Xuất khẩu nông sản Việt Nam đón nhận nhiều tín hiệu tích cực
4 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu nông sản Việt Nam đạt 21,15 tỷ USD. Với đà tăng trưởng này, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang nỗ lực đa dạng hóa thị trường, hướng tới mục tiêu xuất khẩu 64 - 65 tỷ USD trong năm nay.
Xuất siêu gần 5,2 tỷ USD
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong tháng 4/2025, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt 5,47 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 4 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu toàn ngành đạt 21,15 tỷ USD (tăng 10,7%), mang về xuất siêu gần 5,2 tỷ USD.
Trong số các thị trường trọng điểm, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt tỷ trọng 20,5%, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhật Bản tăng 23,3%, đạt tỷ trọng 7,5%. Trong khi đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 17,1%, giảm nhẹ 1,1%.

Vải thiều sớm Tân Yên xuất khẩu sang Thái Lan và thị trường Châu Âu.
Tại khu vực châu Mỹ, xuất khẩu nông sản đạt 4,83 tỷ USD (tăng 12,6%); châu Âu đạt 3,48 tỷ USD (tăng 37,7%). Châu Phi ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất, đạt 648 triệu USD (tăng 78,4%), cho thấy nỗ lực mở rộng thị trường sang những khu vực mới của Việt Nam đang phát huy hiệu quả.
Trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam có 6 mặt hàng nông sản đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó 2 mặt hàng đã vượt mốc 3 tỷ USD. Thành công này đến từ sự đa dạng hóa sản phẩm và nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị gia tăng, chuyển từ xuất khẩu nguyên liệu thô sang sản phẩm chế biến sâu.
Đáng chú ý, mặt hàng trái cây tiếp tục là điểm sáng với kim ngạch xuất khẩu vượt 1,3 tỷ USD (tăng 18,6%). Ngoài thị trường châu Á, các loại trái cây nhiệt đới như thanh long, xoài, vải, nhãn… còn gia tăng thị phần tại các nước châu Âu và Hoa Kỳ.
Cà phê và gạo cũng ghi nhận kết quả tích cực. Xuất khẩu cà phê đạt 1,67 tỷ USD, tăng 12,3%, trong khi gạo đạt 1,28 tỷ USD, tăng 8,9%. Việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP đã giúp các sản phẩm này dễ dàng tiếp cận các thị trường khó tính.
Dù đạt được những kết quả ấn tượng, song xuất khẩu nông sản Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Đặc biệt, tại thị trường Mỹ, các biện pháp thuế quan mới được ban hành, với mức thuế chống bán phá giá lên đến 46% đối với một số sản phẩm nông sản, đang gây áp lực lớn lên các doanh nghiệp Việt Nam.
Quyết tâm chinh phục xuất khẩu 64 - 65 tỷ USD
Trong năm 2025, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường phấn đấu đạt tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản khoảng 64 - 65 tỷ USD. Đây là thách thức rất lớn trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, khó lường, xung đột vẫn diễn ra và sức mua trong nước có giới hạn.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho biết, để đạt được các mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ giao, đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực phấn đấu, tập trung nguồn lực, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp.
Chia sẻ về các chiến lược nhằm duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu nông sản từ nay đến cuối năm, ông Trần Gia Long, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), cho biết Bộ đã xác định 7 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Trong đó, ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số và xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường xuất khẩu.
Đặc biệt, Bộ tập trung phát triển thị trường trong nước, kiểm soát giá cả, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Đây được xem là giải pháp quan trọng nhằm gia tăng giá trị cho nông sản Việt Nam, cả trên thị trường nội địa và quốc tế.
Về thúc đẩy phát triển thị trường, ông Trần Gia Long nhấn mạnh Bộ sẽ tăng cường xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa thị trường và tháo gỡ rào cản kỹ thuật, thương mại cho nông sản Việt Nam. Các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Mỹ, EU, Nga, Brazil, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ tiếp tục là ưu tiên hàng đầu.
Đồng thời, mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng (thực phẩm Halal của các nước Hồi giáo, Trung Đông, châu Phi...) với phương châm đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, góp phần từng bước giảm xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới phía bắc. Nâng cao hiệu quả công tác đàm phán, mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại, xử lý các vấn đề trong thương mại.
Đối với thị trường trong nước, bộ sẽ có lộ trình, phương án rõ ràng đẩy mạnh tiêu thụ nội địa đối với những sản phẩm có tính thời vụ cao (như rau, hoa, quả), dễ bị tác động của điều kiện tự nhiên, thời tiết, làm giảm phẩm cấp, chất lượng. Có giải pháp ổn định thị trường, kiểm soát sự biến động giá của một số mặt hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp.