Lãi suất huy động tăng cục bộ, dự báo sắp tăng đồng loạt: Sắp hết thời 'tiền rẻ'?

Nhiều chuyên gia cho biết, lãi suất huy động thời gian qua mới chỉ có dấu hiệu tăng cục bộ. Tuy nhiên, dự báo cuối năm sẽ đồng loạt tăng lên 25 -30 điểm cơ bản tại các ngân hàng.

Lãi suất huy động tăng cục bộ

Trong tháng 5 và đầu tháng 6, lãi suất huy động tại một số ngân hàng đã tăng nhẹ so với hồi đầu tháng trước.

Chẳng hạn. Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động tháng 6 thêm 0,1%/năm tại các kỳ hạn 12 tháng, 24 tháng, 36 tháng lên lần lượt là 5,7-6,3-6,4%/năm.

Trong khi đó, lãi suất tiết kiệm tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) tăng từ 0,1 - 0,3%/năm với các kỳ hạn dài. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 12 và 24 tháng lần lượt áp dụng là 5,8 và 6,55%/năm. Với kỳ hạn 36 tháng, lãi suất gửi tiền tại quầy là 6,4%/năm và gửi online là 6,6%/năm.

Ngày 29/05, Bac A Bank tăng 0,1 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân ở tất cả các kỳ hạn. Lãi suất ở kỳ hạn 3 tháng tăng lên 3,8%/năm, kỳ hạn 6 tháng lên mức 5,9%/năm và 12 tháng là 6,3%/năm.

Techcombank cũng vừa tăng lãi suất huy động dành cho khách hàng thường dưới 50 tuổi, gửi tiết kiệm từ 3 tỷ đồng trở lên.

Cụ thể, khách hàng được hưởng lãi suất 2,9%/năm cho khoản tiền gửi kỳ hạn 1 - 2 tháng; 4,6%/năm cho khoản tiền gửi kỳ hạn 6 - 11 tháng và 5,2%/năm cho kỳ hạn từ 12 - 35 tháng. Các mức lãi suất này tăng từ 0,65 - 0,9 điểm phần trăm so với trước kia. Biểu lãi suất trước đó được Techcombank áp dụng từ tháng 2/2021.

Hay như ngân hàng TPBank mở gói tài khoản Đắc Lộc, với lãi suất cao nhất ở kỳ hạn 12 tháng là 6,5%/năm, cao hơn 0,5%/năm so với mức lãi suất gửi tiết kiệm thông thường.

Nguồn: SSI Research, NHNN.

Trên thực tế, việc điều chỉnh lãi suất mới diễn ra cục bộ ở một số ngân hàng. Tại 4 ngân hàng lớn là Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV biểu lãi suất vẫn giữ ổn định so với thời điểm đầu tháng 5/2021 và cũng là mức thấp nhất trong hệ thống. Đây là những ngân hàng nắm tỷ lệ sở hữu chi phối, đóng vai trò định hướng trên thị trường.

Đó là chưa kể, một số ngân hàng có xu hướng giảm lãi suất đầu vào như VPBank. Hiện mức lãi suất huy động cao nhất được ngân hàng này áp dụng là 6,2%/năm (cho gói tiết kiệm Phát Lộc Thịnh Vượng, có kỳ hạn 36 tháng và giá trị trên 50 tỷ đồng).

Với những ngân hàng điều chỉnh tăng biểu lãi suất tiết kiệm, mức lãi suất cao nhất biến động không nhiều.

Dù vậy, các chuyên gia phân tích của chứng khoán VCBS cho rằng, lãi suất huy động tăng thời gian qua mới chỉ có dấu hiệu tăng cục bộ, chưa ghi nhận áp lực tăng trên toàn hệ thống. Việc lãi suất tăng ở một số ngân hàng là nhằm cân bằng lại lợi ích của người gửi tiền với kỳ vọng phần nào giảm xu hướng đa dạng sang các kênh đầu tư thay vì giữ các khoản tiết kiệm.

Sắp hết thời “tiền rẻ”?

Theo dữ liệu của Bloomberg, lãi suất qua đêm tăng 63 điểm cơ bản lên 1,18% vào ngày 31/5. Cùng với đó, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 1 tuần đến 12 tháng tăng trong khoảng từ 2 đến 60 điểm cơ bản trong tháng 5/21. Trong khi đó, lãi suất huy động của khối ngân hàng thương mại cổ phần tăng 3-4 điểm phần trăm trong khi lãi suất huy động của khối ngân hàng thương mại quốc doanh không đổi trong tháng 5/2021.

VnDirect kỳ vọng lãi suất tiền gửi sẽ tăng nhẹ 25-30 điểm cơ bản trong nửa cuối năm 2021 do: Nhu cầu tín dụng tăng trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi; áp lực lạm phát cao hơn vào nửa cuối năm so với mức 6 tháng đầu năm và các ngân hàng thương mại cần duy trì mặt bằng lãi suất huy động hấp dẫn nhằm huy động vốn trong bối cảnh cạnh tranh cao hơn từ các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán.

Theo các chuyên gia tài chính, cuối năm, lãi suất huy động có thể nhích lên ở một số ngân hàng. Trong khi đó, lãi suất cho vay sẽ khó giảm vì đang ở mức rất thấp và đây cũng không phải là điểm nghẽn của tín dụng vì tín dụng vẫn có tăng trưởng cao.

Chứng khoán BVSC cũng nhận định, hiện tại, tín dụng đang có dấu hiệu tăng nhanh hơn so với cùng kỳ đạt 3,34% tính tới ngày 16/4/2021, so với mức 2 tính tới cuối tháng 5/2020) và nhanh hơn tăng trưởng huy động vốn tính tới ngày 19/3/2021, tăng trưởng huy động vốn của các tổ chức tín dụng mới đạt 0,54% trong khi tăng trưởng dư nợ tín dụng đạt 1,47%, theo Tổng cục thống kê .

Nhóm phân tích của BVSC cho rằng, diễn biến này cho thấy thanh khoản hệ thống ngân hàng trong năm 2021 nhiều khả năng sẽ không còn dư thừa nhiều như trong năm 2020. Do đó, lãi suất huy động được dự báo sẽ có diễn biến tăng nhẹ trở lại về phía cuối năm

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/lai-suat-huy-dong-tang-cuc-bo-du-bao-sap-tang-dong-loat-sap-het-thoi-tien-re-post138964.html