân hàng tăng nhẹ lãi suất huy động
Bước sang tháng 7, một loạt các ngân hàng thương mại đã điều chỉnh nhẹ lãi suất huy động.
Khảo sát tại một số ngân hàng cho thấy, mức lãi suất huy động áp dụng cho các kỳ hạn 1-36 tháng đã có sự điều chỉnh tăng nhẹ, dao động từ 0,1 - 0,2/năm. Trong bối cảnh chung hiện nay, mức tăng này được xem là tăng nhẹ nên chưa tác động nhiều đến lãi suất cho vay, phản ánh sự thận trọng của các ngân hàng nhằm thu hút nguồn tiền gửi.
Tại nhóm ngân hàng quốc doanh, lãi suất huy động áp dụng kỳ hạn 12 - 18 tháng cho thấy Agribank có mức lãi suất cao nhất với 4,8%/năm, BIDV và Vietinbank cùng huy động 4,7%/năm, Vietcombank là thấp nhất 4,6%/năm. Trong nhóm Big4 này chỉ ghi nhận Agribank có mức tăng nhẹ 0,1%/năm, 3 ngân hàng còn lại lãi suất huy động vẫn giữ ổn định từ đầu năm.

Ngân hàng Viet A Bank có mức lãi suất huy động 3,7 - 5,8%/năm, áp dụng cho các kỳ hạn 1-18 tháng.
Ở khối các ngân hàng tư nhân cho thấy, lãi suất huy động tại VPBank tăng 0,1 - 0,2%/năm, áp dụng cho các kỳ hạn từ 1-36 tháng, Techcombank tăng từ 0,1-0,15%/năm áp dụng cho các kỳ hạn từ 1-36 tháng.
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng còn áp dụng chính sách ưu đãi gửi tiền online nhằm thu hút khách hàng.
Đơn cử, Techcombank có lãi suất online cao hơn từ 0,1 - 0,2%/năm so với gửi tại quầy. Bên cạnh việc tặng quà, rút thăm trúng thưởng, SHB có lãi suất online cao hơn từ 0,1 - 0,3%/năm so với gửi tại quầy.
Trước làn sóng tăng nhẹ lãi suất huy động, một loạt ngân hàng như NCB, LPBank, Bac A Bank, HDBank… cũng đồng loạt nâng lãi suất tiết kiệm cho các kỳ hạn.
Không chỉ khách hàng cá nhân thông thường được hưởng lãi suất huy động tăng nhẹ, mà các khách hàng có lượng tiền gửi “siêu lớn” cũng được hưởng lãi suất đặc biệt.
Tại Big4, với khoản tiền gửi hàng trăm đến vài nghìn tỷ đồng, khách hàng được hưởng lãi suất không theo bảng niêm yết thông thường.
Còn tại ABBank, ngân hàng này áp dụng mức lãi suất 9,65%/năm cho khoản tiền gửi từ 1.500 tỷ đồng, kỳ hạn 13 tháng. PVcomBank áp dụng mức lãi suất 9%/năm cho khoản gửi từ 2.000 tỷ đồng.
Theo giới phân tích, từ đầu tháng 5 đến nay, nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Động thái này cho thấy xu hướng lãi suất giảm đã chững lại, sau giai đoạn giảm lãi suất huy động từ tháng 2 đến tháng 4.
Theo Công ty chứng khoán MBS, đà giảm lãi suất huy động đã chững lại trong tháng 6. Đến cuối tháng 6, trung bình lãi suất kỳ hạn 12 tháng của nhóm NHTM giảm 0,17% so với đầu năm về mức 4.87%, trong khi lãi suất của nhóm các NHTM quốc doanh vẫn giữ ổn định ở mức 4.7%. Việc giữ mặt bằng lãi suất huy động ở mức thấp đã tạo điều kiện cho lãi suất cho vay tiếp tục giảm.
Còn theo PGS.TS Lê Đức Hoàng, Trưởng bộ môn Tài chính doanh nghiệp, Đại học Kinh tế Quốc dân, trong 6 tháng đầu năm 2025, mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục duy trì xu hướng ổn định và có điều chỉnh giảm nhẹ theo định hướng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của NHNN. Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng dao động trong khoảng 3,2-4,0%/năm, trong khi kỳ hạn từ 6-12 tháng phổ biến ở mức 4,5-5,5%/năm và các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên có thể lên tới 6,0-7,1%/năm tùy theo ngân hàng và hình thức gửi.
Trong quý I, nhiều ngân hàng đã chủ động giảm nhẹ lãi suất khoảng 0,1-0,5 điểm phần trăm nhằm thực thi chủ trương kích thích tăng trưởng. Đến quý II, lãi suất có xu hướng giữ ổn định và ở một số NHTM lãi suất huy động có xu hướng tăng nhẹ.
Cuối năm lãi suất huy động tăng hay giảm?
Nhận định về diễn biến lãi suất huy động trong thời gian tới, Công ty chứng khoán MBS cho rằng, mặt bằng lãi suất tiền gửi đã có dấu hiệu ổn định, nhưng đây chưa phải là mức thấp nhất và vẫn còn dư địa để giảm thêm trong quý 3.
Cơ sở của nhận định này là, tăng trưởng tín dụng đã tăng mạnh kể từ tháng 4, nhưng lãi suất liên ngân hàng vẫn ổn định và gần đây thậm chí còn cho thấy xu hướng giảm rõ rệt. Điều này cho thấy thanh khoản hệ thống tương đối ổn định, và tình trạng thiếu hụt thanh khoản vào cuối quý 2 chỉ mang tính chất mùa vụ... Tuy nhiên, đến quý 4, lãi suất huy động có thể tăng nhẹ khi tăng trưởng tín dụng thường có xu hướng tăng mạnh về cuối năm. Dựa vào các yếu tố trên, Công ty chứng khoán MBS dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các NHTM lớn sẽ dao động quanh mức 4,7%năm.
Theo Vụ Dự báo, thống kê ổn định tiền tệ, tài chính (thuộc NHNN), qua điều tra “Xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý III/2025”, với mặt bằng lãi suất và huy động vốn và cho vay VND tiếp tục xu hướng giảm nhẹ trong quý II/2025, đặc biệt là lãi suất cho vay, các TCTD dự báo mặt bằng lãi suất huy động và cho vay cuối năm cơ bản không thay đổi so với cuối năm 2024.

PGS.TS Lê Đức Hoàng, Trưởng bô môn Tài chính doanh nghiệp, Đại học Kinh tế Quốc dân.
Trái ngược với những nhận định trên, nhiều chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng lãi suất huy động có xu hướng tăng lên và tiền gửi vẫn được xem là kênh đầu tư an toàn.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết, lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới, khi ngân hàng cần huy động thêm nguồn vốn phục vụ nhu cầu tín dụng cuối năm.
Cũng theo ông Hiếu, lãi suất huy động đang áp dụng chưa phải là cao nhưng lượng tiền gửi vào ngân hàng vẫn liên tục thiết lập kỷ lục, cho thấy sức hấp dẫn của kênh này so với chứng khoán, vàng hay bất động sản.
Còn theo PGS.TS Lê Đức Hoàng, từ nay đến cuối năm, lãi suất huy động sẽ có xu thế tăng nhẹ, do: Áp lực tỷ giá VND/USD tăng, tiền đồng có thể bị hụt hơi so với tiền USD, các NHTM phải tạo sức hút đối với người gửi tiền bằng cách tăng lãi suất.
Tín dụng có mức độ tăng trưởng mạnh, đặc biệt đáp ứng mục tiêu tăng trưởng hơn 8%/năm, do vậy để có 1 nguồn vốn duy trì ổn định, các NHTM sẽ có xu thế tăng lãi suất huy động.
Một số ngành nghề có sức hút lớn về vốn như bất động sản, sản xuất kinh doanh, thương mại có thể gây áp lực tới lãi suất huy động của các NHTM. Để tạo sự hấp dẫn cho nhà đầu tư, các NHTM sẽ phải điều chỉnh tăng lãi suất.
Vào cuối năm, giá cả một số mặt hàng có xu thế tăng nhẹ,ví dụ như giá xây dựng liên quan đến vấn đề đầu tư công, lãi suất sẽ có xu thế tăng hơn do phải điểu chỉnh lãi suất thị trường.
“Mặc dù vậy, với sự quyết tâm của Chính phủ và các bộ, ban, ngành, cá nhân tôi cho rằng lãi suất huy động và cả lãi suất cho vay vẫn trong tầm kiểm soát, đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra”, PGS.TS Lê Đức Hoàng nhận định.