Lãi suất huy động bị 'ghìm cương': Ngân hàng xoay xở nguồn vốn từ kênh đầu tư khác

Lãi suất huy động sẽ chịu sức ép do kênh tiền gửi đang bị cạnh tranh bởi chứng khoán, bất động sản. Để đủ nguồn lực phục vụ nền kinh tế, nhiều ngân hàng đã và đang tìm cách thu hút vốn qua các kênh khác.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), quý I năm nay, tăng trưởng tín dụng cao gấp đôi huy động vốn khiến chênh lệch giữa huy động và cho vay của hệ thống ngân hàng càng lớn, lên tới 1,1 triệu tỷ đồng.

Lãi suất đang chịu sức ép lớn

Trong báo cáo vừa gửi tới Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian qua, NHNN tiếp tục duy trì lãi suất điều hành ở mức thấp để định hướng thị trường giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, đồng thời tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động.

Do vậy, mặt bằng lãi suất có nhiều sức ép trong thời gian tới vì một số nguyên nhân: Lãi suất cho vay đã có xu hướng giảm sâu thời gian qua, nhu cầu vốn tín dụng dự kiến gia tăng mạnh mẽ trong thời gian tới để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025, trong khi huy động vốn của ngân hàng có thể bị ảnh hưởng và cạnh tranh từ các kênh đầu tư khác như bất động sản, thị trường chứng khoán.

VPBank công bố thực hiện thành công thương vụ vay hợp vốn quốc tế với giá trị ban đầu 1 tỷ USD

VPBank công bố thực hiện thành công thương vụ vay hợp vốn quốc tế với giá trị ban đầu 1 tỷ USD

Thực tế, các ngân hàng đồng loạt đảo chiều giảm lãi suất tiết kiệm kể từ cuối tháng 2 khi Thủ tướng chỉ đạo thanh tra, kiểm tra các nhà băng tăng lãi suất huy động. Điều này dẫn đến việc cạnh tranh thu hút tiền gửi của các ngân hàng với kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản, vàng... càng trở nên khó khăn hơn.

Đến hết quý I, tiền gửi vào nhà băng thấp hơn 1,1 triệu tỷ đồng so với tín dụng đã gây áp lực cho hệ thống ngân hàng trong nhiệm vụ đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Trước đó, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng khẳng định, ngành ngân hàng cho vay ra nền kinh tế nhiều hơn số dư huy động, phần thiếu hụt phải sử dụng cả vốn tự có và vốn tái cấp từ NHNN.

Ngoài ra, báo cáo của NHNN cho thấy, phát hành giấy tờ có giá của các tổ chức tín dụng tiếp tục gia tăng trong bối cảnh huy động vốn có dấu hiệu sụt giảm. Cụ thể, trong tháng 1/2025, dù huy động vốn từ dân cư và tổ chức tín dụng giảm, song tổng phương tiện thanh toán toàn hệ thống vẫn tăng 1,46%.

Theo nhận định của VNDIRECT, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao trong năm 2025 để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhiều khả năng tín dụng có thể bắt đầu tăng tốc từ quý II/2025 cho đến hết năm, dẫn tới nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng trong các quý còn lại của năm 2025 sẽ tăng lên.

Cấp tập tăng vốn, phát hành trái phiếu

Để đủ nguồn lực phục vụ nền kinh tế, nhiều ngân hàng đã và đang tìm cách thu hút vốn qua kênh phát hành trái phiếu, vay vốn từ tổ chức quốc tế, chia cổ tức bằng cổ phiếu và tăng vốn điều lệ.

Mới đây, VPBank công bố thực hiện thành công thương vụ vay hợp vốn quốc tế với giá trị ban đầu 1 tỷ USD, có kèm tùy chọn mở rộng giá trị khoản vay tùy thuộc theo nhu cầu sử dụng vốn của ngân hàng này. Theo đại diện VPBank, nguồn vốn này sẽ được phân bổ cho các lĩnh vực ưu tiên như hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, các dự án thân thiện với môi trường và hoạt động có tác động xã hội tích cực.

Báo cáo về thị trường trái phiếu doanh nghiệp tháng 4, số liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, tính đến ngày 26/4, thị trường ghi nhận 17 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 4 với tổng giá trị lên tới 30.217 tỷ đồng. Tính từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành đã đạt 55.321 tỷ đồng.

Techcombank gây chú ý với 4 đợt phát hành tổng trị giá 8.700 tỷ đồng. VietinBank và MSB cũng không kém cạnh, lần lượt huy động 3.000 tỷ đồng và 4.000 tỷ đồng qua các đợt phát hành riêng lẻ…

Các chuyên gia nhận định, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với kỳ hạn dài không chỉ giúp các ngân hàng gia tăng vốn huy động, mà còn tăng tỷ lệ nguồn vốn huy động trung và dài hạn nhằm đảm bảo đủ tỷ lệ tối đa vốn huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo quy định của NHNN. Do đó, nhiều khả năng bắt đầu từ quý II/2025, nhóm ngân hàng sẽ tích cực phát hành trái phiếu trở lại.

Trong bối cảnh cần vốn để mở rộng tăng trưởng, bên cạnh phát hành trái phiếu, nhiều ngân hàng rầm rộ tăng vốn với tỷ lệ chia cổ tức bằng cổ phiếu cao kỷ lục. Chẳng hạn, Vietcombank chốt tỷ lệ chia cổ tức bằng cổ phiếu là 49,5%. Con số này tại VietinBank là 44,64%, tại MSB là 20%...

Trong mùa đại hội đồng cổ đông năm nay, hầu hết các ngân hàng trình cổ đông kế hoạch tăng vốn khủng, như MB chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 32%, giúp tăng vốn điều lệ. NCB đã được cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm 7.500 tỷ đồng thông qua việc chào bán 700 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tương đương 59,42% vốn điều lệ NCB tại thời điểm chào bán. VietABank trình kế hoạch tăng vốn lịch sử (tăng 115%, từ 5.399,6 tỷ đồng lên 11.582,4 tỷ đồng)…

Chuyên gia phân tích FiinGroup cho rằng, nhiều ngân hàng đã có kế hoạch tăng vốn cổ phần (vốn cấp 1), song việc tăng vốn cấp 1 mất rất nhiều thời gian và phụ thuộc vào tình hình thị trường chứng khoán. Do đó, các ngân hàng sẽ vẫn mạnh tay phát hành trái phiếu trong thời gian tới nhằm đáp ứng yêu cầu tăng trưởng tín dụng cũng như đáp ứng các chỉ tiêu an toàn vốn.

Huyền Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/lai-suat-huy-dong-bi-ghim-cuong-ngan-hang-xoay-xo-nguon-von-tu-kenh-dau-tu-khac-1106611.html