Lãi suất huy động tăng chóng mặt
Lãi suất huy động được các ngân hàng liên tiếp điều chỉnh trong vòng một tuần qua. Việc tăng lãi suất huy động một mặt giúp giảm căng thẳng về thanh khoản, nhưng mặt khác, khi chi phí đầu vào tăng thì lãi suất cho vay cũng khó tránh khỏi biến động.
Lãi suất không ngừng tăng
Nhiều ngân hàng đã ghi nhận mức lãi suất cao nhất lên tới 8,5 - 8,7%/năm như ABBank, Kienlongbank, BacABank, GPBank. Tại một số ngân hàng lớn, lãi suất niêm yết cao nhất vượt 8%/năm như MB (8,7%), VPBank (8,6%), Techcombank (8,5%), SHB (8,4%), Sacombank (8,0%)...
Cá biệt, một số ngân hàng đẩy lãi suất lên mức cao hơn, từ 10,5 - 11%/năm. Tuy nhiên mức lãi suất này chỉ áp dụng cho 3 tháng đầu chứ không áp dụng suốt kỳ hạn gửi, 6 tháng sau hưởng lãi chưa đến 6%/năm, tính bình quân thì thực lãi trong 9 - 12 tháng chỉ 7%/năm.
4 ngân hàng thương mại Nhà nước gồm: Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV cũng đã cập nhật biểu lãi suất huy động mới từ ngày 27/10 và tăng mạnh ở nhiều kỳ hạn. Lãi suất cao nhất tại quầy ở các nhà băng này là 7,4%/năm, áp dụng cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, cao hơn trước 1%/năm.
Ngoài ra, một số ngân hàng này còn có chính sách cộng lãi suất tiền gửi theo hình thức trực tuyến thêm 0,5 - 0,6%/năm so với gửi tại quầy. Theo đó, lãi suất cao nhất tại nhóm Big4 có thể lên xấp xỉ 8%/năm, tương đương với nhiều ngân hàng tư nhân khác như VPBank (số tiền dưới 300 triệu), Techcombank, Sacombank.
Tính đến hiện tại, lãi suất huy động niêm yết dành cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên tại nhiều ngân hàng đã tăng 1,5 - 1,8 điểm % so với hồi đầu năm.
Cuộc đua lãi suất của các ngân hàng vẫn đang nóng lên, chủ yếu để giữ chân khách hàng không chạy sang nhà băng khác. Trong thời gian qua, tốc độ huy động vốn của các ngân hàng tăng chậm hơn cho vay. Tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 9 đã gần đạt 11%, trong khi huy động vốn cập nhật gần nhất đến 20/9 chỉ xấp xỉ 4%. Nhu cầu huy động vốn trung, dài hạn vẫn rất lớn và thanh khoản hệ thống đang chịu không ít áp lực sau một số sự kiện tác động mạnh đến ngành ngân hàng thời gian gần đây.
Hiện hạn mức tín dụng của các nhà băng gần như đã chạm mức cho phép. Lãi suất huy động tăng lên càng gây thêm áp lực cho lãi vay điều chỉnh tăng. Đối với những hợp đồng vay cũ đến thời điểm tính lại lãi vay, gần như đều căn cứ vào lãi suất huy động cộng với biên độ từ 3,5 - 5% tùy theo ngân hàng.
Áp lực còn lớn trước dự báo FED tăng lãi suất
Giới phân tích dự báo, lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới do áp lực tỷ giá và lạm phát đi cùng yếu tố mùa vụ.
“Từ giờ tới cuối năm, nhiều khả năng NHNN tăng thêm lãi suất điều hành để hỗ trợ cho tỷ giá, do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vẫn còn kế hoạch tăng cao lãi suất trong 2 cuộc họp chính sách còn lại của năm. Hai cuộc họp này diễn ra vào đầu tháng 11 và giữa tháng 12, sẽ làm đồng đô la tiếp tục lên giá. Động thái này khiến lãi suất huy động vẫn chịu áp lực tăng trong thời gian tới” - bộ phận Chứng khoán Bảo Việt phân tích.
Tương tự, Chứng khoán SSI dự báo, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay có thể tiếp tục tăng thêm 0,5 - 1 điểm %, sau khi NHNN tăng lãi suất điều hành trong bối cảnh các điều kiện tài chính vẫn gặp nhiều khó khăn.
Theo hãng tin AFP, FED dự báo tiếp tục tăng lãi suất tại cuộc họp tuần này. Để tăng chi phí đi vay và hạ nhiệt nhu cầu, FED đã tăng lãi suất cho vay 5 lần trong năm nay, trong đó có 3 lần tăng 0,75 điểm phần trăm liên tiếp. Các nhà phân tích dự đoán một đợt tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm nữa trong cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày từ 1 - 2/11 của FED.
Thị trường vẫn đang chờ đợi các tín hiệu cho thấy FED có thể làm chậm lại chính sách tăng lãi suất trong những tháng tới. Nhiều nhà kinh tế dự báo FED tăng lãi suất một lần nữa thêm 0,5 điểm phần trăm vào tháng 12. Các đợt tăng lãi suất hơn nữa của FED dự kiến làm giảm chi tiêu của cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp, và thúc đẩy tiết kiệm hơn là chi tiêu.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế và địa chính trị toàn cầu rối ren, gần đây Liên hiệp quốc cũng đã kêu gọi các ngân hàng trung ương, đặc biệt là FED, dừng tăng lãi suất để tránh suy thoái kinh tế, vì FED có nguy cơ gây tổn hại đáng kể cho các nước đang phát triển nếu tiếp tục tăng lãi suất nhanh và mạnh tay. Cơ quan này ước tính nếu FED cứ nâng lãi suất tham chiếu thêm 1 điểm phần trăm, GDP các nước giàu khác sẽ giảm 0,5 điểm phần trăm, còn GDP các nước nghèo sẽ giảm 0,8 điểm phần trăm trong 3 năm tới.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/lai-suat-huy-dong-tang-chong-mat.html